Tìm ra “thủ phạm” gây bệnh xơ đen trên mít

07/05/2021 | 08:22 GMT+7

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với việc canh tác cây mít trên địa bàn tỉnh.

Cứ đến mùa mưa, nhiều nhà vườn lại lo ngại bệnh xơ đen trên cây mít.

Trong ba năm gần đây, diện tích đất trồng mít tại Hậu Giang tăng vọt: từ 739ha (năm 2017) lên đến 6.966ha (năm 2020). Trong đó, có 3.971ha mít đang cho trái với năng suất trung bình 23 tấn/ha. Con số này có xu hướng tăng khi người nông dân tiếp tục cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng mít và một số loại cây ăn trái khác. Trong đó, huyện Châu Thành hiện đang là địa phương có diện tích trồng mít nhiều nhất tỉnh, với 5.192ha.

Từ tháng 10-2020, cây mít được UBND tỉnh xác định là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Giống mít được trồng chủ yếu là mít Thái siêu sớm, có năng suất và chất lượng vượt trội. Giống mít này có khả năng thích nghi cao, có thể sinh trưởng ở vùng đất thiếu dinh dưỡng hoặc trong điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cây mít Thái siêu sớm tại Hậu Giang lại mắc phải một chứng bệnh khiến người nông dân đau đầu, đó là bệnh xơ đen. Hiện tượng xơ đen làm cho trái mít bị méo mó, làm giảm chất lượng và độ ngọt của trái, gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn, thường xuất hiện vào mùa mưa, tương đối ít vào mùa khô. Mít ra hoa vào tháng 5 âm lịch trở đi có nguy cơ cao mắc bệnh xơ đen.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nhà vườn trồng mít ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Hàng năm, cứ đến mùa mưa là tôi lại lo ngại về bệnh xơ đen trên mít. Tôi cũng có tìm hiểu và áp dụng thử một số biện pháp phòng bệnh cho vườn mít của mình. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có hiệu quả tương đối chứ chưa trị dứt điểm được. Những trái mít xơ đen không đạt chất lượng, thương lái không thu mua, gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà vườn”.

Trước thực trạng trên, từ tháng 8-2020 đến tháng 3-2021, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đã điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình nhiễm bệnh xơ đen trên địa bàn tỉnh. Nhóm đã tiến hành lấy mẫu bệnh về phân lập, nghiên cứu và tìm tác nhân gây bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác nhân gây bệnh xơ đen trên mít Thái siêu sớm tại Hậu Giang là vi khuẩn Pantoea Stewartii. Vi khuẩn này cũng được tìm thấy trên mít có hiện tượng xơ đen ở Malaysia và Mexico. Ở Việt Nam, vi khuẩn này còn gây bệnh héo vi khuẩn và bệnh bạc lá trên bắp. Vi khuẩn Pantoea Stewartii gây bệnh xơ đen xâm nhập vào trái mít theo nước mưa bằng hai con đường: qua nướm hoa cái mở ra nhận phấn và khoảng hở giữa trái đơn. Vi khuẩn sẽ theo nước mưa đi vào trái.

Việc xác định tác nhân gây bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng tránh bệnh xơ đen. Người nông dân nên tránh những khuyến cáo phòng trị không đúng. Như việc bón vôi, bón phân hữu cơ vào đất là rất tốt trong canh tác, nhưng lại không có tác dụng với bệnh xơ đen do vi khuẩn gây ra. Thay vào đó, người trồng mít nên chú ý một số vấn đề quan trọng trong canh tác. Về thời vụ, do vi khuẩn phát triển mạnh trong những tháng mưa nhiều như tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm, nên nhà vườn cần hạn chế để trái trong thời gian này. Khi xử lý ra hoa, người trồng nên tỉa bớt các cành tăm để tạo độ thông thoáng cho cây. Ngoài ra, nên tuyển lựa những trái hình trụ, gai đều, cuống mập và tỉa bớt những trái méo mó, có cuống dị dạng, vì những trái này cho năng suất thấp và có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nông dân có thể phun một số loại thuốc phòng ngừa vi khuẩn vào toàn cây, đặc biệt vào cuống và mầu trái, phun ít nhất 3 lần vào các thời điểm: có cựa gà, trước và sau khi ra trái.

Trước mắt, người nông dân cần chú ý thực hiện những biện pháp tạm thời để làm giảm tác hại của hiện tượng xơ đen trên trái mít trong mùa mưa sắp tới. Theo TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, Trưởng nhóm nghiên cứu: “Hiệu quả của việc nghiên cứu và công bố tác nhân gây bệnh là giúp người dân phòng ngừa đúng đối tượng gây hại. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiến hành nghiên cứu giải pháp phòng ngừa cụ thể, kỹ lưỡng và khoa học hơn đối với hiện tượng xơ đen trên trái mít Thái siêu sớm, giúp người dân giảm được thiệt hại do bệnh gây ra, nâng cao năng suất và chất lượng của trái mít trên địa bàn tỉnh”.

Chú ý giảm tác hại của hiện tượng xơ đen trên trái mít trong mùa mưa sắp tới

Các chuyên gia khuyến cáo: Trước mắt, người nông dân cần chú ý thực hiện những biện pháp tạm thời để làm giảm tác hại của hiện tượng xơ đen trên trái mít trong mùa mưa sắp tới. Do vi khuẩn phát triển mạnh trong những tháng mưa nhiều như tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm nên nhà vườn cần hạn chế để trái trong thời gian này. Khi xử lý ra hoa, người trồng nên tỉa bớt các cành tăm để tạo độ thông thoáng cho cây, nên tuyển lựa những trái hình trụ, gai đều, cuống mập và tỉa bớt những trái méo mó, có cuống dị dạng, vì những trái này cho năng suất thấp và có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nông dân có thể phun một số loại thuốc phòng ngừa vi khuẩn vào toàn cây, đặc biệt vào cuống và mầu trái, phun ít nhất 3 lần vào các thời điểm: có cựa gà, trước và sau khi ra trái.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>