Khoa học công nghệ gắn với thực tiễn

20/01/2023 | 06:34 GMT+7

Trong năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sâu rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực. Hoạt động KH&CN tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và luôn bám sát những yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong năm 2022, Sở KH&CN tỉnh tổ chức nhiều buổi họp Hội đồng khoa học công nghệ để nghiệm thu không ít đề tài, dự án khoa học mang tính thiết thực từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN

Trên cơ sở các chương trình được phê duyệt và văn bản các cấp chỉ đạo về công tác KH&CN, trong năm 2022, Sở KH&CN tỉnh đã tập trung xây dựng các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; đồng thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh; cũng như tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các phòng chuyên môn thuộc sở bám sát các nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời. Đặc biệt, cán bộ làm công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã nỗ lực tạo nên nhiều thành quả nổi bật, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2022, Sở KH&CN tỉnh thực hiện hoàn thành 5 nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn xác định 14 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nghiệm thu 8 nhiệm vụ, kiểm tra tiến độ 18 nhiệm vụ; chuyển giao kết quả nghiên cứu 7 nhiệm vụ; tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên ngành; đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh... Các nhiệm vụ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và đều có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực tiễn cuộc sống để mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Điển hình trên lĩnh vực nông nghiệp đã có 8 dự án cấp tỉnh, huyện được cơ quan chức năng của Sở KH&CN triển khai thực hiện hiệu quả. Điển hình là “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh”; “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain”; “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”; “Xây dựng mô hình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”…

TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ - Sở KH&CN tỉnh, chia sẻ: Để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận và đồng hành thực hiện có hiệu quả cao nhất từ các dự án KH&CN cấp tỉnh, huyện thì nhiệm vụ trọng tâm mà ngành khoa học công nghệ tỉnh cần thực hiện là mở các lớp tập huấn để chuyển giao quy trình công nghệ, cũng như tập huấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng, hướng dẫn nông dân cập nhật và ghi chép nhật ký sản xuất; đồng thời tổ chức đánh giá, hoàn thiện việc lấy mẫu đất, nước, mẫu sản phẩm để phân tích theo tiêu chuẩn quy định… Và thông thường, ở mỗi điểm triển khai dự án khoa học đều có cử cán bộ phụ trách bám sát địa bàn để hướng dẫn bà con thực hiện tốt các nội dung trên.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn thì trong năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành KH&CN cũng luôn được triển khai có trọng tâm, trọng điểm để góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, hạn chế các sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật lưu thông trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) cũng được đơn vị chức năng của Sở KH&CN tỉnh tổ chức thực hiện tốt. Theo đó, trong năm qua, Chi cục TCĐLCL đã bám sát theo kế hoạch được phê duyệt và cơ bản đảm bảo đúng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra chất lượng thép, xăng dầu lưu thông trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt là tham gia và phối hợp tốt với các đoàn thanh tra, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết: Các hoạt động KH&CN của tỉnh trong năm qua đã phát triển đúng định hướng, từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Đặc biệt các hoạt động này hướng về doanh nghiệp, khu vực tư nhân, nhất là trong nông nghiệp, y dược, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trọng điểm. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong đổi mới ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tạo ra sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng hóa tại địa phương; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp.

Cán bộ KH&CN của tỉnh luôn bám sát địa bàn để hướng dẫn bà con thực hiện tốt các nội dung theo dự án khoa học được triển khai.

Nghiên cứu, phát triển KH&CN hướng vào “4 trụ cột”

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 ngành khoa học và công nghệ tỉnh tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trên tinh thần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KH&CN, đồng thời đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực và hướng công nghệ ưu tiên; đặc biệt là đảm bảo về kết quả, chất lượng và thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ do Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Trong đó, ngành KH&CN tỉnh sẽ ưu tiên nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào 4 lĩnh vực được Tỉnh ủy xác định là “4 trụ cột” cần tập trung phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và đô thị.

Theo đó, về công nghiệp, thực hiện chuyển giao quy trình cho doanh nghiệp hoặc HTX trong tỉnh về tiếp nhận sản xuất, kinh doanh, cũng như nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến và tiêu thụ cây hương thảo và rau đắng đất. Về nông nghiệp, tổ chức nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia; tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất, kinh doanh cho HTX nông nghiệp; cũng như đánh giá, phân vùng thích nghi đối với các cây trồng chủ lực, tiềm năng của tỉnh. Về du lịch, bảo tồn văn hóa các dân tộc trên cơ sở xây dựng làng nghề OCOP, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số xã đông đồng bào Khmer. Đối với đô thị, thực hiện nghiên cứu xây dựng yêu cầu, thiết kế mạng lưới thiết bị IoT của tỉnh nhằm phục vụ phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết thêm: Trên cơ sở nội dung kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023, từng đơn vị, bộ phận liên quan của sở sẽ đề ra giải pháp và có kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo đạt theo yêu cầu. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia về KH&CN; xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương và huy động doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị. Song song đó, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức quản lý các nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi…

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích