Bước tiến 20 năm khoa học và công nghệ tỉnh nhà

01/12/2023 | 08:06 GMT+7

Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đã được quan tâm, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả.

Bài 3: Kỳ vọng chuyển mình

Giai đoạn tới, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa để thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành KH&CN rất cần được quan tâm, trợ lực để phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Nhiều chuyển biến

Nhìn lại 20 năm thành lập tỉnh, công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong hoạt động sở hữu trí tuệ, nếu cuối năm 2004, tỉnh chỉ có 18 đối tượng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, chấp nhận đơn, 3 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì đến hết tháng 10-2023, toàn tỉnh đã có 735 đơn được chấp nhận, 392 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được cấp.

Từ hoạt động sở hữu trí tuệ, trong 20 năm qua, nhiều nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh đã được quan tâm, bảo hộ. Tiêu biểu là chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”; nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” và “Gà tàu vàng Hậu Giang”. Bên cạnh đó, còn có các nhãn hiệu tập thể như: chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, xoài cát Hậu Giang, lươn đồng Long Mỹ, mít Hậu Giang,… Những nhãn hiệu mang địa danh này đã giúp khẳng định giá trị và quản lý thương hiệu đặc sản của tỉnh.

Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được quan tâm, triển khai hiệu quả. Đến nay, đã tiếp nhận bản công bố HTQLCL ISO 9001:2015 của 40/40 đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng HTQLCL và triển khai đến các đơn vị thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng.

Trong 20 năm qua, Sở KH&CN đã nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy phong trào sáng tạo, sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức 20 lần Hội thi Tin học trẻ tỉnh; 15 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh; 10 lần Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh. Qua 20 năm, có hàng trăm sản phẩm chất lượng đã được trao giải ở các cấp và ứng dụng rộng rãi.

Dựa trên số liệu do Cục Thống kê tỉnh cung cấp, TS. Nguyễn Thùy Trang (Trường Đại học Cần Thơ), đã tính sơ bộ và cho thấy: Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), nói cách khác là đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2010-2022 là khoảng 30,77% và có xu hướng tăng dần. Điều này chứng tỏ các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến, hợp lý hóa tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao trình độ người lao động, ý thức và tinh thần làm việc của người lao động,… có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững trong dài hạn.

Kỳ vọng đóng góp nhiều hơn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 20 năm, ngành KH&CN tỉnh còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh thiếu cán bộ nghiên cứu KH&CN có trình độ chuyên môn cao. Việc thương mại hóa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN còn ít. Chưa thực hiện được việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho đơn vị ngoài Nhà nước cũng như chưa thu hút được nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, từng chỉ đạo: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh cũng xác định rõ vấn đề này. Trong thời gian tới, tỉnh nỗ lực, tập trung để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trở thành động lực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo đã được ban hành, ngành KH&CN đang trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2030; Nghị quyết quy định về định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,… Đây là những cơ sở quan trọng để ngành KH&CN tiếp tục triển khai hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh, cho biết: “Xác định phát triển KH&CN là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển KH&CN. Tháo gỡ kịp thời vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ KH&CN. Xác định rõ hơn nguyên tắc trong chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KH&CN là theo đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Đẩy mạnh vị trí doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo…”.

Với những định hướng đó, kỳ vọng trong giai đoạn tới, ngành KH&CN tỉnh được kỳ vọng trở thành động lực tích cực để tỉnh sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>