Chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài sát yêu cầu thực tiễn

13/01/2023 | 09:34 GMT+7

Mới đây, HĐND tỉnh Hậu Giang ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, khuyến khích tự đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, biệt phái và luân chuyển trên địa bàn đã thu hút sự quan tâm của dư luận về các yếu tố sát hợp yêu cầu thực tiễn, có đủ “sức hút” để Hậu Giang đẩy nhanh chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

Hậu Giang rất quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cán cấp. Ảnh: T.T

Thời gian qua, Hậu Giang rất coi trọng việc ban hành và thực hiện các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Từ năm 2012-2019, HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài mới ban hành lần này được xây dựng dựa trên các yếu tố sát hợp, yêu cầu thực tiễn hơn.

Dựa trên cơ sở yêu cầu thực tiễn

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, yêu cầu cần thiết phải ban hành nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ và thu hút để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang  Trần Văn Huyến nhấn mạnh: Đây là vấn đề đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra để tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược do đại hội các nhiệm kỳ trước đề ra. Trong đó, một trong ba nội dung đột phá chiến lược của tỉnh là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài.

Trước khi ban hành nghị quyết về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài lần này, tỉnh cũng đã xem xét, đánh giá qua nhiều yếu tố. Đánh giá lại kết quả thực hiện của các chính sách được ban hành trước đó, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hiện tại. Mặc dù có tăng lên hàng năm về chất lượng thể hiện qua số người có trình độ sau đại học tăng lên nhưng không đồng đều trong từng lĩnh vực và chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỉnh chưa có chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực trụ cột của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Một cơ sở nữa để góp phần xây dựng và ban hành chính sách cho chặt chẽ hơn, hoàn thiện hơn, hiệu quả và có tính khả thi cao hơn thì trước khi xây dựng, ban hành nghị quyết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham mưu đi học tập kinh nghiệm, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời tham vấn về nội dung, định mức về chính sách của một số tỉnh lân cận để có chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực đã và đang thực hiện, nhằm đảm bảo cơ sở ban hành nghị quyết.

Chú trọng điều kiện giữ chân nhân tài

Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang, Nguyễn Minh Trí, cho rằng: So với Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang thì chính sách mới lần này đã có sự điều chỉnh, bổ sung, tăng mức hỗ trợ và thu hút. Cụ thể: đối với trình độ tiến sĩ trước đây là 100 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 80 triệu đồng, nay nâng lên là 150 triệu đồng; thạc sĩ trước đây là 70 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là từ 50 triệu đồng, nay nâng lên 80 triệu đồng. Giáo sư, Phó Giáo sư trước đây từ 200 triệu đồng, nay nâng lên 300 triệu đồng. Tiến sĩ từ 180 triệu đồng nay nâng lên 200 triệu đồng, đồng thời, hỗ trợ thêm các chế độ khác như tiền thuê nhà trong 12 tháng,...

Đặc biệt, đối với nghị quyết mới lần này có bổ sung chính sách khuyến khích tự đào tạo sau đại học đối với công chức, viên chức (chưa giữ chức vụ hoặc chưa quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý), nhằm mở rộng đối tượng được cử đi đào tạo sau đại học và hưởng chính sách sau khi tốt nghiệp; chính sách biệt phái đối với những trường hợp khi tỉnh có yêu cầu.

Thực tế cho thấy, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao là một chuyện, vấn đề làm sao tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp để nguồn nhân lực này có thể phát huy tối đa tài năng, cống hiến lâu dài, phát triển và thăng tiến.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến thông tin thêm: Đối với mức thu hút, hỗ trợ theo chính sách của tỉnh mới ban hành tuy chưa cao so với mặt bằng chung cả nước, nhưng cũng đã nằm ở mức cao so với một số tỉnh lân cận và phù hợp với nguồn cân đối ngân sách của tỉnh.

Để nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả chính sách thu hút nhân lực của tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh cần thực hiện tốt 4 vấn đề: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng nội dung, định mức hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nguồn nhân lực một cách rộng rãi trong phạm vi cả nước. Việc thu hút phải xây dựng được danh mục các ngành, nghề và trình độ cần thu hút và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan tham mưu thực hiện chính sách phải bám sát theo nhu cầu và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025. Việc triển khai thực hiện chính sách phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân. Tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ, ngang tầm với nhiệm vụ.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Minh Trí, hiện sở đang phối hợp với các sở, ngành để tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các danh mục ngành nghề cần thu hút, dự kiến một số ngành như: du lịch, công nghệ thông tin, y tế... Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các quy định về tạo điều kiện về môi trường làm việc, trang thiết bị để phục vụ cho việc nghiên cứu, làm việc,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nguồn nhân lực sau khi được thu hút phát huy tài năng, cống hiến lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.

Từ năm 2012-2019, Hậu Giang đã hỗ trợ và đãi ngộ cho 342 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học và thu hút mới là 7 trường hợp, với tổng kinh phí thực hiện chính sách là 19 tỉ đồng. Về hạn chế, tỉnh chưa thu hút được các chuyên gia đầu ngành, việc thu hút còn chưa sát với nhu cầu thực tế, có ngành cần thu hút nhưng không thu hút được; vẫn còn tình trạng bỏ việc, chuyển công tác của cán bộ, công chức, viên chức sau khi nhận hỗ trợ, thu hút của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hấp dẫn của mức thu nhập tiền lương của khu vực tư nhân cao hơn khu vực công; điều kiện và môi trường làm việc chưa đáp ứng yêu cầu...

 

PHÙNG DŨNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>