Giải pháp hay trong thời Covid

12/10/2021 | 17:42 GMT+7

Tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trực tuyến là một cách làm hay của Sở KH&CN trong thời gian qua, vừa tuân thủ các quy định, phòng, chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu khoa học, đảm bảo tiến độ của các đề tài, dự án.

Hội đồng KH&CN tỉnh trong một cuộc họp tư vấn, xét duyệt thuyết minh đề tài trực tuyến.

Hình thức tất yếu phải làm

Từ đầu tháng 9-2021, Sở KH&CN tỉnh đã tổ chức các Hội đồng KH&CN đánh giá hồ sơ, tuyển chọn tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm cho 11 đề tài, dự án là nhiệm vụ KHCN của tỉnh năm 2021. Trong khi những năm trước, Hội đồng KH&CN được tổ chức theo hình thức họp trực tiếp, với sự tham gia của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, cán bộ đầu ngành có chuyên môn liên quan đến nội dung thực hiện nhiệm vụ, còn năm nay, do dịch Covid-19, nên việc tổ chức Hội đồng KH&CN trực tiếp gặp không ít khó khăn. Đa số các tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì, thực hiện nhiệm vụ đều ở ngoài tỉnh. Để tuyển chọn hồ sơ, xét duyệt thuyết minh các đề tài, dự án đúng tiến độ, việc tổ chức Hội đồng KH&CN trực tuyến là một lựa chọn tất yếu và tối ưu trong thời gian việc đi lại giữa các tỉnh, thành chưa thể thông thương hoặc thời điểm còn giãn cách xã hội.

Với hình thức họp trực tuyến, cuộc họp Hội đồng KH&CN có sự tham gia đầy đủ các thành viên hội đồng, các tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài, đại biểu ngoài thành phố Vị Thanh sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến, còn lại sẽ dự trực tiếp tại điểm cầu chính ở Hội trường Sở KH&CN. Theo ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở KH&CN: “ Việc tổ chức họp Hội đồng KH&CN theo hình thức họp trực tuyến là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thông qua hình thức họp trực tuyến, thời gian qua, sở đã mời được nhiều chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu tham gia hội đồng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến quý báu, giúp Sở KH&CN lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm để chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN năm 2021”.

Thông qua đường truyền do Sở KH&CN cung cấp, các thành viên sẽ tham dự theo thời gian quy định, từ nhiều điểm cầu khác nhau. Tuy họp trực tuyến, nhưng nội dung và trình tự cuộc họp vẫn diễn ra giống như khi họp trực tiếp. Các cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài, dự án có thể trình bày nội dung, ý tưởng thực hiện và lắng nghe những nhận xét từ hội đồng. Còn các thành viên hội đồng có thể tư vấn, đưa ra ý kiến đóng góp, giúp cho thuyết minh đề tài, dự án được hoàn thiện và triển khai hiệu quả hơn. Việc triển khai họp trực tuyến có nhiều thuận lợi khi tiết kiệm được kinh phí đưa rước phản biện, chuyên gia ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học không mất nhiều thời gian di chuyển từ nơi ở, làm việc đến nơi họp tại Hậu Giang.

Họp trực tiếp vẫn hiệu quả hơn

Để tổ chức các cuộc họp Hội đồng KH&CN trực tuyến, Sở KH&CN đã có những sự chỉ đạo, sắp xếp hết sức chủ động. Cụ thể, để đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh từ điểm cầu chính đặt tại Hội trường Sở KH&CN, sở đã lắp một đường truyền internet riêng phục vụ việc họp trực tuyến. Trước khi cuộc họp diễn ra, sở sẽ thông báo thời gian, cung cấp đường link cuộc họp cho từng thành viên tham gia. Bên cạnh đó, bộ phận kỹ thuật của sở còn chủ động kết nối thử với từng người kiểm tra đường truyền, kịp thời hướng dẫn khắc phục khó khăn, sự cố nếu có. Qua đó, sở mong muốn có những cuộc họp trực tuyến thành công, mang lại hiệu quả cao nhất có thể.

Tuy họp Hội đồng KH&CN trực tuyến là một giải pháp hay trong thời Covid-19, nhưng so với việc họp trực tiếp, hình thức này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Tham dự một Hội đồng KH&CN trực tuyến, TS. Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nhận xét: “Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu không có dịch Covid-19 thì họp trực tiếp vẫn hay hơn, vì các thành viên dễ dàng để trao đổi làm rõ những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh thì phải họp trực tuyến, hình thức này bảo đảm về thời gian, chất lượng cuộc họp và có sự tham gia của đầy đủ các thành viên hội đồng, các nhóm nghiên cứu. Một điều hơi bất cập là đường truyền mỗi nơi mỗi khác dẫn đến chất lượng hình ảnh, âm thanh chưa được tốt, đôi lúc gây mất thời gian. Nếu khắc phục được điều này thì chất lượng cuộc họp vẫn đảm bảo”.

Khi họp trực tuyến, các thành viên hội đồng không có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. Do tham dự tại từng điểm cầu riêng biệt, họ dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố xung quanh. Một số cá nhân chưa quen với hình thức họp trực tuyến, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên gặp khó trong việc kết nối với hội đồng. Thêm vào đó, đường truyền internet từng điểm cầu không ổn định, đã làm các cuộc họp không ít lần bị gián đoạn, kéo dài hơn so với thời gian quy định. Đặc biệt, với những nhiệm vụ KHCN có nhiều hồ sơ đăng ký chủ trì thực hiện, để đảm bảo nội dung và chất lượng khoa học của cuộc họp, các thành viên phải làm việc vượt quá thời gian quy định, vất vả hơn so với khi họp trực tiếp.

Thông qua hình thức họp Hội đồng KH&CN trực tuyến, có thể thấy sự thích nghi, linh hoạt của ngành KH&CN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ. Tuy còn có một số hạn chế nhất định, nhưng hình thức này đã giúp sở hoàn thành việc tìm kiếm tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm cho 11 nhiệm vụ KHCN tỉnh năm 2021.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, tùy theo tình hình thực tế, tính chất của nhiệm vụ KHCN và chuyên gia, nhà khoa học mời tư vấn, sở sẽ lựa chọn hình thức họp phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng cuộc họp như mong muốn. Từ đó, giúp Sở KH&CN đưa ra các quyết định, ý kiến tham mưu trong quản lý nhà nước về KHCN”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>