Cần thêm trợ lực cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

29/09/2021 | 07:45 GMT+7

Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KHCN) cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng đã có nhiều sự đóng góp tích cực cho sự phát triển. Tuy nhiên, họ cần có thêm những trợ lực cần thiết, để phát huy thế mạnh và tạo đột phá trong tương lai !

Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động nghiên cứu lĩnh vực KHCN cần có sự đầu tư tới đây.

Đa dạng hình thức tập hợp

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang (Liên hiệp Hội) là tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh. Đến nay, Liên hiệp Hội đã có 21 đơn vị thành viên, bao gồm 19 hội thành viên và 2 đơn vị trực thuộc, với hơn 9.100 hội viên. Các đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật - nghề nghiệp và khoa học xã hội như: Hội Làm vườn, Hội Cựu giáo chức, Hội Luật gia, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường, Hội Khoa học xã hội và nhân văn, Hội Điều dưỡng, Hội Đông y, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN,...

Trong đó, có những hội tập hợp số lượng hội viên lớn như Hội Làm vườn với hơn 3.400 hội viên là trí thức và nông dân sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian tới, Liên hiệp Hội đang vận động một số hội tự nguyện tham gia, thành lập mới một số hội thuộc các ngành có thế mạnh của địa phương để gia tăng tỷ lệ hội thành viên, hội viên của Liên hiệp Hội.

Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động nổi bật. Liên hiệp Hội phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ trì tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang. Trong năm 2020, các cuộc thi, hội thi thu hút hơn 680 sản phẩm, giải pháp dự thi, góp phần tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động sáng tạo KHCN. Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn thường xuyên thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về KHCN. Tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xã hội hóa các hoạt động KHCN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo,... Các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội như Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Ánh Dương, Trung tâm Phát triển cộng đồng Bông Sen, đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh việc hợp tác trong nước và quốc tế. Qua đó, thực hiện nhiều chương trình, dự án an sinh xã hội ý nghĩa cho người dân.

Với vai trò là hội thành viên của Liên hiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã thực hiện nhiều dự án nông nghiệp và nông thôn trọng điểm của tỉnh như: Dự án Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; Dự án Cái Lớn - Cái Bé; Dự án Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo tại huyện Vị Thủy và thành phố Ngã Bảy; Dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT),...

Đồng thời thực hiện các dự án cấp huyện, phối hợp với các đơn vị có liên quan để chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Trong khi đó, các hội hoạt động thuộc lĩnh vực y khoa như Hội Điều dưỡng, Hội Sản phụ khoa… đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo y tế cho người dân, tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

“Phát triển khoa học công nghệ là một trong những quốc sách hàng đầu”…

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, tổ chức vừa qua đã nhấn mạnh: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là một trong những nơi ươm mầm KHCN hiệu quả, là môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KHCN. Phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, là nơi để cho đội ngũ trí thức thể hiện tinh thần sáng tạo. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao nỗ lực và kết quả của đội ngũ trí thức KHCN. Phát triển KHCN là một trong những quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với sự phát triển KHCN và đội ngũ trí thức. Do đó, cần có những chính sách để tạo môi trường, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức KHCN phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.

Có thể thấy, dù đã có những sự phát triển nhất định nhưng trong những năm qua, đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định.

Cụ thể như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang có một số hội thành viên phát triển hội viên còn chậm hoặc không phát triển; đội ngũ trí thức tham gia các hội chuyên ngành chưa nhiều, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Hậu Giang ở ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động cũng là một bài toán nan giải đối với các hội thành viên là tổ chức xã hội - nghề nghiệp không được tỉnh hỗ trợ.

Đến nay, Hậu Giang chưa có khu thực nghiệm để xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại địa phương, cơ sở vật chất còn hạn chế và thị trường KHCN chưa thực sự sôi nổi đã làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN.

Đại diện cho đội ngũ trí thức KHCN Hậu Giang, TS.Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN, Sở KH&CN tỉnh, kiến nghị: “Đảng và Nhà nước cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh triển khai ứng dụng các thành tựu KHCN vào đời sống và sản xuất, tập trung ở các lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm của tỉnh; thường xuyên liên kết, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức KHCN được học tập, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Tăng cường kinh phí hoạt động và đầu tư tiềm lực KHCN. Xây dựng các khu thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Hậu Giang, các chương trình hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ KHCN tỉnh Hậu Giang”.

Với những sự trợ lực đó, đội ngũ trí thức KHCN sẽ có thêm nhiều sân chơi để trao đổi, nghiên cứu và phát triển KHCN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao nỗ lực và kết quả của đội ngũ trí thức KHCN. Phát triển KHCN là một trong những quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với sự phát triển KHCN và đội ngũ trí thức. Do đó, cần có những chính sách để tạo môi trường, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức KHCN phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>