Sửa đổi, ban hành nhiều quy định có lợi cho sự phát triển hơn nữa tỉnh nhà

09/12/2022 | 10:04 GMT+7

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh đánh giá và quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Tham dự và theo dõi kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND các cấp và cử tri trong tỉnh kỳ vọng các nghị quyết được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2019NQ-HĐND được thông qua sẽ thúc đẩy du lịch Hậu Giang phát triển hơn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, giai đoạn 2020-2024 (NQ số 26), việc triển khai hiện nghị quyết đạt những kết quả tích cực, song cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, NQ số 26 được ban hành với mong muốn khuyến khích nhà đầu tư, người dân xây dựng các dự án mới tạo thêm nhiều cơ sở kinh doanh mới, đa dạng loại hình dịch vụ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách nên quan điểm xây dựng nghị quyết chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng mới, điều này đã gây khó khăn cho các dự án đầu tư cải tạo.

Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh hoạt động kinh doanh loại hình homestay đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên điều kiện hỗ trợ hoạt động này chưa phù hợp với thực tế. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ cho ý kiến thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 26.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Đông, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Ngã Bảy, việc sửa đổi một số điều của NQ số 26 là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nội dung sửa đổi lần này có tính khả thi cao, người dân dễ tiếp cận, mở ra hướng phát triển cho du lịch ở địa phương, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái, vườn trái cây kết hợp với homestay.

“Với hướng mở của nghị quyết sửa đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đầu tư thực hiện các dự án du lịch, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương về du lịch. Do đó, người dân địa phương rất phấn khởi với nghị quyết bổ sung, sửa đổi lần này”, bà Đông nói thêm.

Còn cử tri Trần Văn Luôl, ngụ phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, qua theo dõi kỳ họp những phiên đầu, ông cảm thấy rất phấn khởi và đánh giá cao trước sự phát triển vượt bậc của tỉnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bởi năm qua, theo ông Luôl, Hậu Giang đã có rất nhiều đổi thay, đó chính là kinh tế tăng trưởng cao thứ 4 cả nước, nhiều công trình, dự án lớn được triển khai, đời sống người dân có bước phát triển, bộ mặt nông thôn nhiều đổi khác.

Mặc dù vậy, cử tri Luôl cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của tỉnh cũng còn nhiều thách thức, đó là sản xuất nông nghiệp của người dân còn nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng được mùa, nhưng mất giá. Nhiều loại nông sản giá cả bấp bênh; chi phí sản xuất, phân bón tăng nhưng giá bán giảm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con. Tại thị xã Long Mỹ, nhiều tuyến đường xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa, địa phương cũng chậm có các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp…

“Được biết, kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Tôi tâm đắc với nhiều chính sách mới của tỉnh sẽ được thông qua về hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ học phí… Tôi cũng mong trong năm 2023, các chính sách mới sẽ sớm được triển khai để giúp bà con yên tâm, ổn định sản xuất”.

Còn với cử tri Phan Chí Công, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, ông vui và phấn khởi khi được biết tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nghị quyết về mức hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Bởi theo ông Công, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống người dân bị ảnh hưởng, do đó, giá học phí tăng tác động không nhỏ đến một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn. Việc tỉnh có chính sách hỗ trợ học phí trong năm học 2022-2023 là rất thiết thực, giúp cho người dân có con trong độ tuổi đến trường giảm bớt áp lực về kinh tế.

Kỳ họp thứ 13 (cuối năm) HĐND tỉnh sẽ cho ý kiến 30 báo cáo, 25 tờ trình và quyết nghị thông qua 25 nghị quyết liên quan nhiều vấn đề quan trọng nhằm cụ thể nghị quyết và chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Đây là những vấn đề rất quan trọng, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của Nhân dân trong tỉnh. Mong rằng các nghị quyết sau khi được thông qua sẽ sớm đi vào đời sống thực tiễn, đáp ứng tốt sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh về sự phát triển hơn nữa của tỉnh trong tương lai.

Sửa đổi Nghị quyết 26 theo hướng dễ tiếp cận hơn

Theo đó, điểm mới của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung NQ số 26 của tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn lần này là điều kiện hỗ trợ, áp dụng kể cả các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp để nâng hạng, đạt chuẩn nên dễ tiếp cận hơn.

Đối với điều kiện hỗ trợ loại hình phát triển du lịch cộng đồng, nếu như nghị quyết cũ chỉ hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình làm du lịch homestay có quy mô đón, phục vụ tối thiểu từ 20 khách trở lên thì nay đã giảm xuống còn 10 khách trở lên.

Về định mức hỗ trợ, nghị quyết quy định mức hỗ trợ dự án có quy mô, phục vụ khách đến dưới 20 khách, tối đa 50 triệu đồng/dự án; dự án có quy mô đón, phục vụ từ 20 khách trở lên tối đa 60 triệu đồng/dự án.

So nghị quyết cũ thì mức hỗ trợ chỉ áp dụng cho dự án có quy mô phục vụ từ 20 khách trở lên...

 

ĐÌNH BẢO - MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>