Khi phụ nữ khởi nghiệp

08/03/2023 | 08:00 GMT+7

Bài 2: Bền vững và lan tỏa

Không những hiện thực hóa thành công những ý tưởng khởi nghiệp thành những mô hình làm kinh tế cá thể cho thu nhập cao mà hiện nay nhiều mô hình khởi nghiệp của phụ nữ đã nâng chất thành hợp tác xã, tổ hợp tác, những doanh nghiệp tư nhân hoạt động rất chuyên nghiệp, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Nhờ bà Mười (bên trái) tạo việc làm ổn định nên cuộc sống bà Tuyết bớt khó khăn hơn.

Thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939), từ năm 2017 đến nay, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã tích cực hỗ trợ nhiều chị em hội viên phụ nữ thực hiện thành công các mô hình khởi nghiệp tạo được tiếng vang trong tỉnh. Sau vài năm khởi nghiệp, hầu hết các mô hình ngày càng lớn mạnh và hoạt động chuyên nghiệp, có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Định hướng phát triển bền vững

Được dịp trở lại nhà bà Bùi Thị Loan sau gần 5 năm kể từ ngày bà đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, chúng tôi vô cùng vui mừng vì mới ngày 1-3 vừa rồi, bà Loan được các thành viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã mỹ nghệ Nhựt Linh, ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.

Bà Loan (bên phải) luôn tận tình chỉ dẫn giúp Linh có được cái nghề lo cho bản thân sau này.

Ngày đầu khởi nghiệp chỉ với mong muốn kiếm thêm chút thu nhập lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề đan đát lục bình, giờ đây bà đã là chủ một hợp tác xã với 7 thành viên có nguồn vốn điều lệ 1,2 tỉ đồng.

“Năm 2018, được Hội LHPN thị trấn và huyện động viên, hỗ trợ tôi mạnh dạn tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Tỉnh hội tổ chức. Lần đó may mắn đạt giải nên tôi được nhiều người biết đến và từ đó việc làm ăn ngày càng thuận lợi hơn. Thành công từ cuộc thi tiếp thêm động lực để tôi duy trì và phát triển nghề đan đát của mình lớn mạnh hơn như hôm nay”, bà Loan bộc bạch.

Sau cuộc thi, bà Loan được các cấp hội và chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ nâng cấp tổ đan đát hộ gia đình thành Tổ hợp tác đan đát lục bình Nhựt Linh, với 20 thành viên vào năm 2020. Thời điểm đó, ngoài các thành viên chính thức của tổ, bà Loan còn kết nối thêm nhiều chị em cần việc làm lúc nhàn rỗi trong và ngoài địa bàn để nhận hàng về làm tại nhà. Bên cạnh đó, bà được Hội LHPN các cấp tạo điều kiện tiếp cận vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cất 2 nhà xưởng chứa nguyên liệu và sản phẩm làm ra. Hiện tại, Tổ hợp tác đã được nâng thành Hợp tác xã (HTX) và thu hút trên 100 thợ đan lành nghề ở khắp địa bàn huyện và các huyện lân cận.

“Ngoài gia công sản phẩm, công ty chúng tôi đang hướng tới thực hiện một số sản phẩm đặc trưng riêng của HTX để hoạt động bền vững hơn sau này. Hiện HTX cũng có 3 sản phẩm đang trong quá trình làm thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh”, bà Loan cho biết.

Thời gian qua, bà Loan cũng hợp đồng với một số trường đại học, cao đẳng giảng dạy các môn học trải nghiệm cho học sinh, sinh viên các trường về nghề thủ công này. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm bà Loan đều đón tiếp các đoàn sinh viên, học sinh đến tham quan. 

Theo bà Loan, nhằm góp phần cùng địa phương thực hiện Nghị quyết 4 trụ cột của tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; thực hiện nhiệm vụ đột phá của Tỉnh hội trong nhiệm kỳ về đẩy mạnh phong trào phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, HTX có kế hoạch đầu tư thêm nơi trưng bày sản phẩm để mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm. Du khách đến tham quan hợp tác xã sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các sản phẩm đan đát đẹp mắt từ lục bình, được trải nghiệm làm theo và có thể mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Hiện tại, bước đầu HTX đã liên kết với một số trường từ đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề và các trường phổ thông đưa học sinh, sinh viên về tham quan, học tập nghề đan đát thủ công truyền thống này.

Truyền cảm hứng giúp phụ nữ vượt khó

Qua nhiều năm làm nghề, bà Loan nhận thấy công việc này rất dễ học và không đòi hỏi nhiều sức lao động, tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi của chị em nên rất phù hợp với lao động nông thôn, nhất là chị em ngoài độ tuổi lao động của các công ty. Đối với lao động lành nghề, bình quân mỗi tháng thu nhập đạt từ trên 4 triệu đồng/tháng. Đây còn là công việc góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho rất nhiều chị em phụ nữ trong tổ đan đát của bà thời gian qua. Do đó, gần đây bà cũng chủ động đi đến những địa bàn nông thôn xa để vận động các chị em còn nhàn rỗi học nghề với mong muốn giúp các chị em phụ nữ có việc làm ổn định để tăng thu nhập. 

