Vườn ươm phụ nữ

17/08/2023 | 18:21 GMT+7

Đây là mô hình hiệu quả không chỉ ươm cây giống bán lấy lời mà từ đồng lời ấy, chị em còn giúp nhau nhiều trong cuộc sống.

“Vườn ươm phụ nữ” ấp Phương Lạc.

Hội LHPN huyện Phụng Hiệp đánh giá cao mô hình Vườn ươm phụ nữ ở xã Phương Bình khi hoạt động khoảng 1,5 năm nay đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bán cây giống bông trang lấy lời để giúp vốn cho phụ nữ nghèo và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.

Bà Đỗ Hoàng Diệu, Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin, địa phương có 8 ấp thì 8 chi hội phụ nữ đều có mô hình vườn ươm bông trang, nổi nhất có thể kể đến mô hình của chị em ở ấp Phương Lạc.

Quản lý mô hình này là bà Nguyễn Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Đến nhà bà sẽ thấy ngay một ô rộng lớn trước cửa chứa đầy cây giống bông trang. Từng cây giống nhỏ xếp gọn gàng bên nhau đang ra rễ, đâm chồi, sẵn sàng theo chủ nhân mới đến nhiều nơi để bén rễ, đơm hoa làm đẹp xóm làng.

Bà Loan kể, khoảng tháng 4-2021, Chi hội ra mắt mô hình này mang tên Ươm cây, khi thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, đổi tên thành Đổi rác thải nhựa lấy cây giống (bông trang), nay là Vườn ươm phụ nữ.

Nói cụ thể trong thực hiện đề án trên, Chi hội trưởng cho biết, khi chị em hoặc bà con nào ở xóm mang 3-4 chai nhựa qua sử dụng lại sẽ được đổi 1 cây giống, sau này mô hình phát triển hơn, chai nhựa không đáp ứng được hoạt động ươm - bán nên bà mua lon nhựa bên ngoài ươm cây.

Vườn ươm của chi hội phụ nữ này luôn có vài ngàn cây giống để sẵn bán. Luôn trong tư thế phục vụ như vậy, theo bà Loan, hễ bớt cây giống là gom 2-3 hội viên lại ủ phân, gom mầm về vô lon, thường 1 ngày là đầy ô cây giống, cứ như vậy làm tới.

Mỗi cây giống bông trang được bán với giá 3.000-5.000 đồng, đa số người dân đến tận nơi lấy, nếu cần có thể gửi đến tận chỗ mua và tiền vận chuyển bên mua trả. Đầu năm đến nay, đơn vị bán được khoảng 3.000 cây.

Như thông tin ban đầu, tiền bán bông trang sau khi trừ chi phí được chị em Chi hội phụ nữ ấp gom lại để xét tặng cho học sinh nghèo, đỡ đầu trẻ em khó khăn… Cụ thể, Chi hội tặng 200.000 đồng/em mồ côi, thiểu năng/tháng (tổng số 3 em); mua nhu yếu phẩm tặng học sinh nghèo. Trong trường hợp đột xuất, cần thiết sẽ tặng thêm các cảnh đời khốn khó…

Đầu năm đến nay, 8 chi hội phụ nữ ấp ở xã Phương Bình bán được 10.000 cây bông trang giống, số tiền thu được… lưu thông như phương thức trên. Hội LHPN xã cho biết, tháng 6 qua hỗ trợ 2 chị, mỗi chị 2 triệu đồng làm vốn nuôi trồng, đến nay mô hình phát triển tốt.

Chị Nguyễn Huỳnh Như, ở ấp Phương Quới, sau khi nhận hỗ trợ thì mướn đất và mua giống cà phổi về trồng, hiện vườn cà rất xanh tốt, đang cho trái chiếng. Đồng vốn tương tự được Hội hỗ trợ chị Nguyễn Thị Nhung, ở ấp Phương Quới B, nuôi gà vịt.

Chị Như bộc bạch: “Nhà tôi nghèo, chồng làm hồ nhưng cũng bệnh tới lui, có 2 con nhỏ đang học nên rất khó khăn. Sinh hoạt chi hội, được chị em hỗ trợ nhiều về kiến thức về giới và làm ăn. Tôi sử dụng 2 triệu đồng trên rất đúng mục đích và tích cực chăm sóc cà, mong trúng mùa trúng giá để cuộc sống đỡ hơn và để trả tiền lại cho Hội hỗ trợ chị khác”.

Mở rộng diện hỗ trợ, Hội LHPN xã đã nhận nuôi bé Nguyễn Thiên Kim mồ côi mẹ từ lúc sơ sinh đến 12 tháng tuổi, mỗi tháng 4 triệu đồng (1,5 triệu đồng từ bán giống bông trang trong toàn xã, còn lại vận động xã hội hóa), nay bé cứng cáp, được cha rước về nội…

Tính chung từ khi đi vào hoạt động đến nay, tiền lời của vườn ươm và vận động bên ngoài, Hội LHPN xã Phương Bình hỗ trợ gần trăm triệu đồng cho các hoàn cảnh. Bà Đỗ Hoàng Diệu bày tỏ: vườn không chỉ ươm cây giống mà ươm cả những ước mơ trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em khó khăn.

Vườn ươm bông trang không phải bắt đầu từ đây mà một xã khác trong huyện Phụng Hiệp, tuy nhiên, sau thời gian ra mắt thì hoạt động không nổi bật như ở Phương Bình; bởi tại đây, chị em rất nhiệt tình, chịu khó, đoàn kết, mô hình hoạt động mang tính an sinh. Cũng vì vậy mà các mô hình được Huyện hội đánh giá cao.

Bà Dương Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện, nhận xét, sự tích cực của chị em trong thực hiện vườn ươm ở xã Phương Bình đã có những tác động đa chiều về thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau, an sinh xã hội và từng cây giống ra đời đã, sẽ góp phần tô điểm quê hương thêm đẹp. Huyện hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, nhân rộng mô hình này và các mô hình tương tự. Đây là một trong những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào phụ nữ.

Bài, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>