Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh Hậu Giang, mà là câu chuyện lớn của vùng và cả nước. Tuy nhiên, để có bước tiến mạnh mẽ hơn về chuyển đổi số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần có những liên kết chặt chẽ hơn, để tạo một điểm nhấn riêng, không thể mỗi địa phương làm mỗi kiểu.
Bài 3: Chuyển đổi số - Câu chuyện lớn của vùng
Chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long nên bắt đầu từ đâu?, theo các chuyên gia công nghệ: Nên bắt đầu từ những thế mạnh hiện có và rất tiềm năng của vùng, nhưng quá trình đi đến thành công không phải một ngày, một bữa.
Theo các chuyên gia: Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh nông nghiệp, thì chuyển đổi số nên bắt đầu từ đây.
Chuyển đổi số từ thế mạnh của vùng
Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây chủ lực. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng rất lớn.
Không nằm ngoài xu thế tất yếu phải chuyển đổi số, ngành nông nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch và hiện đại, giúp nông dân vươn xa và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần được khơi thông.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, nêu một vấn đề thực tế: Ở đồng bằng sông Cửu Long có một câu chuyện năm nào cũng xảy ra, đó là điệp khúc được mùa mất giá, có những nông dân ở làng hoa Sa Đéc mỗi năm đem hoa lên Thành phố Hồ Chí Minh bán, đến gần giao thừa lại chính tay mình đập bỏ những chậu hoa mà mình từng chăm chút… như vậy, công nghệ nói chung, chuyển đổi số nói riêng phải góp phần giải quyết vấn đề tiêu thụ, đầu ra, sau đó nói đến những chuyện lớn hơn như xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dữ liệu về an toàn thực phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.
Đồng tình với ông Tuấn, theo ông Phạm Ngọc Hoàng Nam, Trưởng phòng Dịch vụ Phần mềm, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT: “Để chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp trước hết, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành, cung cấp nhiều giải pháp hiện đại trong nông nghiệp để nông dân tiếp cận. Mặt khác, việc thay đổi nhận thức cho người nông dân về chuyển đổi số cũng cần được tập trung thực hiện, bởi muốn chuyển đổi số nông nghiệp, thì trước hết nông dân phải hiểu chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc canh tác truyền thống. Ngoài những yếu tố trên, thì chính sách của tỉnh để khuyến khích các cá nhân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ đưa thương hiệu tiến xa cũng là yếu tố rất quan trọng”.
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chứ không dừng lại ở canh tác, sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn.
Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart, bộc bạch: “Đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung chuyển đổi số về nông nghiệp và tập trung vào người nông dân. Làm sao để người nông dân có khả năng ở lại đồng bằng sông Cửu Long để làm kinh tế và làm kinh tế đạt được hiệu quả. Chúng ta tập trung vào con người, đào tạo từ kỹ năng, kiến thức đến những xu hướng mới về mặt sản phẩm, công nghệ để cho người nông dân có thể tiếp cận, thích ứng với sự chuyển đổi đó”.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh.
Cần một “nhạc trưởng” để liên kết “bản giao hưởng” chuyển đổi số
Với đồng bằng sông Cửu Long, chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ giúp các tỉnh gắn kết với nhau, mà còn giúp từng địa phương phát huy thế mạnh sẵn có.
Ông Phạm Kim Sơn, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết: “Liên kết vùng để chuyển đổi số là mong muốn nhiều năm nay của các tỉnh, chứ không đợi đến khi có Chính phủ điện tử. Để liên kết vùng hiệu quả, thì việc dùng công nghệ số để liên kết là phù hợp nhất. Liên kết vùng chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong điều kiện sản xuất chuỗi giá trị như hiện nay, không liên kết vùng không thể tồn tại được. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng ta hiện là chưa có sự bắt tay mạnh mẽ của các tỉnh, thiếu chính sách chung và định hướng quan trọng từ Trung ương. Ngoài ra, chưa có địa phương tiên phong đứng ra làm đầu tàu trong liên kết, đây hiện là rào cản rất lớn trong việc liên kết vùng trong chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số dường như được nhắc nhiều trong thời điểm hiện nay, nhưng câu chuyện liên kết vùng để chuyển đổi số, dường như cũng còn rất nhiều rào cản.
Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart, cho rằng: “Về mặt liên kết vùng để chuyển đổi số, thì mỗi vùng đều có những đặc tính riêng, có những cây trồng riêng. Nếu như vùng nào có những điểm chung, thì nên liên kết. Chúng ta liên kết theo đối tượng, theo điểm chung trong từng lĩnh vực sẽ hay hơn, hiệu quả hơn là liên kết vùng theo địa lý, hành chính”.
Có thể thấy, Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, không chỉ thành công về khâu tổ chức, mà hoạt động còn mở ra định hướng cho Hậu Giang và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, vì vậy, để thực hiện được cần phải có quá trình lâu dài.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chuyển đổi số là quá trình dài hơi cần thời gian, cần nhiều nguồn lực để có những thay đổi nhất định. Chúng tôi mong qua Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022 lần này, thông qua các kênh truyền thông, có thể thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp ở Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cũng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phát triển nhanh hơn nữa”.
“Hiến kế” những giải pháp liên kết vùng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số
Tiến sĩ Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Để liên kết vùng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, theo tôi có thể nghiên cứu để triển khai một số giải pháp: Liên kết xây dựng, sử dụng hạ tầng số cụ thể, các địa phương có thể sử dụng chung hạ tầng cloud, hạ tầng trung tâm dữ liệu thay vì đầu tư riêng rẽ. Liên kết xây dựng ứng dụng, triển khai các nền tảng số, trong đó các địa phương có thể chia sẻ để sử dụng chung các ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số đã thành công trong các lĩnh vực tại một hoặc một số địa phương trong vùng; chia sẻ nền tảng, kinh nghiệm triển khai nền tảng đã thành công tại địa phương mình để nhân rộng tại các địa phương trong vùng. Liên kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số nói chung gồm: xây dựng chính sách chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ số, triển khai các dự án chuyển đổi số… Qua đó, đảm bảo sự hợp tác, liên kết vùng là thực chất, hiệu quả, không chồng chéo”.
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN
- Phổ cập trực tuyến kỹ năng số đến 525 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ chuyển đổi SIM 2G sang 4G ở các xã, phường, thị trấn
- Sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- Infographic: MỨC ĐÓNG BHYT ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 10 CỦA HĐND TỈNH
- Điểm tin sáng 5-10: Người dân gửi hơn 6,8 triệu tỉ đồng vào ngân hàng
- Cùng Sunlife Việt Nam tìm hiểu 3 loại hình bảo hiểm phổ biến
- Infographic: TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH HỘ LÀM NÔNG, LÂM, NGƯ VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH
- Điểm tin sáng 4-10: Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa