Triển vọng từ chế phẩm bảo quản Chitosan

22/04/2021 | 08:42 GMT+7

Chế phẩm bảo quản Chitosan đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn tại Hậu Giang, được đánh giá mang lại nhiều kết quả, rất hữu ích cho người nông dân, bước đầu phục vụ đắc lực cho ngành nông nghiệp.

Kiểm tra quy trình bảo quản bằng chế phẩm sinh học Chitosan tại Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên.

Chế phẩm hữu ích

Chế phẩm bảo quản Chitosan được ra đời trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản các loại nông sản tỉnh Hậu Giang” từ năm 2020.

Với kết quả chuyển giao quy trình công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Hậu Giang đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn. Từ đó, sản xuất chế phẩm bảo quản Chitosan và hoàn thiện quy trình bảo quản trên một số loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Thành phần chính của chế phẩm gồm Chitosan dạng bột, glycerol, axit acetic 1%. Chế phẩm đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Chitosan được tạo ra từ vỏ các loại động vật giáp xác như tôm, cua,… là phế phẩm của ngành công nghiệp chế biến thủy sản, giúp giảm rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và dễ phân hủy sinh học. Chitosan được pha trộn với dịch chiết từ lá trầu, làm tăng tính kháng khuẩn của dung dịch. Lá trầu được thu mua từ vùng trồng trầu ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, góp phần ổn định đầu ra của lá trầu cho người dân.

Chế phẩm bảo quản Chitosan có nhiều công dụng. Khi phun trực tiếp trên cây trồng có thể ngăn ngừa nấm và khuẩn hại cho cây. Khi phun lên các loại nông sản sau thu hoạch, có thể kéo dài thời gian tồn trữ của nông sản. Đối với các loại trái cây có đỉnh hô hấp như xoài, chuối, đu đủ, sầu riêng,… có thể bảo quản được hơn 1 tháng, còn các loại trái cây không có đỉnh hô hấp như bưởi, cam, quýt, nhãn, vú sữa,... có thể bảo quản được lên đến 2 tháng. Một lít chế phẩm được dùng cho 200kg trái cây.

Chế phẩm đã được kiểm nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu về cảm quan, chất lượng, vi sinh, kim loại nặng và hóa chất không mong muốn phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở và các quy định chất lượng hiện hành của Bộ Y tế. Chế phẩm được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Hậu Giang công bố sản phẩm 01/TTƯD-HG/2020 ngày 01-10-2020.

Ứng dụng thực tiễn bước đầu

Sau 6 tháng công bố, chế phẩm đã được thử nghiệm và ứng dụng tại 8 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có những doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên cung cấp nông sản xuất khẩu như Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Bảy Ngàn, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP Ngã Sáu,… Chế phẩm được áp dụng đối với nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như chanh không hạt, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc,…

Trước đây, hầu hết nông sản đều không sử dụng chất bảo quản nên dễ bị nấm, vi khuẩn xâm nhập trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Các yếu tố môi trường, thời tiết cũng làm cho trái nhanh bị đổi màu, hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng và đầu ra của nông sản. Chế phẩm bảo quản Chitosan giúp trái cây giữ được độ cứng, màu sắc và chất lượng trong thời gian nhất định. Do đó, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang: “Với mong muốn phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ chế phẩm cho các nông hộ, hợp tác xã để ứng dụng trên các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách chế tạo và sử dụng chế phẩm để đạt được hiệu quả kinh tế cao”. Đây là một bước tiến quan trọng trong công nghệ sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế và làm tăng giá trị của các loại nông sản chủ lực của tỉnh nhà.

Những hiệu quả tiêu biểu

Chế phẩm bảo quản Chitosan giúp trái cây giữ được độ cứng, màu sắc và chất lượng trong thời gian nhất định, còn trước đây, hầu hết nông sản đều không sử dụng chất bảo quản nên dễ bị nấm, vi khuẩn xâm nhập trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Các yếu tố môi trường, thời tiết cũng làm cho trái nhanh bị đổi màu, hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng và đầu ra của nông sản.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>