Nâng cao vị thế khoa học công nghệ đồng bằng

11/01/2023 | 05:38 GMT+7

Giai đoạn 2018-2022, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, ngành còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để vươn lên mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN (thứ 2 từ trái qua) cho biết: Luôn quan tâm đến sự phát triển KH&CN của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển của vùng

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển. Vùng có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, chiếm khoảng 62% diện tích đất tự nhiên của vùng. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Do đó, đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Với vị thế đó, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực quan trọng nhất, mang tính chất đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng”. Do đó, thời gian qua, ngành KH&CN đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn 2018-2022, các địa phương trong vùng đã được Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai 39 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí hơn 345 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các sở KH&CN, các địa phương trong vùng đã và đang triển khai 578 đề tài, dự án. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế với 222 nhiệm vụ. Các đề tài, dự án được triển khai đã bám sát nghị quyết của các đảng bộ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, tạo ra nhiều kết quả có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Cũng trong giai đoạn này, các sở KH&CN đã chủ động tham mưu cho thành ủy, tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng 22 văn bản quản lý về tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu,… Từ năm 2018 đến nay, toàn vùng có 9.862 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, 5.835 văn bằng được cấp. Phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh với 9.686 sáng kiến được công nhận và áp dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế,... Những thành tựu này được phổ biến, lan tỏa thông qua gần 63.000 lượt thông tin tuyên truyền, cụ thể hóa qua các bản tin, ấn phẩm, bài báo, chuyên mục truyền hình về KH&CN tại các địa phương.

Giai đoạn 2018-2022, toàn vùng đã thành lập, thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 39 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân; công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; công tác thanh tra chuyên ngành về KH&CN,... cũng được duy trì và phát huy hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung của vùng.

Cần các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là hoạt động trọng tâm, đã và đang được đồng bằng sông Cửu Long quan tâm, đẩy mạnh trong suốt giai đoạn này. Toàn vùng hiện có 38 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 28 doanh nghiệp mới được thành lập. Từ năm 2018-2019, vùng đã tổ chức 90 chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm, mini talkshow cho gần 15.000 lượt tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài vùng về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2020 và 2022, đã có hai lần tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre và thành phố Cần Thơ.

Những năm qua, đồng bằng sông Cửu Long đã bước đầu quan tâm, phát triển thị trường KH&CN thông qua các hoạt động triển lãm giới thiệu, kết nối cung cầu thiết bị, khai thác thông tin, đổi mới công nghệ, giải mã và làm chủ công nghệ,... Qua đó, đã giới thiệu, chuyển giao được hàng ngàn thiết bị, công nghệ mới. Vùng cũng tích cực liên kết trong nước và hợp tác nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển về KH&CN của vùng trong giai đoạn tới.

Bên cạnh những mặt làm được, hoạt động KH&CN đồng bằng sông Cửu Long tồn tại nhiều khó khăn. Nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao, ứng dụng nhưng vấn đề thương mại hóa chưa cao. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực KH&CN của vùng còn hạn chế, thị trường KH&CN còn nhiều bất cập,...

Vừa qua, tại Hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, nhiều vấn đề đã được gợi mở, trao đổi nhằm thúc đẩy sự phát triển KH&CN của vùng. Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: “Trong thời gian tới, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cần phối hợp với Bộ KH&CN, với các viện, trường, có các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các nhà khoa học chuyển giao các kết quả nghiên cứu, chuyển giao sáng chế, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh đến với bà con nông dân”.

Trên cơ sở nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay, ngành KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phấn đấu cho giai đoạn tới, giúp hoạt động KH&CN phát huy nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của vùng.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích