Góp phần thực hiện tốt mục tiêu nghị quyết

18/10/2021 | 08:38 GMT+7

Phiên giải trình tình hình thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (đề án) vừa qua đã giúp cho đại biểu HĐND, bà con cử tri có sự đánh giá toàn diện, khách quan hơn về kết quả sau gần một năm thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh đối với đề án này và các nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân trên địa bàn.

Có trên 30 ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặt ra tại phiên giải trình.

Nội dung đề án chủ yếu đề ra những giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gây gắt và tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. Vì vậy, đề án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được những khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp trước những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Tiến độ triển khai, thực hiện chưa đạt yêu cầu

Mục tiêu của đề án là xây dựng, phát triển nền nông nghiệp có quy mô sản xuất hàng hoá lớn, chất lượng cao gắn liên kết chuỗi giá trị; nâng cao nhận thức, hành động của người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện đại và thông minh, ứng dụng cơ giới hoá. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng 15 mô hình hợp tác xã (HTX) và 3 liên hiệp HTX phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, HTX.

Các HTX được chọn tham gia đề án sẽ được hỗ trợ ứng dụng cơ giới hoá, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hữu cơ, thông minh trong phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thị trường, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỉnh cũng xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hoá trong nông nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển 3 trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản.

Qua đó giúp HTX, nông dân sản xuất ở các vùng tập trung có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và sử dụng dịch vụ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp với giá cả hợp lý, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thuê mướn nhân công, khả năng mở rộng quy mô sản xuất dễ dàng hơn. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư thí điểm 3 mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nhằm tận dụng phụ phế phẩm của các hợp phần trong chuỗi sản xuất khép kín, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo ra giá trị tăng thêm cho chuỗi, giúp nông dân tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.                                                              

Sau gần 1 năm triển khai, thực hiện đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án được thành lập ở tỉnh cùng 8 huyện, thị xã, thành phố. Ngay trong quý I-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện đề án trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có phân công rõ đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả.

Công tác tuyên truyền cũng được triển khai bằng văn bản đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Đến nay, tỉnh lựa chọn 7/15 hợp tác xã (HTX) cơ bản đáp ứng 8 tiêu chí đầu vào để tham gia đề án, gồm 6 HTX củng cố và 1 HTX thành lập mới; định hướng thành lập 3 liên hiệp HTX trong lĩnh vực thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái; chọn được quản lý HTX làm trưởng ban sáng lập. Ngoài ra, đã và đang thực hiện 2 dự án xây dựng website, đào tạo; 4 dự án đang lập thủ tục trình xin chủ trương đầu tư, đăng ký kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, qua giám sát, khảo sát của các ban HĐND tỉnh, báo cáo của các địa phương và phản ánh của cử tri và các HTX tham gia đề án cho thấy, công tác thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong năm 2021 còn khá chậm, chưa đạt tiến độ, lộ trình đề ra, nhất là khâu lựa chọn các HTX tham gia đề án; một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp chưa kịp thời tháo gỡ. Nhất là hiện nay, người dân và các HTX rất trông chờ vào sự hỗ trợ từ đề án.

Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc

Tại phiên giải trình, có 12 ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND tỉnh và 19 ý kiến gọi qua đường dây nóng của bà con cử tri. Các ý kiến đều tập trung vào những vấn đề vướng mắc, khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án. Theo đó, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Trung Chánh đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm rõ nguyên nhân hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới trong công tác tuyên truyền các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là Nghị quyết số 26.

Giải trình vấn đề trên, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiêm túc thừa nhận việc triển khai đề án còn chậm so với tiến độ, đa số cán bộ ở cơ sở và người dân chưa nắm được các chủ trương, chính sách kèm theo Nghị quyết số 26. Một phần là do việc triển khai các chính sách chủ yếu được ngành nông nghiệp lồng ghép vào các buổi tuyên truyền, tập huấn của ngành bằng văn bản, chưa tổ chức tuyên truyền riêng nội dung này và chưa tuyên truyền rộng rãi bằng cách kênh thông tin báo, đài, sổ tay tuyên truyền…

Trong khi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng là nguyên nhân gây ảnh đến công tác tuyên truyền. Cho nên tới đây, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn sổ tay tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng để họ nắm và tham gia. Tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương cùng tham gia công tác này. Đồng thời, đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết.

Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Hồng Quân về việc đề án chỉ chọn được 7/15 HTX tham gia, có khả năng không đạt chỉ tiêu theo lộ trình của giai đoạn 1 đề ra, ông Trần Chí Hùng cho biết: “Qua 2 đợt khảo sát, đánh giá thì ngành chỉ chọn được 7/15 HTX tham gia đề án. Nguyên nhân chủ yếu là do đa phần các HTX đang hoạt động hiện nay không đáp ứng được tiêu chí đầu vào của đề án. Đối với các HTX thành lập mới, qua làm việc chúng tôi nhận thấy đa số có nhận thức chưa đầy đủ về kinh tế hợp tác, HTX nên chưa thể lựa chọn vào đề án được”.

Từ đó, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát và gửi thông tin của HTX đủ điều kiện đề xuất tham gia đề án về tỉnh. Trên cơ sở đó, trong tháng này, ngành nông nghiệp tiếp tục đánh giá lựa chọn những HTX đảm bảo các tiêu chí được tham gia đề án theo mục tiêu đề ra. Riêng vấn đề kinh phí thực hiện đề án cũng được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Cụ thể, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Bảy kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin cho cử tri biết về nội dung này.

Làm rõ vấn đề kinh phí, ông Trần Chí Hùng cho rằng, theo kế hoạch của UBND tỉnh thì tổng nguồn vốn bố trí thực hiện đề án trong năm 2021 khoảng 12,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn bố trí thực hiện đến nay chỉ gần 4,3 tỉ đồng. Trong đó có 4 tỉ đồng bổ sung vào quỹ phát triển HTX, còn lại hơn 280 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ như: lựa chọn HTX, đào tạo, tập huấn, đưa cán bộ có trình độ chuyên môn về hỗ trợ các HTX. Trong số 280 triệu này đang được cơ quan tiếp quản vốn giải ngân và hoàn thành trong năm 2021.

 Liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án và các nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu và bà con cử tri còn kiến nghị các cơ quan, đơn vị tham gia đề án giải trình về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 HĐND tỉnh về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tình hình hoạt động của các HTX hiện nay… Ngoài Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người đứng đầu Sở Tài chính, Liên minh HTX tỉnh cũng giải trình làm rõ thêm các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm kiến nghị tại phiên giải trình này.

Đánh giá về phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến cho rằng, thủ trưởng các cơ quan đã giải trình nghiêm túc, trách nhiệm, đúng yêu cầu mà đại biểu, cử tri đặt ra. Qua đó, cơ bản đã làm rõ những hạn chế, bất cập và xác định được nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, có những đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện nghị quyết, đề án về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Thông qua phiên giải trình, góp phần để Thường trực UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành liên quan tìm ra biện pháp, giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian tới sớm nhất nhằm đưa nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>