Lão nông Khmer quyết tâm làm giàu

20/03/2024 | 05:36 GMT+7

“Bác Hồ từng chịu bao nhiêu khổ cực, vất vả đi tìm đường cứu nước, để sau này trở thành vị lãnh tựu vĩ đại, được cả dân tộc Việt Nam kính trọng, yêu mến. Nghĩ vậy nên tôi cũng học và làm theo Bác, dù khó khăn, vất vả cỡ nào cũng cố vượt qua”, ông Chau Lập, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ.

Cánh đồng lúa trĩu bông của gia đình ông Chau Lập.

Tính ông Chau Lập vốn chịu khó, nhưng trong chuyện làm ăn có lúc thất bại, khiến cuộc sống gia đình ông từng một thời vất vả. Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông Chau Lập đã bắt tay thực hiện và thành công bước đầu với mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn.

Khởi đầu với trùn quế

Được dẫn tham quan mô hình của gia đình ông Chau Lập mới thấy sự nỗ lực, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của lão nông người Khmer này. Cơ duyên đến vào năm 2022, khi ông xem trên truyền hình thấy nhiều nơi đang phát triển mô hình nuôi trùn quế. Sẵn phía sau nhà còn đất trống, nên ông xây trại rộng 60m2 mua trùn quế về nuôi. Thời gian đầu, ông lặn lội đi nhiều nơi để tìm mua phân bò về làm thức ăn cho trùn. Khi trùn lớn, ông dùng để ủ làm thức ăn nuôi heo, nuôi chim cút. Ông mua 12 con heo và 300 con chim cút để nuôi “thử nghiệm”.

Đối với thức ăn của heo, ông trộn trùn quế, cám và một ít thức ăn công nghiệp; còn chim cút thì ông cho ăn trùn quế. Dần dà sau này, ở dưới ao, ông nuôi thêm cá chạch lấu, lươn với thức ăn chính là trùn quế. Ông còn nuôi thêm bò, tận dụng phân bò để làm thức ăn cho trùn.

Thức ăn cho bò cũng có cách “chế biến” độc đáo. Theo ông Chau Lập, với 5 con bò hiện có, nếu cắt cỏ cho chúng ăn hàng ngày thì sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Do đó, ông ủ rơm cho bò ăn. Cách làm này, không tốn nhiều thời gian và có thể dự trữ được nguồn thức ăn lâu ngày cho bò. Ngoài rơm, ông còn ủ bắp, ủ cỏ để tạo sự phong phú về nguồn thức ăn cho bò.

Quá trình nuôi, ông còn ủ hỗn hợp mật đường, muối, cám, cứ vài bữa lấy cho bò ăn 1 lần để tránh cho chúng bị bệnh đường tiêu hóa. Khi bò đến giai đoạn vỗ béo bán ra thị trường thì ông ủ trùn quế, mật đường, muối, men trong thời gian 3 tháng rồi đem cho bò ăn, giúp chúng phát triển nhanh.

Chưa kể, ông còn tận dụng phân bã của trùn quế kết hợp với một ít phân hữu cơ để bón cho 9 công ruộng vào 2 thời điểm lúa 10 ngày và 25 ngày tuổi. Ông thử nghiệm mấy vụ vừa rồi, đều cho ra kết quả lúa phát triển tốt, chi phí chăm sóc thấp và đạt năng suất cao.

Ông Chau Lập cho biết trùn quế là con khởi nguồn trong mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn của gia đình ông. Về cách thức ủ thức ăn cho các con vật nuôi, ông kết hợp từ kinh nghiệm của bản thân cộng với các kiến thức có được nhờ dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do chính quyền xã Hỏa Lựu tổ chức. Lúc đầu áp dụng với số lượng nhỏ, khi hiệu quả được chứng minh thì nhân rộng thực hiện.

Hiệu quả bất ngờ

Ông Chau Lập cho biết, gần đây, gia đình ông mua sắm được thêm nhiều vật dụng trong nhà do mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn đem lại nguồn thu nhập khá.

