Điểm tựa cho nền nông nghiệp hiện đại

16/06/2021 | 09:55 GMT+7

Hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã hoàn thiện và được đưa vào ứng dụng. Hệ thống hỗ trợ cán bộ quản lý và người nông dân, mang lại nhiều triển vọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.

Hệ thống thông tin địa lý hứa hẹn sẽ giúp ích cho người nông trong việc nắm bắt thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp công nghệ hợp lý

Hiện đại hóa nông nghiệp đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc nắm bắt và chia sẻ thông tin. Do đó, sự ra đời của một hệ thống cho phép tìm kiếm, cung cấp và cập nhật dữ liệu nông nghiệp là một điều vô cùng cần thiết.

Từ tháng 3-2019 đến tháng 2-2021, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chủ trì thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Dự án do TS. Trần Thái Bình làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí thực hiện gần 1,5 tỉ đồng. Đây là một dự án có quy mô lớn, được thực hiện bởi đội ngũ nhà khoa học giàu kinh nghiệm và có sự phối hợp của các cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh.

Dựa trên nền tảng WebGIS mã nguồn mở và công nghệ bản đồ tương tác đa thời gian, dự án đã thiết kế bộ cơ sở dữ liệu viễn thám và GIS, làm cơ sở xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp Hậu Giang. Hiện tại, tất cả mọi người có thể tiếp cận những thông tin này thông qua ứng dụng Nông nghiệp Hậu Giang và trang web: https://nongnghiephaugiang.girs.v. Ứng dụng được xây dựng cho cả hai nền tảng di động phổ biến nhất là Android và iOS, có thể sử dụng khi không có kết nối mạng internet.

Theo PGS.TS Lê Trung Chơn, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh: “Giải pháp công nghệ mà dự án sử dụng rất hợp lý, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần chú ý đến cơ chế bảo mật của hệ thống và kiểm soát dữ liệu. Ngoài ra, cần có sự phối hợp để tạo sự xuyên suốt cho hệ thống”.

 Đây là một bước quan trọng để hoàn thiện dự án và đưa vào ứng dụng thực tiễn có hiệu quả.

Phục vụ đắc lực cho nông nghiệp

Hệ thống được tạo ra nhằm phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Do đó, hệ thống không chỉ cung cấp các thông tin về hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn có các thông tin liên quan như: khí tượng thủy văn, thổ nhưỡng… Đặc biệt, thông qua các thiết bị tích hợp GPS, hệ thống có thể cung cấp thông tin về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi một cách kịp thời. Từ đó, giúp các đơn vị quản lý và người nông dân dễ dàng nắm bắt tình hình, đưa ra hướng xử lý nhanh chóng, chính xác, giảm bớt rủi ro, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: “Hệ thống thông tin địa lý này đã giúp ích rất nhiều cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, hỗ trợ đắc lực cho sở trong công tác quản lý nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi bất cứ ai quan tâm đến nông nghiệp, có thể vào đây để nắm bắt được thông tin nhanh chóng, đa dạng”.

Sau khi nghiệm thu, dự án vẫn tiếp tục thực hiện quá trình vận hành, tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn cách sử dụng cho các cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, nhóm nghiên cứu sẽ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống sử dụng trơn tru, không bị lỗi kỹ thuật.

TS.Trần Thái Bình, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dự án có thể phát triển thêm các hạng mục, tích hợp với kết quả của các dự án khác để tạo thành một hệ thống quản lý chặt chẽ. Hệ thống cũng có thể phát triển thành một kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân. Qua đó, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể giúp nông nghiệp của tỉnh phát triển hơn”. Dự án là một bước tiến mới trong quá trình phát triển nông nghiệp, là sẽ một điểm tựa quan trọng cho nền nông nghiệp hiện đại.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>