Nâng tầm giá trị từ chanh chế biến sâu

28/11/2023 | 07:43 GMT+7

Chế biến sâu chính là chìa khóa nâng cao giá trị sản phẩm Việt nói chung, trong đó có chanh không hạt nói riêng, nhằm giải bài toán “trúng mùa mất giá”.

Các sản phẩm chanh chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Hậu Giang.

Tính đến tháng 10-2023, diện tích chanh không hạt toàn tỉnh hơn 3.075ha, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Sản lượng ước 10 tháng được trên 27.749 tấn, đạt 59,29% kế hoạch năm 2023 là 46.800 tấn và tăng 6,2% so với cùng kỳ, do diện tích thu hoạch và năng suất tăng. Thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao, ngành chức năng cũng tích cực hỗ trợ về cấp mã vùng trồng, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng chanh... Đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng tầm giá trị chanh từ chế biến sâu để mở ra cánh cửa mới cho nông sản Việt nói chung cũng như chanh không hạt nói riêng và cũng là lời giải cho bài toán “trúng mùa mất giá”.

Dự án “Nghiên cứu kỹ thuật trích tinh dầu chanh và bảo quản nước cốt chanh canh tác tại Hậu Giang” với mục tiêu Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ vào quy trình trích ly tinh dầu và quy trình cô đặc, bảo quản nước cốt chanh từ chanh không hạt thứ cấp nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, nâng cao giá trị sử dụng, gia tăng kinh tế cho người nông dân nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững tại Hậu Giang. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết thu mua, tiêu thụ chanh thứ cấp tại tỉnh Hậu Giang với giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 10 đến 20% đã được thực hiện mang lại những kết quả rất tích cực.

Theo PGS.TS. Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Hậu Giang là một trong những địa bàn có vùng nguyên liệu chanh lớn. Tuy nhiên, chanh hiện vẫn là tiêu thụ tươi, còn chế biến và đa dạng các sản phẩm trên địa bàn hiện nay vẫn rất ít, các doanh nghiệp và HTX chưa nắm hết được các kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, nhà trường được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thông qua nhiệm vụ, dự án giúp cho trường kết nối tốt với doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển các sản phẩm chế biến.

Mục tiêu dự án nghiên cứu về các kỹ thuật, quy trình, đồng thời xây dựng các mô hình, sản phẩm, chế biến sâu từ nguyên liệu chanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong dự án này cũng đã hoàn thiện một số sản phẩm như là tinh dầu vỏ chanh từ nguồn nguyên liệu chanh không hạt; nước cốt chanh; nước cốt chanh cô đặc; bột trà chanh hòa tan; bột chanh hòa tan; bột gia vị chanh; bột chanh nguyên chất; vỏ chanh sấy; lát chanh sấy, những sản phẩm này góp phần mang tính đa dạng cũng như chế biến sâu, góp phần cho việc phát triển các sản phẩm mang tính đặc thù cũng như những sản phẩm từ tài nguyên bản địa tỉnh. Đồng thời phát triển bền vững về vùng nguyên liệu chanh ở địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Việt Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Yết, cho biết: Hiện vùng nguyên liệu mua ở những HTX có chứng nhận VietGAP, được sử dụng một số công nghệ mới trích ly, bảo quản tốt hơn so với những công nghệ cũ và công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ đã chứng nhận. Về dự kiến sản phẩm sẽ ra mắt ở các kênh là siêu thị, hệ thống bán lẻ, spa, chuỗi nhà hàng khách sạn…

Ngoài ra, bà Nguyễn Việt Vân Anh cho biết thêm khi chế biến sâu, giá trị kinh tế chanh sẽ cao hơn bán chanh nguyên liệu. Điều này sẽ góp phần giải quyết được vùng nguyên liệu và đầu ra cho nông dân. Tại vì chanh tươi thì không bảo quản lâu được, còn khi đã chế biến thành sản phẩm thì thời hạn sử dụng ít nhất cũng từ 1 tháng trở lên và mình sẽ bán ra được nhiều tỉnh, thị trường cả xuất khẩu nữa, giá cả sản phẩm từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nhưng người tiêu dùng cũng chấp nhận được.

PGS.TS. Bạch Long Giang cho rằng hiện nay nhà trường có các viện và trung tâm nghiên cứu, thông qua đầu mối phòng quản lý khoa học của trường thì các doanh nghiệp, HTX có thể kết hợp với nhà trường thông qua Hội doanh nhân trẻ tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, nhà trường cũng hợp tác với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang thì các đơn vị trên địa bàn có thể liên hệ những đơn vị này, có thể đặt hàng và trao đổi, để trường tiếp cận và hỗ trợ các quy trình và công nghệ phù hợp.

Ông Đỗ Cao Cường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hậu Giang cho biết, Hội đã ký với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Hậu Giang khởi nghiệp, hướng dẫn, đào tạo về cách thức kỹ thuật trong quá trình thực hiện, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chanh (chiết xuất chanh, bảo quản chanh). Trong quá trình thực hiện, Hội đã liên kết với các tỉnh ĐBSCL và toàn quốc để làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh từng bước mở rộng thị trường…

Dự án: “Nghiên cứu kỹ thuật trích tinh dầu chanh và bảo quản nước cốt chanh canh tác tại Hậu Giang” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang là cơ quan quản lý, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Yết - Chi nhánh Hậu Giang, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, triển khai thực hiện.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>