Phát huy kết quả khoa học - công nghệ cấp huyện

14/02/2023 | 19:00 GMT+7

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện đã mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển chung của các địa phương và cả tỉnh. Hoạt động này sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2023.

Các địa phương đang lên kế hoạch để tiếp tục triển khai hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2023.

Tập trung trợ lực cho nông nghiệp

Nông nghiệp được xác định là một trong bốn trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các huyện, thị, thành phố nói riêng. Những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh luôn dành sự ưu tiên, tập trung trợ lực cho lĩnh vực này. Trong đó, hoạt động KH&CN cấp huyện đã triển khai nhiều mô hình, đề tài, dự án gắn với tình hình phát triển nông nghiệp của từng địa phương, mang lại nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2022, một số địa phương đã nhiệm thu các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, được triển khai từ những năm trước.

Tiêu biểu là dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang” của thành phố Vị Thanh. Các dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang”; “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang”; “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp”.

Sau thời gian triển khai, các dự án trên đã tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực cho bức tranh kinh tế - xã hội của các địa phương. Với việc áp dụng tiêu chuẩn GAP trong sản xuất nông nghiệp, các dự án đã giúp cho người dân tiếp cận hình thức trồng trọt theo hướng hiện đại, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tập ghi chép nhật ký sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tại chỗ,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, giúp nâng giá trị nông sản, mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân.

Các huyện, thị, thành phố cũng tích cực triển khai các mô hình sản xuất thử nghiệm trên lĩnh vực nông nghiệp, mà trọng tâm là các nông sản chủ lực, hoặc một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng phát triển ở địa phương. Như huyện Long Mỹ đang triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng, chế biến ổi ruột đỏ tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang”. Tại thành phố Ngã Bảy, trong năm 2022, đã thực hiện nhiều mô hình như: “Ứng dụng khoa học trong nuôi lươn sinh sản nhân tạo; “Nuôi ếch thương phẩm liên kết theo chuỗi giá trị”; “Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây mít”; “Cải tạo đất trồng cây có múi”,...

Mô hình “Nuôi ếch thương phẩm liên kết theo chuỗi giá trị” do ông Huỳnh Hoàng Nhu, Trạm Thủy sản thành phố Ngã Bảy, làm chủ nhiệm, đang được triển khai tại 2 hộ dân trên địa bàn. Mô hình hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, trang thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân. Đến nay, sau gần 2 tháng thả nuôi, đàn ếch đã ổn định và phát triển tốt. Bà Đàm Thị Tuyết Sương, ở ấp Xẻo Vông B, phường Hiệp Lợi, cho biết: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ nên tôi mới có khả năng nuôi. Lần đầu nuôi ếch nên tôi cũng lo lắng lắm, nhưng nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, nay thấy ếch khỏe mạnh, lớn nhanh nên tôi cũng yên tâm và mừng lắm”. Khoảng 1 tháng nữa, lứa ếch này sẽ được xuất bán với đầu ra đã được bao tiêu ở mức giá khá cao.

Chung sức phát triển kinh tế - xã hội

Song song với việc triển khai các mô hình, đề tài, dự án trợ lực cho lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động KH&CN cấp huyện còn thực hiện nhiều nội dung quan trọng khác. Trong năm 2022, các huyện, thị, thành phố đã tổ chức thành công Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp huyện. Qua đó, lựa chọn những sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu để gửi tham dự cuộc thi, hội thi cấp tỉnh. Triển khai có hiệu quả công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, hoạt động sở hữu trí tuệ,... trên địa bàn.

Thời điểm này, các huyện, thị, thành phố đang lên kế hoạch để tiếp tục triển khai hoạt động KH&CN năm 2023 với những định hướng dựa trên tình hình thực tế và mục tiêu phát triển của từng địa phương. Vừa qua, thành phố Vị Thanh đã xét duyệt đề cương thuyết minh dự án “Thực hiện mô hình ứng dụng canh tác khóm bón phân hữu cơ vi sinh từ dư thừa thực vật được phân hủy bởi nấm Trichoderma spp.”. Dự án được ứng dụng trên cây khóm, nông sản chủ lực của thành phố và là một trong những loại nông sản đặc trưng của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động KH&CN năm 2023. Dự kiến, các nhiệm vụ KH&CN năm nay sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và gắn với tình hình thực tế địa phương”. Với những định hướng đó, hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2023 hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Theo bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Chúng tôi mong rằng, trong năm 2023, các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và cùng với sở thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương triển khai hoạt động này”. Từ đó, tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN nói chung và hoạt động KH&CN cấp huyện nói riêng đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Trong phong trào thi đua ngành KH&CN cấp huyện năm qua, thành phố Vị Thanh được xếp hạng nhất, huyện Châu Thành A xếp hạng nhì và huyện Vị Thủy xếp hạng ba. Thứ hạng thi đua được chấm điểm dựa trên mức độ thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KH&CN của từng địa phương trong năm vừa qua.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>