Phao cứu sinh hạn chế đuối nước

06/09/2021 | 09:15 GMT+7

Thầy Võ Minh Tho, giáo viên Trường THCS Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) đã sáng tạo “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”, nhằm kịp thời ứng cứu nạn nhân đuối nước trong trường hợp khẩn cấp.

“Phao cứu sinh điều khiển từ xa” có hình dạng chữ U với động cơ và chân vịt ở hai đầu. Chiếc phao cứu sinh được thầy Võ Minh Tho sử dụng trong thực tế (ảnh nhỏ).

Nhà có con nhỏ, lại ở dọc bờ sông Cái Lớn, nên những năm qua, chị Trần Thị Kim Nghi, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ luôn phải trông chừng con thật cẩn thận. Tuy nhiên, nỗi lo về những sự cố đuối nước vẫn hiện hữu, nhất là khi bản thân chị cũng không biết bơi. “Lỡ như có chuyện gì xảy ra mà mình lại không biết bơi, thì không biết phải xử lý như thế nào và nếu không có ai hỗ trợ thì hậu quả sẽ ra sao...”, chị Nghi tâm sự. Đó cũng là nỗi lo của nhiều người khi sống ở vùng nông thôn, ven các con sông nhưng lại chưa có kỹ năng để ứng phó với tai nạn đuối nước.

Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, đã xảy ra những câu chuyện đau lòng liên quan đến tình trạng đuối nước ở trẻ em. Ngoài sự lơ là, chủ quan của người lớn thì việc trẻ không biết bơi cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, một số trường hợp do ứng cứu chậm trễ, thiếu kỹ năng, phương tiện hỗ trợ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, ngoài việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ, thì cần có những thiết bị hữu ích để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, thầy Võ Minh Tho, giáo viên Trường THCS Lương Nghĩa đã tạo ra sản phẩm “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”. Chủ nhân của thiết bị này chia sẻ: “Tôi thường xem ti vi, báo đài và thấy tình trạng đuối nước xảy ra ở nhiều nơi nên tôi rất trăn trở. Trong một lần tình cờ thấy sản phẩm phao cứu sinh của nước ngoài, tôi nghĩ ra ý tưởng làm một sản phẩm với giá thành rẻ hơn để có thể sử dụng rộng rãi, góp phần hạn chế tình trạng đuối nước”. Từ tháng 9-2020, thầy Tho bắt tay vào quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm. Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, sau hơn một năm, sản phẩm “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” đã hoàn thiện và có thể đưa vào ứng dụng thực tế.

“Phao cứu sinh điều khiển từ xa” có thiết kế khá đơn giản nhưng rất độc đáo và hữu dụng. Cấu tạo của phao gồm: các board mạch của vi điều khiển từ xa, ống nhựa, chân vịt, pin, động cơ và các module,... Phao có hình dạng chữ U, nhờ đó người đuối nước có thể dễ dàng bám vào phao. Dưới sự điều khiển của bộ điều khiển từ xa 3 kênh, phao sẽ di chuyển đến vị trí theo ý muốn của người sử dụng nhờ hai động cơ mạnh được gắn với chân vịt dài 60mm ở hai đầu chữ U. Phao có thể lướt nhanh trên mặt nước với vận tốc 20km/giờ. Trong bán kính 100m quanh bộ điều khiển, phao có thể hoạt động nhanh nhạy và linh hoạt dưới nước.

Với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng, chiếc “phao cứu sinh điều khiển từ xa” của thầy Võ Minh Tho có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm tương tự của nước ngoài. Chiếc phao này có thể được trang bị ở hồ bơi, bến phà, bãi biển,... hoặc những nơi có nguy cơ đuối nước cao. Từ đó, có thể ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp mà không phải đặt thêm bất kỳ ai vào tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, với địa hình sông ngòi, kênh rạch chằng chịt của Hậu Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, sự ra đời của sản phẩm này càng có ý nghĩa hơn nữa. Với kích thước nhỏ gọn, các tính năng đơn giản, bất cứ ai cũng có thể sử dụng và điều khiển phao bơi một cách dễ dàng.

“Phao cứu sinh điều khiển từ xa” còn có thể tích hợp thêm một số tính năng như lắp thêm bộ đàm để liên lạc với người bị nạn hoặc cải tiến để chịu được trọng lượng lớn hơn. Chưa dừng lại ở đó, thầy Võ Minh Tho còn ấp ủ dự định tạo ra một chiếc áo khoác có thể biến thành áo phao khi người mặc gặp sự cố đuối nước. Qua đó, thầy Tho mong muốn những sản phẩm mình làm ra có thể mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước ở cả trẻ em và người lớn.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>