Khi phụ nữ khởi nghiệp

08/03/2023 | 18:47 GMT+7

Bài 3: Thêm những gam màu sáng

Cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hậu Giang tổ chức sơ kết đánh giá lại chặng đường 5 năm (2017-2021) thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025. Qua hơn nửa chặng đường thực hiện Đề án, đến nay phong trào Phụ nữ khởi nghiệp của Hậu Giang đã có nhiều điểm sáng. Vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cũng ngày càng ghi dấu ấn đậm nét hơn.

Phụ nữ ngày nay đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế gia đình.

Hiệu quả từ Đề án 939

Với mục đích nâng cao cơ hội và tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò của mình trong sản xuất kinh doanh, hàng năm, Hội LHPN tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp hội phối hợp các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về thành lập doanh nghiệp do nữ quản lý; phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… tuyên truyền rộng rãi những gương điển hình phụ nữ trên lĩnh vực tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Chúng tôi tập trung chủ yếu cho hoạt động tuyên truyền, truyền thông về khởi nghiệp, qua đó nhằm giúp người phụ nữ mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội còn liên kết phối hợp các ngành hỗ trợ các nguồn vốn giúp chị em có điều kiện tự tin hơn trong hoạt động khởi nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm để các chị có thêm niềm tin trong hoạt động cũng như mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Thông qua cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp chị em được học hỏi, chia sẻ lẫn nhau và kết nối để có thể đưa sản phẩm, ý tưởng của mình thành hiện thực”.

Những ngày qua, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động gắn với khởi nghiệp của phụ nữ như: tọa đàm, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ… Nổi bật Hội đã tổ chức thành công Cuộc thi khởi nghiệp của Phụ nữ Hậu Giang năm 2023 với chủ đề “Đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ Hậu Giang”.

Cuộc thi được phát động trong toàn tỉnh nhằm tìm kiếm các ý tưởng, đề xuất, hiến kế xây dựng các mô hình sinh kế và dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Thành công lớn nhất qua cuộc thi là đã tạo động lực và khích lệ chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp.

Từ thuở bé, bà Lê Trường Hận, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy đã thông thạo nghề làm mắm cá đồng các loại do được ngoại và mẹ truyền nghề. Nhưng mãi đến năm 2014, nhận thấy nhiều người ưa chuộng mắm do chính tay mình làm nên bà mới nảy ra ý định làm mắm bán. Sau nhiều năm lượng khách hàng tăng, cộng với sự động viên, hỗ trợ từ Hội LHPN xã, năm 2023 này bà mạnh dạn tham gia Cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh hội tổ chức với mô hình “Mắm cá lóc - món quà của miền Tây”.

Theo bà Hận, nhờ Hội LHPN tỉnh động viên, khuyến khích nên bà mới mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh mặt hàng mắm truyền thống của gia đình. Từ 3 năm nay, việc làm ăn ngày càng thuận lợi, sản phẩm mắm làm ra không đủ bán và luôn được người mua khen ngợi nên bà quyết định phát triển kinh doanh lớn hơn. Biết được nguyện vọng đó, Hội LHPN xã tích cực quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà tham gia cuộc thi khởi nghiệp để có thêm nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm. Mặt khác, Hội cũng đang hỗ trợ cho bà về các quy trình, thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP”.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức và tham gia 3 cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh với 154 ý tưởng tham dự và lựa chọn trao 20 giải, hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng với số tiền 100 triệu đồng. Hội giới thiệu 45 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ tham gia cuộc thi khởi nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, kết quả năm 2020 có 1 ý tưởng đạt giải nhì, năm 2021 có 1 ý tưởng đạt giải nhì và 1 ý tưởng đạt giải ba. Giới thiệu 37 ý tưởng tham gia Cuộc thi khởi nghiệp cấp Trung ương, có 3 ý tưởng vào vòng chung khảo trong đó có 1 ý tưởng đạt giải “Vì cộng đồng”.

“Sau 5 năm thực hiện Đề án 939, hầu hết các mục tiêu đề ra của Đề án đề ra đều đạt và vượt. Trong đó, mục tiêu hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn, kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đạt 151%. Hội đã hỗ trợ thành lập 9 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đạt 180%; 75 tổ hợp tác, tổ liên kết của phụ nữ đạt 125%. Có 17 chủ thể được chứng nhận OCOP, 30 sản phẩm được hội phối hợp hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử và trên 100 chị được tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Từ đó, tạo được sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tỉnh nhà, Hội đạt được mục tiêu giúp phụ nữ tự tin hơn trong kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.

Khó khăn và giải pháp

Theo Hội LHPN tỉnh, hiện nay do môi trường khởi nghiệp cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khá khó khăn, nhất là hoạt động thương mại, dịch vụ chưa phát triển mạnh như các nơi khác, đã tác động đến hoạt động khởi nghiệp của chị em.

Bên cạnh đó, đa phần chị em còn tâm lý khá rụt rè, thiếu tự tin, chưa mạnh dạn khởi nghiệp, mặc dù có ý tưởng khả thi nhưng hoạt động lựa chọn, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp chưa có sức lan tỏa. Mặt khác, vấn đề vốn hỗ trợ chị em xây dựng các mô hình, dự án khởi nghiệp hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện phát triển các ý tưởng, dự án… là nguyên nhân khiến cho các chị em chưa mạnh dạn khởi nghiệp.

Ngoài ra, trình độ nhận thức, kiến thức, kỹ năng của chị em phụ nữ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghệ số cũng là rào cản lớn cho việc trong hoạt động khởi nghiệp.

Từ những khó khăn trên, bước sang giai đoạn mới, Hội LHPN tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 939 giai đoạn 2022-2025. Trong đó, Hội tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong xã hội, gia đình và hội viên phụ nữ về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tham mưu tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng ý tưởng, tổ chức hội nghị vinh danh khen thưởng, kết nối tìm kiếm nhà đầu tư…

“Thời gian tới, Hội xác định sẽ phối hợp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thực hiện tốt công tác đối thoại, nhất là đối thoại về chính sách để làm sao có thể có những chính sách tốt nhất để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Tổ chức các hoạt động kết nối vận động các nguồn lực để chị em tiếp cận vốn khởi nghiệp thông qua hoạt động của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, các nguồn vốn của các ngân hàng. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp lựa chọn các đề án dự án để tham gia với tỉnh, Trung ương, qua đó mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp chị em mạnh dạn hơn trong thực hiện ý tưởng của mình” Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ.

Có thể thấy rằng, hiệu quả từ Đề án 939 đem lại đã tạo tiền đề, động lực giúp cho chị em phụ nữ có thêm cơ hội để khẳng định mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù con đường khởi nghiệp đầy những khó khăn, thách thức nhưng với ý chí nhẫn nại, sự đảm đang và nhiệt huyết của bản thân cộng với sự động viên, hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt của hội LHPN các cấp, nhiều hội viên phụ nữ đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp làm giàu cho gia đình và xã hội. Đây là cơ hội để chị em phát huy vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>