Người thầu công trình mê sáng tạo và “làm chuyện ít người làm”...

11/04/2023 | 09:26 GMT+7

Là thầu công trình, ông Đồng Quang Thà, ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đam mê sáng chế, tạo ra các sản phẩm hữu ích và đặc biệt quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình, điều ít người chú trọng.

Sắp tới, ông Đồng Quang Thà dự định đưa các sản phẩm của mình tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật các cấp.

Chúng tôi gặp ông Thà, khi người đàn ông đã 66 tuổi này vẫn tất bật chạy đi chạy lại giữa các công trình mà ông nhận thi công. Ít ai biết được, ngoài việc làm một người thầu xây dựng, ông Thà rất đam mê nghiên cứu, sáng chế các sản phẩm hữu ích, phục vụ nhu cầu thực tiễn. Tuy đam mê ấy đến muộn so với độ tuổi, nhưng vẫn mang lại cho ông Thà những thành quả rất đáng trân trọng.

Cách đây hơn chục năm, ông Thà làm nghề khoan giếng nước. Nhận thấy máy khoan giếng có thể ứng dụng vào việc khoan cọc nhồi để đổ bê tông, năm 2014, ông Thà bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm. Năm 2018, sau khi đã sáng tạo được chiếc “Máy khoan cọc nhồi mini” khá ưng ý, ông Thà nhận các công trình xây dựng nhà ở, cầu giao thông nông thôn tại địa phương để thi công. Càng ứng dụng chiếc máy vào thực tiễn, ông càng chứng minh được hiệu quả của sản phẩm này.

Ông Thà chia sẻ: “Tôi thấy sản phẩm mình tạo ra khi làm có hiệu quả cao, nếu để người ta lấy ý tưởng sản phẩm của mình rồi làm theo thì rất uổng. Khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì mình vừa bảo vệ được sản phẩm, vừa không để cho ai chen vào công việc của mình, nên tôi mới mạnh dạn đầu tư để làm”. Với suy nghĩ đó, năm 2019, ông đã bắt đầu quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho “Máy khoan cọc nhồi mini” và “Mũi ép đất tạo lỗ bê tông”, là hai sản phẩm mà ông tâm đắc nhất trong quá trình nghiên cứu.

Sau khi tìm đến Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan phụ trách hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, ông Thà được hướng dẫn liên hệ với đơn vị tư vấn để làm hồ sơ, đăng ký sản phẩm. Dưới sự hỗ trợ của đơn vị này, các sản phẩm của ông được mô tả lại một cách cụ thể, chi tiết, làm nổi bật những điểm sáng tạo riêng biệt và hiệu quả của sản phẩm. Trong quá trình đó, ông cũng thường xuyên liên lạc với sở và đơn vị tư vấn để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đăng ký bản quyền cho các sản phẩm.

Đến cuối năm 2021, sau khi trải qua quá trình thẩm định nội dung, hình thức và công bố đơn, ông Thà đã được nhận quyết định cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích đối với sản phẩm “Máy khoan cọc nhồi mini” và Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp đối với “Mũi ép đất tạo lỗ đổ bê tông”. Đối với một người dân như ông, đây là một niềm vui, một niềm tự hào rất lớn khi thành quả sáng tạo của ông đã được công nhận, được đánh dấu chủ quyền cho riêng mình.

Hành trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của ông Thà không quá nhiều khó khăn, tuy nhiên, vẫn có những trở ngại nhất định. Mặc dù có nhận thức tốt về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng ông Thà cũng như bao nhiêu người dân khác, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ; quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và cách viết thuyết minh cho các sản phẩm của mình. Do đó, ông phải mất thêm chi phí để được đơn vị tư vấn hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ đăng ký.

Chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có lẽ là một trong những trở ngại lớn nhất của người dân khi có ý định thực hiện điều này. Ông Thà cho biết: “Để đăng ký bản quyền cho hai sản phẩm của mình, tôi phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ với nhiều người. Nhưng tôi còn có công việc, có thu nhập nên sẵn sàng đầu tư để bảo vệ các sản phẩm của mình”. Điều này giúp ông Thà tự tin sử dụng những sản phẩm do mình làm ra, ngăn chặn được tình trạng sao chép khi chưa có sự cho phép của ông.

Việc bảo hộ thành công quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm đã giúp ông Thà quyết tâm, mạnh dạn hơn trong việc thể hiện đam mê nghiên cứu, sáng tạo của mình. Hiện tại, ông đang chuẩn bị tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật các cấp năm 2023. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm của mình ở cả trong và ngoài tỉnh, truyền cảm hứng nghiên cứu sáng tạo cho lớp trẻ và cho những người dân lao động bình thường.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>