Để xoài cát Hòa Lộc phát triển bền vững

30/12/2016 | 08:33 GMT+7

Thời gian qua, nhờ đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác mà hầu hết nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc ở huyện Châu Thành A đã sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Người dân Châu Thành A ứng dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa, đậu trái khá bài bản trên xoài cát Hòa Lộc.

Trước năm 2010, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu hình thành nên những vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Cùng thời gian này, người dân trên địa bàn Hậu Giang, nhất là tại xã Tân Hòa, thị trấn Một Ngàn và Bảy Ngàn, thuộc huyện Châu Thành A, đã trồng khá phổ biến các loại xoài cát Hòa Lộc, cát chu,… với tổng diện tích cả trăm héc-ta. Tuy nhiên, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, mẫu mã không đẹp nên thị trường tiêu thụ hạn chế.

Thế nhưng, xoài là cây ăn trái lâu năm, có giá trị kinh tế cao, có thể giúp người dân gia tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác nên ngành chuyên môn huyện Châu Thành A đã tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm quản lý bệnh thán thư và đốm đen do vi khuẩn. Mặt khác, tiến hành tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác mới nhằm xử lý cho cây ra hoa, đậu trái, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tạo tiền đề phát triển cây xoài cát Hòa Lộc ở địa phương.

Theo nhiều nhà vườn trồng xoài ở huyện Châu Thành A, từ khi được ngành chuyên môn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng phương pháp cắt nhánh, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc đúng cách đã giúp cho vườn cây ra hoa đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao. Hơn hết là giảm được sâu bệnh gây hại, chi phí sản xuất thấp. Ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp Bình Lợi, thị trấn Một Ngàn, cho biết: “Người trồng xoài cát Hòa Lộc ở đây đặc biệt quan tâm áp dụng kỹ thuật canh tác đúng cách. Nhờ vậy mà sản phẩm làm ra luôn đảm bảo an toàn, đạt chất lượng tốt nên giá bán lúc nào cũng cao hơn thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg”.

Có thể nói, nhờ thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác bài bản, trong đó có kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa, đậu trái mà đời sống của người trồng xoài ở huyện Châu Thành A đổi thay rõ nét. “Mấy năm gần đây, ở địa phương, xoài luôn có bán quanh năm nên thu nhập kinh tế gia đình ít bị gián đoạn như trước. Hiện tại, xoài cát Hòa Lộc đang bán với giá cao và ổn định ở mức 40.000 đồng/kg. Nếu bây giờ được sở hữu 1 công xoài, ước năng suất đạt 1,5 tấn thì người dân có thể thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm”, bà Trương Thị Thắm, người trồng xoài cát Hòa Lộc ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ.

Tại buổi họp hội đồng khoa học ở tỉnh Hậu Giang gần đây, PGS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: Hiện nay, sản phẩm xoài nói chung trong vùng ĐBSCL, kể cả tỉnh Hậu Giang không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, mà còn có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các nước khó tính như: Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc… Bởi vài năm trở lại đây, sản lượng và chất lượng trái xoài của các địa phương trong vùng từng bước được nâng lên rõ rệt. Trước hết là mẫu mã đẹp, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Để phát triển bền vững trong tương lai, thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu, thiết nghĩ ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất thì các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng những mô hình canh tác đạt hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy mở rộng liên kết với các đơn vị sản xuất và tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm. Điều này vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng xoài cát Hòa Lộc, vừa vực dậy nền kinh tế nông nghiệp của từng địa phương phát triển”, ông Hâu nhấn mạnh.

Đến nay, ngoài việc xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa, thì trái xoài cát Hòa Lộc ở “xứ ngàn” đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Còn diện tích xoài cát Hòa Lộc ngày càng tăng lên. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành A có khoảng 620ha. Mặc dù diện tích không lớn nhưng đây là tiềm năng, lợi thế cho trái xoài Hậu Giang tham gia và chia sẻ thị trường với các địa phương khác trong vùng.

 

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>