Nhiều kinh nghiệm cho tỉnh nhà từ Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

29/05/2024 | 06:04 GMT+7

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII) lần đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại nước ta đã cho thấy những thế mạnh và hạn chế của Hậu Giang trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST.

Qua Bộ chỉ số ĐMST được công bố cho thấy Hậu Giang cần cải thiện trụ cột sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ của tỉnh.

Thứ hạng chưa cao nhưng có nhiều điểm sáng, nhiều nỗ lực

Trên cơ sở Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng và thử nghiệm Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) vào năm 2022 và tiếp tục hoàn thiện khung chỉ số, phương pháp để triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST. Qua đó, góp phần cải thiện năng lực, kết quả ĐMST cấp quốc gia.

Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương gồm 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột. Trong đó, có 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST, là: thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội là: sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.

Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 đã được Bộ KH&CN công bố vào tháng 3-2024. Kết quả, PII của Hậu Giang đạt 36,54 điểm, với 37,42 điểm đầu vào và 35,66 điểm đầu ra. Theo đó, tỉnh được xếp vào nhóm trung bình, với hạng thứ 7/13 địa phương vùng Tây Nam Bộ và hạng thứ 32/63 tỉnh, thành cả nước. Việc đánh giá kịp thời và chi tiết các chỉ số đã cho thấy điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST.

Ở trụ cột thể chế, Hậu Giang đạt 60,15 điểm, là một trong 15 địa phương dẫn đầu cả nước và đạt tốp 3 của vùng Tây Nam Bộ. Trụ cột cơ sở hạ tầng đạt 64,33 điểm, nằm trong top 10 cả nước và cao nhất các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ. Trụ cột tác động đạt 58,84 điểm, xếp hạng thứ 11 cả nước. Đặc biệt, chỉ số số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên của tỉnh hiện đang đứng thứ 2 cả nước cùng với Thành phố Hà Nội.

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Bộ KH&CN, đánh giá: “Dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách định hướng đúng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và ĐMST trên địa bàn tỉnh”.

Quan tâm, chú trọng khắc phục các điểm yếu

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 đã chỉ ra nhiều điểm yếu của Hậu Giang trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST. Cụ thể, trụ cột vốn con người, nghiên cứu và phát triển đạt 21,66 điểm và đứng thứ 53/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ số giáo dục là 26,62 điểm; chỉ số nghiên cứu và phát triển là 16,71 điểm.

Đáng chú ý là trụ cột sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ của tỉnh chỉ đạt 12,49 điểm, xếp thứ 62/64 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, chỉ số đơn đăng ký nhãn hiệu và tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp là 0 điểm. Giá trị của chỉ số đơn đăng ký nhãn hiệu trên 1.000 đơn đạt thấp nhất cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số doanh nghiệp mới thành lập là 0%. Bên cạnh đó, chỉ số đơn đăng ký giống cây trồng trên 10.000 dân và chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ trên tổng số xã cũng chỉ đạt giá trị 0,01.

Trụ cột trình độ phát triển của thị trường đạt 25,06 điểm, đứng thứ 51/63 tỉnh, thành trên cả nước, là một trong những tỉnh có điểm số thấp nhất cả nước, với chỉ số tài chính và đầu tư đạt 26,52 điểm, chỉ số quy mô thị trường đạt 23,59 điểm. Qua đó, giúp tỉnh thấy được những điểm yếu trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST. Đưa ra định hướng để cải thiện các chỉ số này trong giai đoạn tới.

Theo PGS. TS Phan Thị Bích Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược và chính sách, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: “Khi thấy các chỉ số của tỉnh không cao, cần phân tích và lựa chọn những trụ cột mà các chỉ số của trụ cột đó là nhân tố thúc đẩy các chỉ số, trụ cột khác. Không nên dàn hàng ngang để sửa đổi tất cả các trụ cột đang yếu, mà phải biết lựa chọn đâu là lợi thế của địa phương để cải tiến trụ cột đó và đẩy các trụ cột khác cùng tiến lên”.

Mong rằng, với sự quyết tâm của tỉnh, sự đồng hành, hỗ trợ của các viện, trường, doanh nghiệp và người dân, trong năm 2024 này, Hậu Giang sẽ cải thiện được Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. Qua đó, giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST.

Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 đã được Bộ KH&CN công bố vào tháng 3-2024. Kết quả, PII của Hậu Giang đạt 36,54 điểm, với 37,42 điểm đầu vào và 35,66 điểm đầu ra. Tỉnh nhà được xếp vào nhóm trung bình, với hạng thứ 7/13 địa phương vùng Tây Nam Bộ và hạng thứ 32/63 tỉnh, thành cả nước.

Tuy nhiên, nếu đánh giá ở từng trụ cột và chỉ số khác, Hậu Giang có vị trí rất cao. Như ở trụ cột thể chế, Hậu Giang đạt 60,15 điểm, là một trong 15 địa phương dẫn đầu cả nước và đạt tốp 3 của vùng Tây Nam Bộ. Trụ cột cơ sở hạ tầng đạt 64,33 điểm, nằm trong top 10 cả nước và cao nhất các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ. Trụ cột tác động đạt 58,84 điểm, xếp hạng thứ 11 cả nước. Đặc biệt, chỉ số số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên của tỉnh hiện đang đứng thứ 2 cả nước cùng với Thành phố Hà Nội.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>