Mô hình làm theo gương Bác hiệu quả

10/06/2022 | 07:38 GMT+7

Nghỉ hưu, vợ chồng ông bà Phạm Thị Phỉ, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, không chọn cuộc sống nhàn hạ mà tập trung xây dựng mô hình kinh tế, được Đảng ủy xã đánh giá cao, đang nhân rộng cho nhiều đảng viên khác.

Ông Phi, bà Phỉ cho một đàn gà nhỏ ăn (4 phía nơi ông bà đứng đều được cất chuồng nuôi gà).

Quả ngọt đầu mùa

Vợ chồng bà từng là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Vị Tân, là đảng viên, ông nghỉ hưu trước nhưng chưa muốn ngơi nghỉ nên tìm tòi, học hỏi, xây dựng cho mình mô hình vườn ao chuồng. Bà sau khi nghỉ hưu, được Đảng ủy xã động viên nên tham gia ở ấp, chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2A.

Cuộc sống ông giáo trước đây thầm lặng từng “chuyến đò” nên nay cũng ít muốn thổ lộ công việc, vợ thì năng động…

Bà Phỉ kể, ông về hưu từ năm 2018 và cũng từ đó bắt tay vào xây dựng cho mình mô hình nuôi gà giống, nuôi cá và trồng chanh không hạt, dừa quanh nhà.

Công việc không hề dễ với ông giáo và gia đình mà ông là đầu tàu nên phải thường xuyên lên đài, mở báo xem cách thức nuôi trồng, nhất là nuôi gà thịt, gà giống sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Năm đầu (2018), gia đình ông bà Phỉ nuôi trồng diện tích nhỏ, cỡ 80m2 chuồng gà, còn lại là ao cá tạp, vườn tạp nhưng được rào xung quanh khoảng 2.000m2. Đây là thời gia tập tành nuôi trồng, rút kinh nghiệm vì bảng đen phấn trắng vốn là cuộc sống của ông bà trước đây.

Ý thức học tập, nâng cao khả năng tiếp cận ruộng vườn của ông giáo là kết quả được đoán trước khi năm đầu đạt khá và năm sau là quả ngọt với tiền lời từ mô hình khoảng 20 triệu đồng.

Thêm những thành công

Ví von thành quả của ông bà Phỉ cũng không quá vì hiện nay thu nhập của gia đình khá cao so với các hộ dân ở ấp.

Thuyết phục mãi thì ông giáo mới chịu mở lời với phóng viên và cho chụp ảnh. Ông là Bạch Văn Thông (thầy Phi), song vợ cũng là người kể ra câu chuyện làm kinh tế của nhà mình chứ không phải… chủ hộ.

Chuyện nuôi trồng tiếp nối như vầy: khi có kết quả như mong muốn, ông bà mở rộng chuồng nuôi gà thịt, gà lấy trứng, gà giống, từ 70m2 ban đầu đến nay có đến 500m2 được phân ô chuồng rõ ràng giữa các lứa để dễ chăm sóc. “Loại vật nuôi này nuôi số lượng ít ăn thịt thì dễ chứ nuôi kinh doanh phải kỹ càng từng miếng ăn giấc ngủ, từ nhỏ phải chích ngừa từng con, lớn lên hễ nghe khọt khẹt cũng phải coi để thuốc men; khâu vệ sinh chuồng càng không thể bỏ qua vì sạch gà sẽ mau lớn, chất lượng gà tốt, bán giá cao”, bà Phỉ kể.

Là đảng viên nên bà Phỉ không quên nói về ý thức của vợ chồng trong thực hiện mô hình trên, đó là khi bàn bạc, sau thống nhất với bộ phận tuyên giáo Đảng ủy xã xây dựng mô hình làm theo gương Bác: “Mô hình vườn ao chuồng làm kinh tế theo gương Bác”. Bà Phỉ nói thêm: “Chúng tôi học tập, làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, tự lực vươn lên trong cuộc sống chứ không phải nghỉ hưu rồi chỉ chờ lãnh lương và dựa vào con cháu. Nhờ mô hình này mà nay gia đình khấm khá”.

Theo tính toán, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông bà thu nhập khoảng 80 triệu đồng, lần bán gần đây nhất lời 40 triệu đồng (từ bán gà và chanh, dừa); cá tra, cá trê, tai tượng dưới ao quanh nhà ục như cơm sôi được ông bà chừa lại để đến lúc cần thiết lắm sẽ xuất bán, ước hiện nay 50-70 triệu đồng.

Khi thấy thầy Phi, cô Phỉ làm ăn hiệu quả, nhiều đảng viên ở ấp đến học hỏi, trong đó có ông Hai Quạ, Hai Để đang xây cất chuồng gà. Người ta đến học, ông bà không làm hiểm mà tận tình trao đổi, mong ai cũng ăn nên làm ra như mình.

Ông Võ Thanh Phong, cán bộ Tuyên giáo - Dân vận Đảng ủy xã Vị Tân, đánh giá mô hình của ông Phi, bà Phỉ rất hiệu quả; năm 2018 xây dựng mô hình thì đến nay được nhân rộng cho thấy sự lan tỏa của việc học tập, làm theo gương Bác trong đảng viên. Mô hình rất vừa sức; chủ động học tập, xây dựng cho mình ao chuồng nuôi trồng tương tự như trên cũng là cách đảng viên, bà con học ở Bác ý chí tự lực, tự cường xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần giúp quê hương thêm phát triển.     

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>