Nỗ lực tạo việc làm cho phụ nữ cải thiện cuộc sống

07/05/2024 | 08:43 GMT+7

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đã nỗ lực giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tiếp cận được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Bà Phan Thị Kim Năm, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu tranh thủ kiếm thêm khoản thu nhập thường xuyên từ nghề đan lục bình.

Bà Huỳnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Việc hỗ trợ chị em có công việc ổn định, tăng thu nhập, hướng tới đời sống gia đình hạnh phúc luôn là nhiệm vụ trọng tâm được hội thực hiện nhiều năm qua. Trong quá trình thực hiện, không chỉ chú trọng vào tình hình thực tế, điều kiện tại địa phương, mà còn rà soát mong muốn, nguyện vọng gắn bó với công việc cụ thể của từng chị em. Từ đó, mở các lớp dạy nghề, giới thiệu công việc phù hợp để chị em có thêm thời gian chăm lo cho gia đình mà vẫn có thể tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên”.

Đáng ghi nhận là những năm qua, Hội LHPN thị trấn không chỉ duy trì và phát triển liên kết với Hợp tác xã mỹ nghệ Nhựt Linh, chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công chủ lực từ lục bình, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, để tạo việc làm ổn định, mà còn hỗ trợ dạy nghề cho nhiều chị em trên địa bàn. Ngoài làm việc tại cơ sở, những chị em nội trợ cũng có thể mang dụng cụ, nguyên liệu về nhà đan gia công thành phẩm trong thời gian nhàn rỗi, rồi giao lại cho hợp tác xã thu gom. Nhờ vậy, không ít chị em vừa chăm sóc được gia đình, vừa kiếm được nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Sau khi nhận thấy tình trạng nhiều chị em trên địa bàn thị trấn do không nắm được kỹ thuật canh tác, cũng như thiếu nguồn vốn để trồng cây ăn trái, nên Hội LHPN thị trấn tiến hành khảo sát thực tế, rồi lên kế hoạch giúp đỡ phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất vườn của gia đình hội viên, phụ nữ. Cụ thể, hội triển khai vận động, hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phục vụ nhu cầu đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, năng suất tốt để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.

Điển hình vươn lên thoát nghèo từ các hoạt động hỗ trợ của hội như trường hợp của bà Phan Thị Kim Năm, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu. Theo đó, khoảng 5 năm trước, bà Năm không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, nên thu nhập khá bấp bênh. Tuy nhiên, sau khi được hội giới thiệu đi học nghề đan đát lục bình, bà tích góp được khoản tiền tiết kiệm đáng kể sau vài năm gắn bó với nghề này. Ngoài ra, bà còn được hội vận động, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay 40 triệu đồng để cải tạo lại vườn tạp của gia đình.

Nhờ tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đan gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, cùng với khoản thu nhập từ vườn mít sau nhà, mà giờ đây, gia đình bà Năm đã vươn lên thoát nghèo. “Tôi kiếm được khoảng 1-2 triệu đồng/tháng từ việc đan lục bình. Riêng 2 công vườn mít sau nhà, cứ mỗi đợt thu hoạch, gia đình tôi xuất bán tầm khoảng 100kg trái, cũng kiếm được 2-3 triệu đồng. Nói chung, khoản thu nhập từ vườn mít và việc đan lục bình, hiện đảm bảo được chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể, căn nhà vợ chồng tôi đang sinh sống cũng được hội phụ nữ thị trấn quan tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa từ căn nhà xuống cấp trước đây”, bà Năm chia sẻ.

Theo Hội LHPN thị trấn Ngã Sáu, nghề đan lục bình không khó, chị em quyết tâm học trong thời gian ngắn là có thể làm được. Nhiều chị em có con nhỏ, làm nội trợ cũng có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cuộc sống gia đình. Ngoài nghề này, để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hội còn duy trì và thực hiện tốt các hình thức tiết kiệm. Nổi bật là thời gian qua, nhóm phụ nữ tiết kiệm, với 507 thành viên; tổ hùn vốn, với 48 thành viên, đã góp phần hỗ trợ hơn 60 lượt chị em tiếp cận nguồn vay phát triển kinh tế gia đình.

Tới đây, Hội LHPN thị trấn sẽ tiếp tục quan tâm khảo sát nguyện vọng của chị em trên địa bàn để mở các lớp đào tạo nghề mới, phù hợp với điều kiện của người học và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát những trường hợp muốn phát triển trên chính nghề nghiệp sẵn có, nhưng thiếu vốn thực hiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, giúp chị em mạnh dạn khởi nghiệp, tạo cơ hội nâng cao vị thế trong xã hội, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>