Tâm huyết và trách nhiệm trong thảo luận

06/07/2022 | 08:10 GMT+7

Trong phiên họp thứ ba, Kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã chia 4 tổ thảo luận. Tại đây, đại biểu rất tích cực đóng góp cho các tờ trình, dự thảo nghị quyết và các báo cáo trình tại kỳ họp; góp ý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Đại biểu Nguyễn Hồng Quân, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại tổ.

Tại các tổ thảo luận, không khí khá sôi nổi. Hầu hết ý kiến của đại biểu đều cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhờ vậy mà trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19 nhưng tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các vấn đề được cử tri gửi gắm qua đại biểu.

Phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường         

Đại biểu Nguyễn Hồng Quân, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân trong tỉnh rất đồng tình, ủng hộ với các giải pháp bảo vệ môi trường mà tỉnh thực hiện, nhất là các giải pháp thực hiện Đề án Hậu Giang xanh. Tuy nhiên, hiện nay Đề án chỉ tập trung các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho dân, chưa có giải pháp phát huy vai trò tham gia của cộng đồng. Do đó, đại biểu đề xuất Đề án cần có thêm giải pháp cộng đồng tham gia thực hiện. Cụ thể như phát động phong trào mà trong thời điểm nhất định nhà nhà cùng đồng loạt tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường từ đó tạo sức lan tỏa, nâng cao ý thức cộng đồng nhiều hơn trong bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án trên.

Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay cán bộ cơ sở, ấp, khu vực là những người trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: ra quân dọn dẹp cảnh quan, thu gom rác thải, trồng cây xanh, chưa phát huy hết vai trò của người dân. Do đó, cán bộ cơ sở, ấp, khu vực chỉ nên giám sát người dân thực hiện và nên lấy sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ môi trường ở địa phương làm tiêu chí xét gia đình văn hóa. 

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp cộng đồng tham gia thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện Đề án, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các mô hình huy động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Đối với cán bộ ấp, khu vực trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, các tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn, đây chỉ là giải pháp tình thế bước đầu nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia tốt công tác này. Về nguyên tắc, tỉnh không khuyến khích cán bộ ấp, khu vực làm thay người dân các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường thuộc trách nhiệm của bà con.

Lo lắng học phí tăng

Bên cạnh đó, về dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 cũng được đại biểu quan tâm.

 Đại biểu Trần Minh Lâm, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho rằng: “Từ trước đến nay, việc thu học phí rất thấp, chúng ta vừa trải qua một đợt dịch, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm học này, chúng ta thông qua nghị quyết với mức học phí tăng gần 300% so với năm học rồi. Ví dụ như năm vừa rồi chúng ta thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở chỉ ở mức 30.000 đồng thì năm nay tăng đến 100.000 đồng tại vùng nông thôn và gần 300.000 đồng đối với thành thị”.

Với mức học phí tăng như trên, đại biểu Lâm rất là lo lắng và đề nghị ngành giáo dục cần có giải pháp cụ thể để có thể triển khai nghị quyết này một cách hiệu quả, đặc biệt là việc hỗ trợ cho các em trong năm học mới.

Giải đáp các vấn đề đại biểu đặt ra về mức thu học phí, bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, tại kỳ họp này, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh để ban hành nghị quyết mới về mức thu học phí. Bởi trước đây tỉnh thực hiện việc thu học phí theo Nghị định số 86/2015, đến nay Nghị định số 86/2015 đã hết hiệu lực và hiện phải áp dụng theo Nghị định số 81/2021.

Cũng theo bà Huyền, theo quy định, lộ trình mức thu học phí phải san sẻ giữa mức chi trả của người dân cũng như ngân sách nhà nước và nhà trường, do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính xem xét và lấy mức thấp nhất theo quy định tại Nghị định số 81/2021, mức này cũng được dựa vào mức sống và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đối với Hậu Giang; ngành cũng rất mong nhận được sự chia sẻ của người dân.

Và vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh trong danh mục bảo hiểm y tế

Đại biểu Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, cử tri phản ánh rất nhiều về tình hình các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế khám chữa bệnh hiện nay không đủ thuốc trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế để phát cho dân khi đến điều trị bệnh. Đề nghị Sở Y tế có giải pháp khắc phục tình trạng này vì ngoài vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân nó còn ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thông tin, thời gian qua, ngành bảo hiểm đã làm tốt với vai trò phối hợp với ngành y tế để đảm bảo các quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Về thực trạng thiếu thuốc trong thời gian qua do tình hình dịch Covid-19 dẫn đến khan hiếm hàng hóa, nguyên liệu trong sản xuất nên giá cả thuốc tăng gây khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc. Sau dịch bệnh, số lượng người dân khám, chữa bệnh những tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so năm 2021, do đó việc xác định số lượng thuốc để dự trù ở một số cơ sở y tế gặp những bất cập.

Bà Xuân thông tin thêm, thời gian qua, ngành y tế đã tham mưu UBND thực hiện một số giải pháp khắc phục. Trong tháng 6, Sở Y tế đã tiến hành đấu thầu các gói cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn giai đoạn 2022-2023 đối với 4 gói thầu, tổng trị giá 415 tỉ đồng. Đến nay đã công nhận trúng thầu đợt 1 trị giá 58 tỉ đồng và đợt 2 với trị giá trên 200 tỉ đồng. Sắp tới, việc thiếu thuốc trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết.

Ông Huỳnh Văn Mơ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành A, cho biết, sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, đến khi chuyển sang trạng thái bình thường mới thì các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đang trong tình trạng quá tải, không thể đảm nhận các dịch vụ chuyên môn và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân cần đo đạc khi thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất bởi lý do các văn phòng hiện đang rất thiếu nhân sự đo đạc, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn.

Theo ông Mơ, địa bàn huyện Châu Thành A có gần 25.000 hộ dân, số lượng hồ sơ tồn đọng rất nhiều, vấn đề này đang bức xúc, do đó ngành tài nguyên và môi trường tỉnh cần có giải pháp giải quyết nhanh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại nhu cầu và tăng cường nhân sự cho các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để đảm bảo nhu cầu của dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các văn phòng cần có giải pháp như phối hợp với người dân mời đơn vị đo đạc là công ty bên ngoài thực hiện dịch vụ, sau đó gửi về văn phòng để thẩm định nhằm hạn chế tình trạng hồ sơ tồn đọng, ách tắc như hiện nay.

 

Mỹ AN - Đ.BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>