Tự tin khởi nghiệp

28/05/2024 | 06:19 GMT+7

Quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng chính bàn tay, óc sáng tạo của bản thân, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Phụng Hiệp tự tin khởi nghiệp và bước đầu thành công.

Chị Linh tự tin khởi nghiệp với dự án “Khô cá sặc lóc xương”.

Dự án “Khô cá sặc lóc xương” của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chủ hộ kinh doanh khô cá sặc lóc xương Khanh Linh, ở ấp 6, xã Hòa An, đang giúp 8 chị em phụ nữ tại địa phương có công ăn, việc làm ổn định. Dự án này còn được chọn vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh năm 2024, với chủ đề “Dự án khởi nghiệp xanh”.

Khởi nghiệp từ sản phẩm quen thuộc

Chị Linh chia sẻ: “Khô cá sặc lóc xương của tôi được tỉnh công nhận chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2023. Tôi thấy mừng vì sản phẩm đồng quê này ngon và an toàn thực phẩm đang được mọi người công nhận, khách hàng ưa chuộng, chia sẻ rộng rãi khắp nơi. Hiện tôi đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để 3 năm sau có thể nâng chuẩn OCOP lên 4 sao”.

Cá sặc lóc xương được chị Linh lựa chọn từ nguồn nguyên liệu cá sặc đồng, hay trong các ao nuôi cá thát lát ngay tại địa phương, làm sạch, rồi rút xương, ướp gia vị vừa ăn và được phơi trong nhà lưới kín, nên trọn vị tươi ngon khi đến người tiêu dùng. Theo chị Linh, cá được phơi từ 1,5-2 ngày, tùy trời nắng nhiều hay ít.

Phơi khô xong, chị đem đóng gói, hút chân không ngay. Sản phẩm không có hóa chất bảo quản, nhưng nhờ phơi khô cá với mức độ phù hợp, nên có thể lưu giữ hơn 1 tuần. Thông thường từ 5-6kg các sặc nguyên liệu cho ra được 1kg cá khô thành phẩm. Hiện giá bán dao động từ 450.000-500.000 đồng/kg khô.

Với chị Linh, việc bén duyên với sản phẩm “Khô cá sặc lóc xương” cũng rất tình cờ. “Ý tưởng để tôi thực hiện dự án khởi nghiệp từ chính nguồn nguyên liệu cá sặc có sẵn tại địa phương. Điều quan trọng là bằng chính nghề bán cá tại chợ, đã nuôi sống gia đình tôi trong suốt mấy chục năm qua”, chị Linh bộc bạch.

Theo đó, vào một ngày của năm 2018, khi bán thấy cá sặc to tròn, tươi ngon mà nhiều quá, nên chị Linh mang về xẻ lóc bỏ xương, nêm gia vị vừa rồi phơi khô và dành chế biến để các con ăn cho tiện. Nhất là vào những lúc chị bận bịu nhiều việc, thì chỉ cần đem chiên lên là các con ăn được liền, không cần phải ngồi gỡ xương từng chút.

Rồi dịp tết, chị Linh thấy gia đình ưa thích nên làm nhiều, vừa phục vụ trong nhà, vừa đem làm quà tặng cho bà con hàng xóm thưởng thức. “Không ngờ, sau tết năm đó, nhiều người gọi điện đặt hàng và tôi bắt đầu kinh doanh sản phẩm này cho đến nay”, chị Linh cho biết.

Chị Lê Hồng Mơ, ở ấp 6, xã Hòa An, bày tỏ: “Nhờ dự án của chị Linh đã giúp tôi có việc làm ổn định. Mỗi ngày, tôi được trả từ 100.000-150.000 đồng, tùy theo lượng cá làm khô nhiều hay ít. Nhiều chị em còn được chị Linh hướng dẫn cách làm và đang ấp ủ dự án khởi nghiệp từ nguồn cá nguyên liệu có sẵn tại địa phương”.

Tăng gia phát triển kinh tế gia đình

Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, cho hay: “Nhờ mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà kín theo hướng sinh học” từ năm 2019, mà kinh tế gia đình tôi phát triển, thu nhập tăng cao. Hiện tôi đang thực hiện các quy trình, nâng chất lượng dưa lưới hướng đến chuẩn OCOP 3 sao và đầu tư sản phẩm theo hướng VietGAP”.

Chị Kiều là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Tân Quới Lộ Saemaul, với gần 100 thành viên tham gia trồng dưa lưới. Chị Kiều kể, khi mới thành lập, hợp tác xã có 68 thành viên, hoạt động chủ yếu là trồng dưa lưới và các loại rau màu theo thời vụ.

Tuy nhiên, với hoạt động hiệu quả mang lại, nên ngày càng có nhiều thành viên tự nguyện đến đăng ký tham gia vào hợp tác xã. Đến nay, tất cả đều chuyển sang trồng dưa lưới. Trung bình sau 3 tháng, sẽ cho thu hoạch 1 lần, với năng suất từ 3-4 tấn trái, trừ hết chi phí, thu lời gần 20 triệu đồng/1.000m2.

Cũng theo chị Kiều, ngoài chủ động học hỏi kinh nghiệm, mời kỹ sư giỏi để nâng chất lượng sản phẩm… thì quan trọng nhất vẫn là đầu ra cho trái dưa. Đáng mừng là hiện nay, toàn bộ dưa lưới của hợp tác xã đều được liên kết bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg. Vì thế, các thành viên rất an tâm, chung tay cùng nhau làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với diện tích 9.000m2 đất trồng dưa lưới trong 5 nhà kín, mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà kín theo hướng sinh học” hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên hợp tác xã. Hiện mô hình cũng đã được chọn vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh năm 2024.

Bà Dương Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Chúng tôi vinh dự có 5 dự án vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ. Tất cả đều là dự án mới, xuất phát từ những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, với khát vọng được cống hiến cho quê hương, phát triển kinh tế gia đình bằng chính niềm đam mê, óc sáng tạo và năng lực kinh doanh của mỗi chị em”.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thời gian qua, hội LHPN các cấp trong huyện tích cực hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công. Không chỉ giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định, với mức thu nhập cao, mà họ còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho nhiều chị em hội viên khác.

Từ đó, giúp cho hội viên phụ nữ ngày càng tin tưởng, gắn bó với các phong trào của hội, xem tổ chức hội là mái nhà chung ấm áp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ thêm phát triển.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>