Đưa cơ giới hóa phục vụ vùng trồng khóm

14/05/2019 | 08:34 GMT+7

Chế biến, tái sử dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguồn bệnh cho cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng sẽ là nơi trực tiếp thử nghiệm và kế thừa kết quả nghiên cứu.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên, thạc sĩ Trần Tấn Hậu, Viện lúa ĐBSCL đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy cắt băm khóm liên hợp với máy kéo để phục vụ vùng khóm Cầu Đúc Hậu Giang”. Theo thuyết minh đề tài, qua nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp, tác giả đã thiết kế, chế tạo và đưa ra một sản phẩm thực tế đáp ứng đầy đủ hai chức năng là cắt mỏng và băm nhuyễn thân cây khóm.

Theo thạc sĩ Hậu, hiện nay trên thế giới có nhiều dạng máy chế tạo sẵn có chức năng cắt băm cây khóm như răng xới, răng xới kết hợp với trục tròn… Mỗi dạng có ưu điểm, nhược điểm khác nhau nhưng hầu hết đều có công suất lớn từ 150-800 mã lực rất cồng kềnh, không phù hợp với địa hình của tỉnh. Vì vậy, dựa trên những thiết kế máy móc sẵn có, nhóm nghiên cứu sẽ chọn lọc và chế tạo máy có công suất phù hợp với địa hình của vùng trồng khóm. Theo đó, chiếc máy được dự kiến cấu tạo với sự kết hợp giữa máy cắt băm khóm và phun nấm Trichoderma trên máy kéo. Chiếc máy cắt băm dự kiến sẽ có công suất vừa và nhỏ dưới 35 mã lực; khóm sẽ được băm nhuyễn với kích thước tối đa 10cm. Còn hệ thống phun nấm Trichoderma được thiết kế công suất từ 1-1,5 mã lực, lưu lượng phun từ 30-60 lít/ha gắn trên máy kéo.

Để đề tài được thành công, chủ nhiệm phối hợp với Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang để thực hiện một số phần như chế tạo máy cắt băm cây khóm và phun nấm Trichoderma. Chủ nhiệm còn phối hợp với một số lão nông có kinh nghiệm, tay nghề trong sản xuất cơ khí ở tỉnh như ông Tư Sáng (ở thành phố Vị Thanh) hay ông Bảy Hổ (ở huyện Châu Thành A) để làm cố vấn cho chiếc máy làm ra có kích thước, công suất phù hợp với địa hình, vùng đất trồng khóm. Ngoài ra, sự tham gia của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là không thể thiếu, bởi nơi đây sẽ trực tiếp trình diễn thử nghiệm máy và kế thừa kết quả nghiên cứu nếu thành công. Ông Vu Sủi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, bày tỏ: “Trước kia, HTX cũng đã từng tham khảo việc ủ phân hữu cơ bằng thân cây khóm từ một đề tài nghiên cứu của tỉnh nhưng do không có kinh phí mua máy nên chỉ dừng lại ở đó. Nhiều năm qua, HTX cũng ao ước có được chiếc máy để vừa giúp HTX tận dụng phế phẩm, vừa giảm ô nhiễm mà còn kiếm thêm nguồn thu. Bây giờ, nếu nghiên cứu thành công, với sự hỗ trợ của chủ nhiệm, chính quyền và ngành chức năng tỉnh thì mong ước của HTX sẽ sớm thành hiện thực”.

Với mục đích đưa khoa học kỹ thuật áp dụng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, dự kiến kết quả của đề tài sẽ là nền tảng tác động lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng trồng khóm của tỉnh. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu, thành viên trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đồng tình. Sự thành công của chiếc máy sẽ góp phần gia tăng khối lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra và hạn chế tối đa các vấn nạn về ô nhiễm môi trường do khối lượng chất thải ra từ cây khóm sau mỗi vụ rất lớn. Vậy nên, việc nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế và giải pháp thực hiện trong việc chế tạo máy cắt băm khóm liên hợp là cần thiết. Hơn nữa, những phụ phẩm được ủ thành phân từ máy sẽ là nguồn phân hữu cơ có tác dụng hữu ích bổ sung lại nguồn dưỡng chất cho vườn cây khác.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, hy vọng: Chủ nhiệm đề tài khi nghiên cứu nên có khảo sát vùng trồng khóm của tỉnh để chế tạo cho phù hợp vì liếp nhỏ, manh mún. Ngoài ra, sau khi nghiên cứu phải có đơn vị tiếp nhận để tiếp tục ứng dụng lâu dài. Nếu tốt hơn thì thử nghiệm máy trên các loại cây khác như cỏ, lục bình, mía… nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng của sản phẩm, phù hợp với thời vụ cũng như nguồn nguyên liệu ở địa phương khác của tỉnh.

Có thể nói, chế tạo máy cắt băm khóm liên hợp phục vụ cho vùng trồng khóm của tỉnh là cần thiết và cấp bách hiện nay. Máy này giúp cho người dân trong tỉnh yên tâm phát triển vùng trồng khóm và tiếp tục gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng khóm nói riêng và phát triển nền nông nghiệp nói chung.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>