Những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác

07/09/2022 | 09:07 GMT+7

Bài 2: Người thầy hết lòng với sự nghiệp trồng người

Đó là thầy Trịnh Anh Việt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh. Trên cương vị là cán bộ quản lý, thầy Việt luôn nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp giáo dục, trở thành nhà giáo mẫu mực trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và học sinh.

Thầy Trịnh Anh Việt (giữa), Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, trong dịp dự Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thư pháp được tổ chức tại trường.

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp

Thầy Việt sinh ra và lớn lên tại Vị Thanh. Khi còn là một giáo viên trẻ, thầy đã rất tâm huyết với nghề, không ngại khó, vất vả; là một tấm gương tiêu biểu về nghị lực và ý chí trong công tác. Đối với thầy, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, lời nói phải đi đôi với việc làm. Từ đó, thầy không ngừng nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục, làm theo lời dạy của Bác “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”.

Theo cô Võ Thị Thanh Phương, đảng viên, giáo viên Trường THPT Vị Thanh, thầy Việt luôn chia sẻ với đồng nghiệp câu nói mà thầy tâm đắc từ Người cha, Người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Vì vậy, trên cương vị là người lãnh đạo, quản lý, thầy Việt luôn gương mẫu, công tâm, cần mẫn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp. Thầy cũng rất quan tâm đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức nhà trường. “Vào những ngày lễ tết, thầy quan tâm thăm hỏi, động viên mọi người kịp thời, đúng lúc. Chính sự quan tâm xuất phát từ tấm lòng chân thành đã chạm đến trái tim đồng nghiệp nên mọi người rất yêu quý đức tính này của thầy”, cô Phương bày tỏ.

Đặc biệt, khi góp ý với đồng nghiệp hay tiếp xúc với phụ huynh học sinh, thầy từ tốn, nhẹ nhàng, hòa nhã và đầy chân tình. Với thầy, không có khoảng cách giữa thủ trưởng đơn vị và cấp dưới như lời dạy của Bác: “Người lãnh đạo là đày tớ trung thành của Nhân dân”. Riêng trong công tác, thầy Việt luôn bám sát vào kế hoạch, nhiệm vụ năm học của ngành cũng như của trường và ứng dụng những thành quả từ các năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể.

Đồng thời, chủ động phối hợp cùng các phó hiệu trưởng, bộ phận chức năng, ban ngành, đoàn thể và giáo viên chủ nhiệm lớp để làm nên sự thành công trong các phong trào giáo dục của nhà trường. Nhất là, thầy có cách để tạo nên một khối đoàn kết vững chắc, đó là sự công tâm không thiên vị hay cả nể ai. “Là một lãnh đạo, bản thân tôi luôn nhận thức rằng, để tập thể vững mạnh thì phải xây dựng được tính tập thể ở từng cá nhân, tất cả vì lợi ích chung của nhà trường”, thầy Việt chia sẻ.

Dám nghĩ, dám làm, tận tụy với công việc

Sinh thời, Bác đã dạy: “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Vậy nên, nhiều năm liền trường được khen tặng là tập thể vững mạnh. “Có thể khẳng định rằng, tất cả sự thành công của nhà trường đều có dấu ấn của thầy Việt - một lãnh đạo tâm huyết, có tầm, có tâm và đầy bản lĩnh”, cô Phương nói.

Bên cạnh là hiệu trưởng, thầy Việt còn là một Bí thư Chi bộ nhà trường. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thầy vận dụng, thực hiện nghiêm theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng. Cũng theo cô Phương, thầy Việt luôn tiên phong, gương mẫu, xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, dám nghĩ, dám làm. Vì thế, sẽ không bao giờ bắt gặp thầy đi trễ về sớm, ngược lại thầy còn rất tận tụy với công việc.

Thầy cũng luôn thầm lặng theo dõi, quan sát tác phong làm việc của cấp dưới để nhắc nhở, chỉnh đốn kịp thời. Không chỉ là một Bí thư Chi bộ gương mẫu, nhà giáo mẫu mực mà thầy còn thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác về dân vận khéo. Cụ thể như thời gian qua, thầy thường xuyên vận động, khuyến khích các tổ đảng trong nhà trường thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học bằng việc làm thiết thực.

Ngoài ra, thầy còn phát động việc học tập và làm theo gương Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó mà Chi bộ nhà trường đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. 

“Người xưa có câu “Lương sư hưng quốc”, đào tạo ra một thế hệ học trò là nguyên khí của quốc gia nên người thầy thật sự phải có tâm với nghề, không chỉ dạy kiến thức mà phải dạy cách sống, làm người có ích cho xã hội. Nhận thức điều đó nên thầy Việt không chỉ là người lãnh đạo, đồng nghiệp mà còn là tấm gương để chúng tôi học tập, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho mái trường thân thương này”, thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, tâm sự.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NGHI

---------------

 

Bài 3: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>