Thiết thực chăm lo đời sống hội viên

07/04/2023 | 09:09 GMT+7

Thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành ngày càng nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội đối với chị em thông qua việc tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống hội viên phụ nữ.

Hội LHPN huyện Châu Thành tổ chức về nguồn nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước.

Trong đó, Hội LHPN xã Đông Phước đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Phước, cho biết, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trao vốn khởi nghiệp cho 6 chị, với số tiền 330 triệu đồng; tạo sinh kế cho 7 chị bằng cách hỗ trợ mua cây mít giống và con giống vịt, ếch với số tiền 11 triệu đồng.

Ngoài ra, hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 2 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 52 hội viên phụ nữ; vận động, giới thiệu đào tạo nghề may cho 30 chị; giới thiệu việc làm cho 25 chị. “Nhiều hội viên phụ nữ biết tận dụng sự hỗ trợ từ tổ chức hội để tăng gia sản xuất, chịu khó làm ăn nhằm cải thiện đời sống. Qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực của tổ chức hội, đã giúp 9 chị thoát hộ nghèo và 12 chị thoát cận nghèo”, bà Cúc cho biết thêm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước, có ít đất canh tác. Cuộc sống khó khăn nên chị đi làm công nhân để có thêm thu nhập. Nghe thông tin heo rừng dễ nuôi, đầu ra trên thị trường khá ổn định nên chị Oanh và chồng quyết định chuyển đổi một phần diện tích trồng cam của gia đình để xây chuồng nuôi. Khởi đầu, vợ chồng chị mua 1 cặp giống về nuôi, khi chúng đẻ con thì giữ lại heo con nuôi bán thịt.

Bán lứa đầu tiên, vợ chồng chị thu về lợi nhuận 20 triệu đồng. Thấy vợ chồng chị Oanh chí thú làm ăn và có mô hình mang lại hiệu quả bước đầu, nên Hội LHPN xã Đông Phước tạo điều kiện cho vay số vốn 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng chăn nuôi. Tận dụng nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình chị Oanh mua thêm cua đinh, gà, vịt về nuôi.

Hiện, chị Oanh đã nghỉ làm công nhân, ở nhà cùng chồng lo phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chí thú làm ăn nên cuộc sống gia đình chị đã tốt hơn trước, nuôi 2 đứa con học cấp 3. “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn quan tâm hỗ trợ cho hội viên được tiếp cận vốn vay, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, giúp nhiều chị em cải thiện cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Oanh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho hay, thời gian qua, Huyện hội cùng các cơ sở hội triển khai thực hiện mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” nhằm hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ thực hiện các mô hình chăn nuôi lươn, ốc, ếch, ba ba, heo rừng; mua bán nhỏ, bán vé số... Kết quả, hỗ trợ được 47 chị với số tiền gần 300 triệu đồng, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình cũng như động lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 53 chị vay với số tiền trên 2,5 tỉ đồng để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rà soát hướng dẫn thủ tục hỗ trợ thực hiện nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các sản phẩm đạt OCOP như: bánh tráng mít, bánh phồng mít, cá da trơn tẩm vị các loại.

Chưa kể, trong năm 2022, các cấp hội còn giới thiệu 450 chị đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho 246 chị được học nghề. Nhất là vận động khởi công và bàn giao 22 căn mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo… “Mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” đã được các cấp hội triển khai, thực hiện hiệu quả nhằm phát huy nội lực hỗ trợ về sinh kế, giúp nhiều chị em thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình”, bà Nguyễn Thị Cẩm Chân thông tin.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, các cấp hội trên địa bàn huyện còn hỗ trợ cho 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, bằng nhiều hình thức như vốn, cây giống, kiến thức, giới thiệu việc làm, ngày công lao động, tặng quà, kinh nghiệm sản xuất. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của tổ chức hội đã giúp 112 chị thoát nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được các cấp hội LHPN trên địa bàn huyện triển khai thực hiện tốt.

Theo đó, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội tăng cường tuyên truyền nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp bằng nhiều hình thức. Cụ thể là treo băng rôn trên các tuyến đường chính và trụ sở cơ quan từ huyện đến cơ sở; tổ chức tập huấn, lồng ghép tuyên truyền trong các hội thảo, hội thi, hái hoa dân chủ, đố vui có thưởng; tuyên truyền thông qua họp tổ, nhóm, câu lạc bộ, sinh hoạt lệ hàng tháng, mạng xã hội zalo, facebook…

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền được 176 cuộc, có hơn 3.500 lượt hội viên phụ nữ tham dự. Vào các ngày lễ lớn hàng năm, các cấp hội trong huyện còn tổ chức hoạt động về nguồn tại khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương - Côn Đảo… Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ hội, hội viên phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân cho rằng, có được kết quả kể trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Hội LHPN tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, sự hỗ trợ của UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Đặc biệt là sự đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ từ Huyện hội đến các cơ sở hội đã được duy trì và phát huy. Qua đó, các hoạt động phong trào mang lại hiệu quả cao. Đây chính là nền tảng vững chắc để các cấp hội trên địa bàn huyện thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>