Giải trình cần nêu đầy đủ, cụ thể và định hướng phát triển nông nghiệp Hậu Giang bền vững

14/10/2021 | 07:40 GMT+7

Theo kế hoạch, ngày mai (15-10), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình tổ chức thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trao đổi với phóng viên, bà Mã Thị Tươi (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết cụ thể:

- Tổ chức phiên giải trình là một trong những hình thức hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND xuất phát từ thực tế đại bộ phận cử tri quan tâm, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do đó, Thường trực HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét, quyết định đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về chủ đề “thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Thông qua phiên giải trình nhằm xem xét, đánh giá, định hướng việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 (Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030) đạt hiệu quả, thật sự đã đi vào cuộc sống trong thời gian tới, trong đó có nhiều nội dung quan trọng mà cử tri và Nhân dân rất quan tâm.

Để đạt mục đích, yêu cầu chủ đề của phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị ngành chuyên môn, Thường trực UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 26. Làm rõ các vấn đề mà quý cử tri, đại biểu HĐND đặt ra liên quan đến các chính sách, nội dung của Đề án mà các đối tượng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thụ hưởng từ các chính sách này, đáp ứng mục tiêu: phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nông dân, mà Nghị quyết lần thứ XIV của tỉnh Đảng bộ đã đề ra.

Cụ thể là những vấn đề nào, thưa bà ?

- Đó là 5 nhiệm vụ được quy định rất rõ trong Đề án thực hiện giai đoạn 1 năm 2021: Thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, phổ biến thông tin Đề án đến người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; Xây dựng, ban hành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và kế hoạch thực hiện năm 2021, 2022; Khảo sát, đánh giá và lựa chọn 15 hợp tác xã tham gia đề án; tư vấn hợp tác xã lập dự án, xây dựng, hoàn thiện và phát triển mô hình hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy thành lập 3 liên hiệp hợp tác xã; Lập các dự án theo danh mục đề xuất trình phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện; Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã.

Ngoài những nội dung cụ thể trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đánh giá làm rõ về thực trạng, những bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 26, nhất là những vấn đề đề xuất, kiến nghị, những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh, quý cô bác cử tri, các mô hình và các hợp tác xã quan tâm về điều kiện, tiêu chí được xét chọn tham gia Đề án để được thụ hưởng các chính sách theo 8 tiêu chí đầu vào và đầu ra đối với hợp tác xã được xét chọn.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bà có những nhận xét ban đầu như thế nào ?

- Nghị quyết số 26 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các nghị quyết lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao… từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết đang tổ chức triển khai thực hiện gần 1 năm theo từng giai đoạn cụ thể, với từng nhóm nhiệm vụ cụ thể. Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được thành lập ở tỉnh và 8/8 huyện, thị xã, thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, trong đó có phân công rõ đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả.

Công tác tuyên truyền được triển khai bằng văn bản đến các sở ngành, đơn vị và địa phương. Đến nay, Hậu Giang đã lựa chọn được 7/15 hợp tác xã cơ bản đáp ứng 8 tiêu chí đầu vào để tham gia Đề án; định hướng thành lập 3 liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái. Về lập các dự án đầu tư: đã và đang thực hiện 2 dự án (xây dựng website và đào tạo); 4 dự án đang lập thủ tục trình xin chủ trương đầu tư và đăng ký kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Tổ chức phiên giải trình là hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động chấp hành của cơ quan hành pháp thực hiện nhiệm vụ được giao, tại buổi giải trình này bà có yêu cầu gì ?

- Việc chọn chủ đề, chuẩn bị nội dung, hình thức, cơ sở vật chất phục vụ cho phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, yêu cầu, hiệu quả của phiên giải trình trong thời lượng phát sóng 120 phút, tôi đề nghị các ngành, quý cô bác cử tri, các đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết cần bám sát vào chủ đề hỏi nhanh (1 phút), đáp gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đặt ra (3 phút); đồng thời chọn lọc vấn đề cử tri quan tâm thông qua đường dây nóng để tránh sự trùng lắp nhằm được nhiều ý kiến đa dạng, phong phú, sát thực tế, đúng chủ đề…

Để các ngành không chỉ giải trình làm rõ những vấn đề quan tâm đặt ra mà thông qua phiên giải trình chính là kênh thông tin tuyên truyền có sức lan tỏa, góp phần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống thực chất hơn trong thời gian sớm nhất.

Sau giải trình là kết luận của chủ tọa có thể nói là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng phát huy những mặt làm được, khắc phục mặt chưa được, có giải pháp sát hợp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thời gian tới.

Để thực hiện tốt kết luận của chủ tọa sau phiên giải trình, HĐND tỉnh cần giám sát thêm không, thưa bà ?

- Đây là yêu cầu phải có trong hoạt động hậu giám sát - tiếp tục giám sát thực hiện các nội dung kết luận phiên giải trình.

Kết luận giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh chỉ thực sự có ý nghĩa, thực sự phát huy hiệu quả khi được triển khai thực hiện trên thực tế. Vì vậy, sau buổi giải trình này, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh khẩn trương phát hành Thông báo kết luận; phân công các ban HĐND giám sát và có ý kiến với MTTQ cùng cấp, với các tổ đại biểu HĐND cùng theo dõi, giám sát. Đồng thời thông qua phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội ở địa phương để theo dõi ý kiến phản ánh của cử tri…

Xin cảm ơn bà !        

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>