Nhờ ăn trùn quế trộn với cám và một ít thức ăn công nghiệp mà đàn heo của gia đình ông phần lớn đạt trọng lượng 100kg mỗi con chỉ sau 3,5 tháng nuôi, chi phí đầu tư không nhiều. Trong khi những hộ lân cận sử dụng thức ăn công nghiệp tốn chi phí cao, nhưng hơn 4 tháng nuôi mới đạt được trọng lượng 100kg/con.

Đợt xuất bán vừa rồi, đàn heo 12 con mang về cho gia đình ông Chau Lập 36 triệu đồng lợi nhuận. Riêng đàn chim cút lớn nhanh, đẻ trứng sai cũng nhờ ăn trùn quế. Mỗi tháng, gia đình ông bán hàng trăm con cút thịt; còn hàng ngày, tiền bán trứng cút được 200-300.000 đồng.

Về trồng lúa, theo ông Chau Lập, trước đây, khi dùng hoàn toàn phân vô cơ thì năng suất đạt được từ 900kg đến 1 tấn lúa mỗi công, tốn chi phí chăm sóc từ 2,5 triệu đồng trở lên. Khi lúa được bón phân bã của trùn quế kết hợp với một ít phân hữu cơ thì mỗi công cho năng suất 1,2-1,3 tấn, trong khi chi phí đầu tư chưa tới 1 triệu đồng cho mỗi công.

Với giá bán lúa khá cao như hiện nay, thì 9 công đất của gia đình ông thu về lợi nhuận khá cao. Cách đây 2 tháng, ông còn bán ra thị trường 1.900 con cá chạch lấu, kiếm được số tiền hàng chục triệu đồng… Cộng các khoản thu nhập kể trên thì gia đình ông Chau Lập có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, con số mơ ước của khá nhiều hộ dân ở nông thôn.

Dù luôn đầu tắt mặt tối khi vừa làm 9 công ruộng và phải chăm sóc cùng lúc nhiều con vật nuôi, nhưng ông Chau Lập coi đây là niềm vui chứ không phải sự vất vả. Đơn giản vì sức lao động mà ông bỏ ra được đổi lại bằng những đồng tiền chân chính, hơn hết là cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, đủ đầy về vật chất.

Đang trò chuyện thì anh Nguyễn Ẩn, ngụ cùng ấp Thạnh Trung đến nhà ông Chau Lập để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Anh Ẩn làm thuê kiếm sống, nhưng rảnh rỗi lại ghé nhà để nghe ông Chau Lập chia sẻ kỹ thuật nuôi trùn quế, ủ thức ăn cho bò.

Vừa rồi, anh Ẩn mua của ông Chau Lập 100kg trùn quế về làm giống, cộng với 1 cặp bò hiện có, anh đang khởi động thực hiện mô hình khép kín tuần hoàn giống như bậc tiền bối cùng xóm.

Anh Ẩn chia sẻ: “Ông Chau Lập nuôi con gì cũng đạt hiệu quả cao; trồng lúa thì chi phí thấp, năng suất cao. Thấy hiệu quả nên tôi học hỏi, đang áp dụng bước đầu ở gia đình, nếu thành công sẽ làm với quy mô lớn hơn”.

Ngoài anh Ẩn, không ít hộ nông dân gần xa và có cả các đoàn cán bộ các cấp tìm đến nhà ông Chau Lập để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ai tới cũng được ông chia sẻ, hướng dẫn rất tận tình, vì ông nghĩ: “Nếu hướng dẫn không kỹ mà họ về làm không đạt hiệu quả thì cắn rứt lương tâm lắm”.

Ông Danh Sol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hỏa Lựu, cho biết: “Ông Chau Lập đã biết nỗ lực làm ăn để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt là mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn của gia đình ông đạt hiệu quả cao, đáng để học hỏi, nhân rộng”.

Hướng tới, ông Chau Lập dự tính sẽ mở rộng thêm mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn của gia đình mình. Lão nông 55 tuổi này quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, bằng sự cần cù, nỗ lực không ngừng nghỉ.

Qua trường hợp của ông Chau Lập để thấy, chỉ cần mỗi người chúng ta biết cần cù, chịu khó như lời Bác Hồ dạy thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao!

Bài, ảnh: THÙY LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>