Công nghệ thông tin: Chìa khóa cho sự phát triển

26/01/2021 | 18:00 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu từng lưu ý: Phải làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, đó là nền tảng để phục vụ sự phát triển của tỉnh...

Sở TT&TT tỉnh và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) ký kết Chương trình hợp tác về phối hợp tăng cường quản lý và phát triển tài nguyên internet trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Có thể thấy, chưa bao giờ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin lại được quan tâm đặc biệt như năm qua. Cũng từ đây, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) Hậu Giang được giao nhiều trọng trách quan trọng và đầy thử thách…

Chủ động làm tốt công tác tham mưu

Xác định công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2020 Sở TT&TT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành và xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân.

Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, Hậu Giang đã tập trung thực hiện cấp chứng thư số cho 104 tổ chức, 223 cá nhân. Chứng thư số là một loại chứng thư điện tử do tổ chức dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp. Chứng thư số có thể được coi như một “chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu” của cá nhân, doanh nghiệp với vai trò xác nhận danh tính của đối tượng trong môi trường của máy tính và internet. Khi có chứng thư số, sẽ giúp người sử dụng có thể nộp thuế qua mạng, khai báo hải quan và thực hiện giao dịch điện tử khác… Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện cấp 9.391 tài khoản hệ thống thư điện tử công vụ cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh và tài khoản hệ thống xác thực tập trung sử dụng cho các hệ thống thông tin dùng chung.

Hệ thống hạ tầng CNTT tiếp tục được đầu tư mở rộng; từ tháng 8-2020, tỉnh đã đưa vào vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử hiện được triển khai tại 18 sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã; triển khai cung cấp 235 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 166 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đặc biệt, trong năm 2020 ngành TT&TT còn thực hiện được một số kết quả nổi bật như: cơ bản hoàn thành khung pháp lý, chủ trương, chính sách cho việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025; khai trương và vận hành thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC); đã phối hợp các đơn vị triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PayGov).

Tiếp tục tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đã ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025. Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chia sẻ: “Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, được xem là đề án lớn đầu tiên về ứng dụng CNTT của tỉnh. Chúng tôi cũng đã tham mưu đề xuất triển khai 9 dự án CNTT đến nay, 7/9 dự án đã được đưa vào sử dụng. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục trong xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh cũng như Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025”.

Theo đó, sẽ tập trung triển khai các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả của các hệ thống thông tin đặc biệt, tăng tỷ lệ hồ sơ chữ ký trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến, để tích hợp thêm nhiều tính năng tiện ích, phấn đấu tăng 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm 2021. Triển khai dự án phòng họp không giấy tại văn phòng UBND tỉnh và UBND thành phố Vị Thanh, triển khai hội nghị trực tuyến đến UBND các xã, phường, thị trấn, nghiên cứu, tham mưu đề xuất ứng dụng một số công nghệ 4.0  như trí tuệ nhân tạo nhằm tăng tính tiện ích…

Với chức năng tham mưu quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, trong những năm qua, Sở TT&TT tỉnh đã tích cực, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng. Cùng với đó, Sở TT&TT đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, số hóa truyền hình… nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy ngành TT&TT phát triển, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2020, ngành TT&TT sẽ tập trung triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số, trong đó tập trung nâng cấp trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng ứng dụng CNTT của tỉnh; triển khai các nội dung của Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang năm 2021 theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động, kết quả nổi bật của tỉnh, xây dựng hình ảnh Hậu Giang năng động, thân thiện, tạo sự đồng thuận của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025…

Triển khai nhiều nội dung phục vụ phát triển

 

Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2020 Bộ đã khai trương Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) để hỗ trợ thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó quy định rõ quy trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Bộ TT&TT đã triển khai hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.

Từ những nội dung triển khai của Bộ TT&TT, Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đã triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PlayGov); triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; đặc biệt, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước Hậu Giang cũng đang thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>