Hậu Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%

09/12/2022 | 17:22 GMT+7

Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Hậu Giang vừa được ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa X.

 

Tại đây, ông Đồng Văn Thanh cho biết, trong năm 2022, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh với 18 chỉ tiêu và 14 nhóm  nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Kinh tế tiếp tục phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng cao

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh trong năm 2022 tiếp tục phục hồi nhanh đạt mức tăng trưởng cao 13,94%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay. Nổi bật là quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được nâng lên, tăng từ 39.604 tỉ đồng lên 48.018 tỉ đồng; lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục vươn lên với kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 3,82%, vượt cao so kế hoạch đề ra là 3%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp vượt cao so kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, giá trị tăng thêm toàn ngành đạt kết quả ấn tượng 43,86%; thương mại, dịch vụ phục hồi rõ nét, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,7% so với cùng kỳ. Qua đó cho thấy 3 khu vực đều tăng trưởng cao. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 31,57% dự toán Trung ương; trong đó, thu nội địa đạt 5.300 t đồng, vượt 31% dự toán Trung ương và vượt 24,5% dự toán HĐND tỉnh giao.

Có được kết quả đó là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự đồng hành, tạo điều kiện của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong triển khai, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên, tạo sự thông suốt, thống nhất, quyết tâm cao từ cấp tỉnh đến cơ sở. Bà con cử tri và doanh nghiệp đồng tỉnh ủng hộ, hưởng ứng tích cực.

Công tác phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp với tinh thần trách nhiệm đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Đó cũng là thành quả của sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính. Việc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư - kinh doanh xuống dưới 50% so với quy định; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã giúp các dự án có quy mô lớn sớm đi vào hoạt động.

Từ đó, góp phần nâng cao t lệ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách ở mức cao. Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, ngoài những thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 11-2022 đạt 79,5%, tuy có cao hơn so với cùng kỳ (6,87%), cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (58,33%), nhưng vẫn còn chậm so với chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa kể, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn cao; dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tăng cao so cùng kỳ; giá xăng dầu, nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng là một trong những thách thức đối với tỉnh trong năm 2023.

Tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Xác định năm 2023, năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tăng tốc, đột phá trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Trước hết, tập trung quán triệt nghiêm, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách năm 2023. Trong đó, sẽ phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và thời gian triển khai cụ thể.

UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch để triển khai, thực hiện các chương trình, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành trong năm 2022, trọng tâm là triển khai, thực hiện các nghị quyết lần thứ 5, thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tổ chức công bố và triển khai nghiêm túc Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành làm cơ sở để theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, triển khai, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chú trọng 4 trụ cột” phát triển gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; bố trí, phân bổ nguồn lực đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo bước đột phá mới về phát triển kinh tế của tỉnh, xem phát triển công nghiệp là khâu đột phá, phát triển nông nghiệp là nền tảng, phát triển dịch vụ là khâu hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững.

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ -  Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh; các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh và các dự án nhà đầu tư đã được UBND tỉnh trao chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công 2023 đạt tối thiểu 95%; khắc phục tình trạng chậm chuẩn bị thủ tục đầu tư và chậm giao vốn; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung khắc phục hạn chế và nâng cao hơn nữa các chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI).

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư và giải quyết các thủ tục đầu tư một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm bảo đảm mục tiêu kép là vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời thu hút, phát triển các doanh nghiệp số có năng lực, uy tín và có khả năng tạo ra các giá trị kinh tế cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch; đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân; nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tội phạm và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

M.AN - Đ.BẢO lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>