Sáng chế thiết bị phòng, chống dịch Covid-19

25/08/2021 | 10:25 GMT+7

“Thiết bị sát khuẩn thông minh” do dược sĩ Trần Ngọc Phượng, đoàn viên Công đoàn cơ sở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang, thực hiện từ năm 2020 và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Sản phẩm dạng để bàn được đặt tại chốt kiểm soát dịch.

Sáng chế hữu ích đối với cộng đồng

Qua hiệu quả tích cực ngoài mong đợi, chị Phượng cũng như Ban Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh nhận thấy trách nhiệm của mình đối với cộng đồng là rất lớn vì phải hoàn thiện sản phẩm, đưa vào sản xuất với số lượng nhiều để phục vụ nhu cầu của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước mắt là lắp đặt thiết bị tại cửa các phòng bệnh của bệnh viện để kiểm soát nhiễm khuẩn nơi đây.

Đồng thời, thiết bị giúp tránh nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong bệnh viện để người bệnh, thân nhân người bệnh sát khuẩn khi ra vào phòng bệnh. Thực tế, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện luôn là nỗi lo của người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên y tế. Bởi khi bị lây nhiễm chéo thì rất nguy hiểm, còn việc điều trị sẽ khó khăn, kéo dài hơn.

Dược sĩ Phượng cho biết, những sản phẩm đầu tiên được tạo ra ngay cả nhân viên của bệnh viện cũng chưa hiểu hết được tính năng, tác dụng của sản phẩm, mặc dù nhóm nghiên cứu của chị đã đầu tư vào đó rất nhiều trí lực. Vì thế, sau khi được cung cấp thông tin cũng như giới thiệu về sản phẩm và trực tiếp sử dụng thì ai nấy cũng đều phấn khởi.

Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng bệnh viện thấy được hiệu quả thiết thực mà sản phẩm mang lại trong công tác chuyên môn, kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19. Khi mà việc sát khuẩn tay chưa bao giờ được tiến hành nhanh, an toàn và hiệu quả đến như vậy. Còn với người bệnh và thân nhân người bệnh, ban đầu có phần e dè không dám sử dụng do thấy thiết bị mới lạ.

Thế nhưng, qua việc giới thiệu về thiết bị có tính năng cảm biến tiệm cận, dễ sử dụng và phát huy hiệu quả sát khuẩn tay tối ưu nhất mà không cần chạm vào bất cứ bộ phận nào trong suốt quá trình sát khuẩn sẽ tránh được vấn đề lây nhiễm giữa người bệnh với người khỏe mạnh; an toàn hơn cả khi dùng chung các chai dung dịch sát khuẩn hoặc các thiết bị cần phải có thao tác nhấn nút.

Bên cạnh đó, thiết bị sử dụng được dung dịch sát khuẩn do Khoa Dược của bệnh viện pha chế theo công thức của Bộ Y tế, còn có thêm chất giữ ẩm bảo vệ da tay không bị khô cho dù sát khuẩn nhiều lần trong ngày… Vì vậy, bệnh nhân không còn e ngại nên thường xuyên thực hiện và giới thiệu, nhắc nhở người thân khi đến, trước khi ra về sát khuẩn tay để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.

Sử dụng rộng rãi trong và ngoài tỉnh

Lúc mới ra đời, thiết bị có hình dáng nhỏ gọn, với các vật liệu đơn giản, dễ tìm mua trên thị trường. Cụ thể như ống chứa thiết bị bằng nhựa, thiết bị cảm biến, béc phun sương, đèn led, máy bơm chìm, bộ chuyển đổi nguồn AC—>DC (Adapter 12V, có thể dùng pin để thay thế nếu thiết bị cần di động), cột hiển thị mực nước... Mỗi sản phẩm có chi phí khoảng 1 triệu đồng.

Sau thời gian cải tiến, thiết bị có thể dùng điện trực tiếp, dùng pin hoặc bình sạc; loại treo tường, để bàn và cả dạng nhỏ gọn đặt trên xe tiêm, giúp đội ngũ y, bác sĩ dễ dàng vệ sinh dụng cụ y tế cần thiết... Ngoài ra, sản phẩm còn sản xuất theo yêu cầu của đơn vị sử dụng nếu thấy hợp lý để cùng phát triển sản phẩm hoặc hỗ trợ theo hình thức trao tặng miễn phí.

Hiện “Thiết bị sát khuẩn thông minh” được nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh sử dụng như một sản phẩm không thể thiếu trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, điểm tập trung đông người. Theo chị Phượng, qua việc đưa ra thị trường hơn 4.000 sản phẩm phục vụ cộng đồng đã mang lại giá trị làm lợi cho đơn vị khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Cũng theo dược sĩ Phượng, thời gian tới, chị và cộng sự của mình sẽ tiếp tục cho ra những sản phẩm mang tên “Thiết bị sát khuẩn thông minh” phục vụ cộng đồng. Bởi tất cả đều mong muốn góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh lây nhiễm liên quan đến vệ sinh nói chung, vệ sinh tay nói riêng; giúp mọi người bảo vệ sức khỏe, có cuộc sống an toàn, làm việc hiệu quả.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, “Thiết bị sát khuẩn thông minh” của dược sĩ Trần Ngọc Phượng là một trong hơn 10.000 bài đăng ký tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đến nay, chị Phượng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chưa kể là trước đó, với những thành tích trong quá trình công tác, chị Phượng còn được chọn là gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020.

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>