Nhiều giải pháp nâng chất hoạt động cơ quan dân cử

21/11/2022 | 11:27 GMT+7

Thời gian qua, Thường trực HĐND huyện Vị Thủy đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

Tủ sách pháp luật đặt tại chùa Ô Chum Prức Sa, ở ấp 6, xã Vị Thủy.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND huyện và các xã, thị trấn, từ đầu năm đến nay, Thường trực HĐND huyện Vị Thủy tổ chức thành công 3 hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các xã, thị trấn. Từng hội nghị giao ban này được tổ chức luân phiên tại các đơn vị cấp xã trên địa bàn huyện theo định kỳ hàng quý.

Những cách làm, mô hình hiệu quả

Cụ thể, trong tháng 4 năm nay, Hội nghị giao ban lần thứ nhất giữa Thường trực HĐND huyện với Thường trực HĐND các xã, thị trấn, có chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND” tại trụ sở xã Vị Bình; lần thứ hai diễn ra ở thị trấn Nàng Mau với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri”. Còn trong tháng 11 này, hội nghị được tổ chức tại xã Vĩnh Tường để tập trung bàn về “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát”.

“Tại hội nghị giao ban, các đại biểu thông qua kinh nghiệm thực tế đã thảo luận, chia sẻ những giải pháp, cách làm hay và chỉ ra được tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức các kỳ họp; công tác tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, cùng nhiều vấn đề khác trong hoạt động HĐND các cấp trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp tìm ra giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng trong hoạt động HĐND thời gian tới”, ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện, cho biết.

Chưa kể, để mở rộng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng sâu rộng đến với người dân, nhất bà con vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, Thường trực HĐND huyện đã triển khai, thực hiên mô hình “Tủ sách pháp luật với đồng bào dân tộc” tại chùa Ô Chum Prức Sa, ở ấp 6, xã Vị Thủy.

Theo Thường trực HĐND huyện, thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn luôn được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện tốt. Tuy nhiên, để pháp luật ngày càng được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, Thường trực HĐND huyện thống nhất triển khai mô hình “Tủ sách pháp luật với đồng bào dân tộc” tại các địa bàn này.

Việc thực hiện mô hình sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trong đồng bào dân tộc theo phương châm “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Mặt khác, đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp cận thông tin của người dân nơi đây cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.

“Để thực hiện mô hình này, chúng tôi vận động xã hội hóa nguồn sách, tài liệu từ các đại biểu HĐND của huyện. Chủ yếu là các loại sách, các văn bản luật cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân, giúp họ nâng cao hiểu biết và chấp hành tốt các quy định của pháp luật”, ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện, thông tin thêm.

Sau gần nửa năm thực hiện, “Tủ sách pháp luật với đồng bào dân tộc” tại chùa Ô Chum Prức Sa được trưng bày hơn 100 quyển sách về luật đã giúp cho các sư, cùng phật tử đến chùa đọc nên hiểu biết thêm nhiều văn bản luật.

Sư Danh Thanh Tài, ở chùa Ô Chum Prức Sa, cho rằng: “Từ khi có tủ sách luật đến nay, bà con phật tử đến chùa vào các dịp lễ, hội thường xuyên mượn đọc. Thông qua các quyển sách luật này giúp mọi người biết luật và chấp hành các quy định của pháp luật”.

Thường trực HĐND huyện đánh giá, qua thời gian triển khai mô hình, sự am hiểu pháp luật của người dân nơi đây có phần tốt hơn. Bởi thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây cho thấy, các ý kiến của người dân liên quan đến các vấn đề pháp luật quy định đã không còn nhiều như trước.

Tạo sự công bằng trong đánh giá chất lượng

Cũng trong năm nay, Thường trực HĐND huyện đã ban hành quyết định đánh giá, xếp loại Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện, để có cơ sở đánh giá chính xác, khách quan hơn. Đồng thời, giúp khắc phục những hạn chế của các tổ đại biểu, đại biểu HĐND huyện dễ mắc phải như việc tổ chức họp tổ thiếu thường xuyên; đại biểu vắng mặt trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát do công việc chuyên môn… nên Thường trực HĐND huyện đề ra giải pháp xây dựng quy chế thi đua cho các tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện.

Thực tế cho thấy, việc đánh giá Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện được thực hiện sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần làm tốt công tác thi đua, kể cả xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm và cả nhiệm kỳ.

Vì vậy, HĐND huyện đã ban hành các quy định cụ thể về quy trình, cách đánh giá, xếp loại hàng năm cũng như cả nhiệm kỳ cho từng nhóm đối tượng gồm Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện. Trong đó, chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu HĐND huyện được đánh giá hàng năm dựa theo các tiêu chí: Tổ chức họp Tổ đại biểu; báo cáo định kỳ chương trình công tác; việc xây dựng, tổ chức thực hiện; hoạt động giám sát; hoạt động tại kỳ họp và các hoạt động khác theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Đối với đại biểu HĐND huyện, chất lượng hoạt động của đại biểu được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tham gia tốt hoạt động tại kỳ họp, giám sát giữa hai kỳ họp, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và các hoạt động khác theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trên cơ sở kết quả đánh giá hàng năm sẽ là tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện cả nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND huyện đơn vị xã Vị Thắng, chia sẻ: “Các nội dung, tiêu chí thi đua được xây dựng trên cơ sở bám sát với nhiệm vụ của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Khi có quy định về thi đua sẽ giúp cho Tổ đại biểu làm tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc đánh giá chất lượng đại biểu của tổ cũng được thực hiện dễ dàng, khách quan hơn so với trước đây”.

Còn theo ông Võ Thanh Sử, Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND huyện đơn vị thị trấn Nàng Mau, việc đánh giá chất lượng tổ và đại biểu HĐND huyện như hiện nay sẽ là động lực để từng Tổ đại biểu và đại biểu HĐND phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trước cử tri. Nhất là việc đại biểu tham gia giám sát, tiếp xúc cử tri, quan tâm đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri, tích cực hơn trong đóng góp, thảo luận tại các kỳ họp…

Đó cũng là điều kiện cần thiết nhằm tạo sự công bằng, khách quan hơn trong đánh giá chất lượng hoạt động giữa các tổ và các đại biểu qua một kỳ hoạt động. Theo Thường trực HĐND huyện, việc đánh giá, xếp loại các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện sẽ thực hiện vào khoảng cuối tháng 12 tới, với quy trình 4 bước. Trên cơ sở đại biểu tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí quy định thì Tổ đại biểu HĐND huyện họp đánh giá, xếp loại Tổ và các thành viên.

Kết quả đó sẽ gửi về Thường trực HĐND thông qua văn phòng. Sau khi Văn phòng HĐND và UBND huyện tổng hợp trình Thường trực HĐND huyện sẽ quyết định kết quả đánh giá, xếp loại cuối cùng. Kết quả này còn là cơ sở để các tổ chức cơ sở đảng nơi đại biểu đang sinh hoạt đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm.

Qua các mô hình, giải pháp đồng bộ được Thường trực HĐND huyện triển khai trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường lòng tin của cử tri đối với đại biểu. Từ đó, chất lượng hoạt động của HĐND huyện ngày càng nâng cao hơn.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>