Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đô thị

10/03/2021 | 05:31 GMT+7

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Ngã Bảy.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng VietGAP tại thành phố Ngã Bảy.

Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất sẽ giải quyết được bài toán giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhất là trong điều kiện diện tích sản xuất không lớn như ở khu vực đô thị. Nắm bắt được nhu cầu phát triển của người dân theo xu hướng này, trong năm 2020 vừa qua, Phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy đã tham mưu thực hiện mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng theo hướng VietGAP. Trước khi thực hiện, những người tham gia mô hình đã có dịp tham quan học hỏi tại Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát ở huyện Phụng Hiệp. Tiếp nhận chuyển giao quy trình trồng dưa lưới theo hướng VietGAP, sử dụng giá thể, tưới nhỏ giọt. Diện tích thực hiện trong nhà màng với khả năng thoát nhiệt tốt, có hệ thống thông gió, hạn chế ảnh hưởng bởi nước mưa…

 Khi lựa chọn loại cây trồng này, bà Nguyễn Cẩm Trúc, cán bộ khuyến nông thành phố Ngã Bảy, chủ nhiệm mô hình cho biết: Dưa lưới là cây màu có giá trị kinh tế cao, ngoài tiêu thụ nội địa còn có thể mở rộng xuất khẩu. Giống dưa lưới được chọn cũng thích nghi tốt với môi trường trong nhà màng. Kinh phí đầu tư ban đầu nhà màng diện tích khoảng 200m2, giống, giá thể, hệ thống tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… là hơn 100 triệu đồng.

Để giúp hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình hiệu quả, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc vườn dưa lưới cũng như tổ chức  lớp tập huấn và hội thảo với sự tham gia của những hộ dân tại địa phương. Đánh giá hiệu quả kinh tế sau khi kết thúc đợt trồng thử nghiệm, với diện tích trồng khoảng 200m2, đặt khoảng 500 túi giá thể với 500 dây dưa lưới, năng suất đạt 500kg. Với giá bán 30.000 đồng/kg thì có lãi khoảng 9 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Sau khi kết thúc đợt trồng thử nghiệm, Phòng Kinh tế thành phố sẽ chuyển giao cho cá nhân có nhu cầu tiếp tục mô hình và đầu tư mở rộng sản xuất các vụ tiếp theo. Quan trọng hơn, từ mô hình thử nghiệm này, cán bộ kỹ thuật, người dân ham học hỏi có điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm ngay tại địa phương và nhân rộng nếu thích hợp với điều kiện của mình.

Ngoài trồng dưa lưới, Phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy còn thông tin là đơn vị còn triển khai mô hình nuôi lươn với 5 hộ tham gia, đàn lươn 14.000 con đang phát triển khá tốt, dự kiến sẽ xuất bán trong 3 tháng nữa. Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị khác dù mới hình thành nhưng đã phát triển ổn định như mua bán cây giống, cây kiểng, cá cảnh,... thu hút đông đảo người dân tham gia, đã hình thành các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động, cùng với những vùng trồng tập trung các loại cây ăn trái như bưởi Năm Roi, chanh không hạt, mãng cầu xiêm ở phường Hiệp Lợi, Hiệp Thành, Lái Hiếu, có thể thấy nông nghiệp đô thị ở Ngã Bảy đã phát triển theo hướng đa dạng, phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương. 

Ông Bạch Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: Khi triển khai thành công, kỳ vọng từ mô hình này sẽ tác động tích cực đến định hướng sản xuất nông nghiệp của bà con. Ngoài được hỗ trợ bước đầu một phần chi phí, vật tư, hộ tham gia đã học hỏi nhiều kỹ thuật hay, tích lũy được kinh nghiệm để tái sản xuất và tạo ra thu nhập tăng thêm. Không chỉ thu hoạch trái mà trong thời gian thực hiện, mô hình còn thu hút nhiều khách đến tham quan. Qua đó, cho thấy tiềm năng kết hợp nông nghiệp đô thị và du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, muốn phát triển theo hướng này, trong thời gian tới cần tiếp tục nhân rộng và đa dạng các mô hình hiệu quả, đảm bảo tính kết nối với nhau nhằm khai thác tối đa thế mạnh hiện tại và đảm bảo tính liên tục cùng với những dịch vụ đi kèm hoàn thiện phục vụ du lịch.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích