Góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

15/05/2019 | 08:08 GMT+7

“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân…”, thực hiện lời dạy của Bác, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã thể hiện thông qua những kết quả thiết thực.

Trồng rau thủy canh trong nhà lưới cũng là một bước đột phá trong ứng dụng công nghệ 4.0 ở Hậu Giang.

Những thành tựu của nền khoa học hiện đại được ứng dụng vào thực tế, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Ở đây, các nhà khoa học, nông dân đã vận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 - được gọi là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số. Cuộc cách mạng 4.0 đã đưa được các hoạt động sản xuất nông nghiệp đi theo hướng kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet, kết hợp các hệ thống điều hành, tự động hóa, đảm bảo cho quá trình sản xuất - kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. Từ đó, tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện không thuận lợi. Thông qua kết nối di động, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn biết được diễn biến cây trồng trên đồng ruộng, mảnh vườn nhà mình. Hiện nay, với ưu điểm của công nghệ 4.0, hơn 50% nông dân đã được tiếp cận internet, kết nối với thế giới công nghệ số, có điều kiện tiếp cận và ứng dụng các sản phẩm mới và dịch vụ mới. Nhờ vậy, trong một số ngành và lĩnh vực đã bước đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ của nông nghiệp 4.0...

Hoạt động nông nghiệp theo hướng 4.0 tiêu biểu như mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình này đã khắc phục được tình trạng thất thu do thời tiết nắng nóng hay mưa dầm khi trồng ở ngoài trời. Mô hình có hệ thống cảm biến nhiệt độ, ẩm độ và hệ thống tưới tiết kiệm nước điều khiển bằng điện thoại thông minh. Tháng 11-2018, hộ ông Nguyễn Văn Lâm, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, đã ứng dụng, lắp đặt bộ cảm ứng nhiệt độ và độ ẩm để nâng cao hiệu quả và năng suất nấm so với trồng bình thường. Ông Lâm thông tin, bộ cảm ứng giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí dựa trên thông số chính xác đo được trực tuyến 24/24 giờ. Từ đó, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất từ tác động của môi trường: nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nồng độ khí CO2 cao.

Trồng rau thủy canh trong nhà lưới cũng là một trong những mô hình sản xuất theo công nghệ mới, giúp cho nông dân giảm bớt được công chăm sóc mà năng suất thu hoạch vẫn tăng cao. Đó là kết quả mà ông Nguyễn Văn Bi, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, nhận được khi đầu tư nhà lưới, hệ thống trồng rau thủy canh với quy mô 300m2. Theo ông Bi, ứng dụng này giúp mô hình rau nhà ông giảm thiểu được sự tấn công của sâu hại, mưa nắng làm giảm năng suất rau. Hơn nữa, việc tưới rau không còn vất vả mỗi ngày mà trở nên nhẹ nhàng nhờ hệ thống tuần hoàn đối lưu của mô hình.

Cũng nhờ ứng dụng các thiết bị mới vào sản xuất mà doanh thu của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đều tăng từng năm. Theo ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc Hợp tác xã thì HTX đã mua và sử dụng máy rửa và phân loại chanh không hạt được hơn 4 năm qua. Chiếc máy giúp thực hiện khâu đánh bóng và lau sạch bụi, đất bám quanh trái, những trái có vỏ chanh bị côn trùng đeo bám, vết sẹo nhỏ... Đặc biệt, máy còn phân loại chính xác 7 kích cỡ khác nhau của chanh chuyển ra hộc chứa riêng để xếp vào thùng. Các khâu này giúp tiết giảm được khá nhiều nhân công, chi phí.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh cũng thực hiện nhiều dự án đưa công nghệ 4.0 ứng dụng tốt vào chuyên môn, phục vụ sản xuất của người dân ở các địa phương. Như dự án xây dựng một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, trong dự án này có mô hình tưới nước tiết kiệm với hệ thống tưới điều khiển bằng điện thoại thông minh. Hệ thống tưới đạt tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tình hình canh tác của địa phương; dễ lắp đặt, vận hành, cung cấp nước đúng nhu cầu của cây, giảm trên 90% về công lao động, nhiên liệu. Hiện nay, hệ thống được nhiều nông dân ủng hộ và ứng dụng rộng rãi ở các địa phương trong tỉnh.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với năng suất, chất lượng cao và giảm chi phí trong sản xuất thì ứng dụng công nghệ cao là việc làm cấp thiết trong tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay. Bởi vậy, khoa học công nghệ đã và đang từng bước cùng tỉnh kiến tạo, xây dựng mới Hậu Giang tương lai với nền nông nghiệp phát triển công nghệ cao. Bởi khi nông nghiệp hoàn thiện, đạt hiệu quả cao không những thúc đẩy lực lượng sản xuất trong nông nghiệp mà còn góp thành tích chung cho chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh.

Bài, ảnh: TRÚC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>