Phát huy hiệu quả chuyển đổi cây trồng trong hội viên, nông dân

16/10/2023 | 18:16 GMT+7

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Vị Thủy quan tâm phối hợp với ngành chuyên môn vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. 

Mô hình trồng xoài xen sầu riêng, măng cụt của anh Ngô Phúc Nguyên bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Cụ thể, Hội Nông dân huyện chủ động phối với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm để tuyên truyền, vận động, phổ biến thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật đến với hội viên, nông dân. Nhờ vậy, đã mang lại nhiều kết quả tích cực, với hơn 250ha vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đáng ghi nhận là lan tỏa từ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện, đã có hơn 200 mô hình tiêu biểu, đại diện cho hơn 1.000 mô hình kinh tế cho thu nhập cao trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân từ kinh tế vườn. Điển hình như hộ anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 10, xã Vị Trung, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt ngập úng bởi mưa bão kết hợp triều cường năm ngoái khiến vườn cây chết gần hết.

Vì thế, sau khi được tuyên truyền, vận động từ cán bộ Hội Nông dân, anh mạnh dạn cải tạo mảnh vườn của gia đình, với quyết tâm làm lại từ đầu bằng cách chuyển sang trồng dừa, bởi loại cây này chịu nước tốt, mà giá dừa trái trên thị trường cũng khá ổn định. Anh Vũ kể, đợt triều cường kết hợp mưa bão gây ngập úng kéo dài năm rồi làm chết gần hết vườn bưởi da xanh của gia đình anh.

Trong thời gian chuyển 3,5 công đất vườn sang trồng dừa, anh tham gia các lớp tập huấn của HND xã, tiếp cận kiến thức mới, học hỏi các phương pháp trồng và chăm sóc loại cây trồng mới này nhằm mang lại hiệu quả cao. Ngoài trồng dừa, anh còn trồng xen khoai mì, khoai ngọt, ổi nữ hoàng... để lấy ngắn nuôi dài.

Chưa kể, anh cũng bắt đầu nuôi thêm cá tai tượng và sặc rằn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. “Trước mắt, dừa vẫn chưa ra trái, chỉ có thu nhập từ cây ngắn ngày khoảng 20 triệu đồng. Dự kiến cuối năm, khi thu hoạch ổi thì lợi nhuận tăng thêm khoảng 25 triệu đồng”, anh Lê Hoàng Vũ chia sẻ.

Tương tự, hộ anh Ngô Phúc Nguyên, ở ấp 12, xã Vị Thắng, cũng là một trong những trường hợp chuyển đổi cây trồng hiệu quả bước đầu tại địa phương. Theo anh Nguyên, từ ngày cải tạo lại diện tích vườn cây kém hiệu quả, anh được sự quan tâm hướng dẫn của Hội Nông dân xã về kỹ thuật, phương pháp chăm sóc các cây trồng có giá trị kinh tế cao và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Bởi trước đây, gia đình anh Nguyên trồng cam, quýt đường thu hoạch được 1, 2 vụ và thu về khoảng hơn chục triệu thì cây bị vàng lá. Đáng nói là năm rồi, thời tiết mưa bão, kết hợp triều cường gây ngập úng kéo dài khiến cây trong vườn ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, anh quyết định chuyển đổi 10 công đất vườn sang trồng xoài xen với sầu riêng, măng cụt, kết hợp thả ốc bưu, rồi đem bán cho các tiểu thương ở chợ Vị Thủy nên bước đầu cũng có nguồn thu nhập đáng kể.

“Cũng nhờ hướng dẫn, hỗ trợ từ địa phương trong việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả phấn khởi bước đầu. Thời gian tới, tôi sẽ từng bước chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ để bảo vệ môi trường, cũng như giúp mảnh vườn phát triển lâu dài, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, anh Ngô Phúc Nguyên bày tỏ.

Thông tin từ Hội Nông dân huyện, trong nhiệm kỳ 2018-2023, hội nông dân các cấp trong huyện đã mở hơn 700 lớp tập huấn, hội thảo với hơn 24.500 lượt hội viên, nông dân tham dự. Thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc lồng ghép cùng các chương trình, kế hoạch liên tịch với các ngành có liên quan, bình quân hàng năm, Hội Nông dân huyện tổ chức ít nhất 140 lớp tập huấn, hội thảo cho hội viên, nông dân được tiếp cận, cập nhật thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật canh tác cây trồng, chăn nuôi hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thời gian qua, đơn vị chủ động phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như tạo sinh kế giúp hội viên, nông dân trên địa bàn thoát nghèo từ “mảnh vườn, thửa ruộng” của gia đình. Đồng thời, phát huy tốt nguồn lực về vốn, tiềm năng đất đai và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác.

Minh chứng cho điều đó, ông Lê Văn Phúc cho biết trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian qua, đã và đang hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hội viên, nông dân.

“Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bởi đây cũng là giải pháp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương”, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>