Thiết thực chính sách chăm lo của tổ chức Công đoàn

20/07/2023 | 09:53 GMT+7

Những ngày đầu tháng 7 này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã triển khai, thực hiện xong việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động theo Quyết định số 6696 ngày 16/1/2023 của Tổng Liên đoàn.

Bà Trịnh Thị Kim Linh (bìa phải), Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động, thuộc LĐLĐ tỉnh, trao bảng tượng trưng cho đại diện Công ty TNHH Jia Zhi, với tổng số tiền hỗ trợ 930 triệu đồng.

Thông qua chính sách nhân văn này, đã góp phần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ công nhân lao động vượt qua thời điểm công việc gặp khó. Tuy số tiền hỗ trợ cho mỗi trường hợp thụ hưởng không nhiều nhưng tiếp tục cho thấy sự quan tâm chăm lo của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng thu nhập, tiền lương do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng thời gian qua. Qua đó, được toàn xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Bất ngờ khi nhận được khoản tiền hỗ trợ

Cách nay khoảng hơn 2 tuần, sau khi đọc tin nhắn trên điện thoại, chị Đinh Ngọc Sơn Ca, đoàn viên của Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Jia Zhi, ở Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, vừa mừng, vừa thắc mắc vì tài khoản ngân hàng của mình bỗng dưng được cộng thêm tiền. “Lúc đó, tôi nghe âm thanh ting ting quen thuộc. Tưởng tin nhắn rác nhưng mở điện thoại lên mới thấy số dư trong tài khoản tăng lên 1 triệu đồng”, chị Sơn Ca kể.

Chưa kịp hỏi đồng nghiệp thì nhóm zalo công đoàn thông tin số tiền đó là khoản hỗ trợ cho đoàn viên bị giảm giờ làm mà chị Sơn Ca đã được công đoàn cơ sở công ty hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị về trên xem xét trong quý I năm nay. Tương tự, chị Bùi Kim Nỵ, đoàn viên của Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Jia Zhi cũng bất ngờ với số tiền hỗ trợ này. Chị Kim Nỵ chia sẻ: “Nhận được tiền, chúng tôi mừng lắm. Số tiền trị giá không nhiều nhưng là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần rất lớn”.

Bởi theo chị Kim Nỵ, liên tiếp 3-4 tháng cuối năm 2022 và đầu năm nay, do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng nên không ít công nhân lao động công ty, trong đó có chị không được tăng ca, kéo theo thu nhập hàng tháng giảm đáng kể. “Những người có nhà trên địa bàn thành phố Vị Thanh như tôi còn đỡ, chứ nhiều trường hợp ở xa công ty phải lo thêm khoản chi phí thuê nhà trọ còn gặp khó khăn hơn. Qua việc quan tâm hỗ trợ lần này càng cho thấy lợi ích khi tham gia vào tổ chức Công đoàn”.

Chị Sơn Ca và Kim Nỵ là 2 trong số 930 đoàn viên, người lao động của Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Jia Zhi, thuộc các trường hợp bị giảm giờ làm do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Đây cũng là 1 trong tổng số 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được trao kinh phí hỗ trợ công nhân lao động thông qua chính sách nhân văn của tổ chức Công đoàn. Tính đến những ngày đầu tháng 7 này, Hậu Giang đã trao hỗ trợ xong với tổng số tiền 4,863 tỉ đồng từ nguồn kinh phí cấp bù của Tổng Liên đoàn.

LĐLĐ tỉnh thông tin, triển khai Quyết định số 6696 của Tổng Liên đoàn ban hành Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Qua triển khai, toàn tỉnh có 4.260 trường hợp ở 4 doanh nghiệp đều thuộc lĩnh vực gia công giày da được hỗ trợ theo quy định. Trong đó, có 3.652 trường hợp giảm thời gian làm việc, còn lại 608 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm với đoàn viên

Cũng theo LĐLĐ tỉnh, đến hết ngày 31-3-2023, Công đoàn tỉnh tiếp nhận hồ sơ của 4.260 người. Sau khi tiến hành thẩm định, tất cả hồ sơ đều đủ điều kiện và được duyệt để chi hỗ trợ 4.252 trường hợp là đoàn viên, chiếm 99,81% tổng số người được hỗ trợ theo quy định. Tuy là tỉnh có ít doanh nghiệp, với hơn 51.000 đoàn viên/56.000 công nhân, viên chức, lao động, nhưng Hậu Giang có số lượng lớn đoàn viên, người lao động được xét hỗ trợ so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Bà Trịnh Thị Kim Linh, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động, thuộc LĐLĐ tỉnh, cho rằng, dù hồ sơ hoàn thành trước ngày 31-3 năm nay, nhưng phải đến những ngày đầu tháng 7 này, việc trao hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng mới hoàn thành. Đó là do Hậu Giang có số doanh nghiệp, người lao động ít, kinh phí tích lũy trong hệ thống công đoàn dưới 15 tỉ đồng, nên nằm trong nhóm đề nghị Tổng Liên đoàn cấp bù kinh phí để hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

“Ngay sau khi có quyết định cấp kinh phí của Tổng Liên đoàn vào ngày 9-6 vừa qua, tỉnh tập trung hoàn thiện hồ sơ bàn giao số tiền hỗ trợ về cho các đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhanh chóng chuyển về các doanh nghiệp để trao cho đoàn viên, người lao động. Tuy có phần bị động, do chờ kinh phí cấp bù của trên, nhưng qua việc hỗ trợ lần này, đã khẳng định đây là chính sách rất nhân văn của tổ chức Công đoàn, được doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao”, bà Trịnh Thị Kim Linh nhấn mạnh.

Còn theo ông Kiều Văn Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, đây là sự hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh không ít doanh nghiệp gặp khó về sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều công nhân lao động chịu tác động tiêu cực do giảm việc làm, tiền lương, thu nhập. Chính sách hỗ trợ này, cũng khẳng định vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm dành nguồn lực chăm lo phù hợp của tổ chức Công đoàn, góp phần giúp đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh vượt qua thời điểm công việc gặp khó, ảnh hưởng thu nhập.

Việc hỗ trợ này còn cho thấy sự quan tâm, nhiệt tình hướng dẫn đoàn viên, người lao động thực hiện hồ sơ theo quy định và trách nhiệm với công nhân lao động tại doanh nghiệp mình từ các công đoàn cơ sở. Qua đây, nhằm tiếp tục nhắn gửi đoàn viên, người lao động cố gắng làm tốt nhiệm vụ, công việc để đạt năng suất cao hơn. Từ đó, không chỉ góp phần đồng hành cùng sự phát triển chung của doanh nghiệp mà còn giúp thu nhập ổn định, mối quan hệ lao động thêm hài hòa, tốt đẹp trong thời gian tới...

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>