“Để đáp ứng đủ điều kiện đứng lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho học viên, tôi đã học qua khóa đào tạo và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trình độ sơ cấp. Hiện tại, HTX cũng đang phối hợp cùng hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn. Dự kiến, chúng tôi sẽ tuyển thêm khoảng 100 lao động nhận làm gia công tại nhà để đảm bảo nhu cầu đơn hàng của công ty giao xuống ngày càng nhiều như hiện nay”, bà Loan chia sẻ.

Từ giữa năm 2022 đến nay, bà Loan đã đào tạo nghề thành công cho trường hợp khá đặc biệt đó là em Huỳnh Thị Trúc Linh, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, bị câm điếc bẩm sinh.

Theo bà Loan, ban đầu khi gia đình dẫn Linh đến xin học nghề và làm việc cho HTX, bà còn ngần ngại do việc dạy nghề cho em sẽ rất khó khăn so với những người khác. Tuy nhiên, với mong muốn giúp Linh có thêm tự tin trong cuộc sống, bà Loan  đã tận tình chỉ dẫn để đến hôm nay em đã thạo nghề và tự làm ra thu nhập cho bản thân.

“Do điều kiện cháu khó khăn nên tôi lo luôn việc ăn uống tại chỗ trong ngày làm việc. Muốn cháu vượt qua mặc cảm bản thân để có tương lai tốt hơn sau này, tôi cố gắng dành nhiều thời gian để học cách giao tiếp, tận tình hướng dẫn cháu học nghề. Sau vài tháng nỗ lực của cả hai, đến nay Linh đã làm được việc. Giờ đây, bình quân mỗi tháng cháu cũng kiếm được gần 2 triệu đồng từ nghề này. Có được việc làm ổn định, tinh thần cháu cũng vui tươi, phấn khởi hơn”, bà Loan chia sẻ.

Nhiều năm qua, người dân ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ đã ngoài 50 với đôi chân khiếm khuyết, hàng ngày tự điều kiển xe đi gom hàng, giao khung, giao lục bình cho các chị em tổ viên có điều kiện gắn bó với Tổ đan đát lục bình do bà quản lý. Đó là bà Nguyễn Thị Mười, người phụ nữ đầy nghị lực đã vượt khó khăn để khởi nghiệp thành công. Còn nhớ năm 2021, bà Mười đã có dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đạt giải thưởng “Vì cộng đồng”.

Chính hình ảnh đầy nghị lực và sự thành công từ việc khởi nghiệp của bà Mười đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp có thêm cơ hội, động lực để vươn lên vượt khó.

Không may mắn như người khác, gia đình bà Nguyễn Trần Xuân Tuyết, ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh không có đất đai sản xuất, việc làm không ổn định lại thêm con trai bị mắc bệnh hiểm nghèo. Khó khăn cứ chồng chất nên cuộc sống gia đình bà Tuyết có khi cũng rơi vào bế tắc. Nhưng nhờ Tổ đan đát lục bình của bà Mười đã tạo điều kiện cho bà Tuyết có cơ hội vừa chăm con vừa kiếm tiền lo cho gia đình.

“Con tôi mắc bệnh Down nên 13 năm qua tôi phải cận kề chăm sóc con từng miếng ăn, giấc ngủ. Cũng nhờ cô Mười dạy cho nghề đan và tới tận nhà giao nguyên liệu, gom hàng về nên tôi mới có được công việc ổn định. Vừa chăm con vừa làm, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng. Nếu không có tổ đan của cô Mười thì chắc tôi cũng không làm ra tiền được”, bà Tuyết bộc bạch.

Còn bà Phùng Thị Phỉ, ở cùng ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh năm nay cũng đã 65 tuổi nhưng vẫn còn gắn bó với Tổ đan đát lục bình của bà Mười mặc cho nhiều lần con cháu khuyên bà nên ngơi nghỉ vì tuổi cao. Bà Phỉ chia sẻ: “Mười nó không được như người ta mà còn nỗ lực làm chủ một cơ sở đan đát. Tôi còn sức khỏe thì cớ gì phải nghỉ làm để làm gánh nặng cho con. Mỗi ngày sau khi làm xong việc nhà, rảnh rỗi tôi đem hàng ra đan. Tính ra mỗi ngày cũng kiếm được từ vài chục đến 100.000 đồng, đủ lo một số khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình”.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành, thực hiện Đề án 939, Hội triển khai đến khắp các cơ sở hội tăng cường tiếp cận, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho các hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Một khi chị em nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp hội sẽ tiếp cận hỗ trợ các chị viết nên ý tưởng cụ thể, hoàn hảo hơn để khởi nghiệp đạt hiệu quả. Đồng thời, Hội còn tìm hiểu thêm nhu cầu các chị để hỗ trợ thêm vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra sản phẩm… Bình quân mỗi năm các cấp hội trên địa bàn hỗ trợ giúp khoảng 20 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Thành công của mô hình khởi nghiệp không những nâng cao đời sống gia đình hội viên mà còn góp phần đáng kể cho kinh tế địa phương phát triển, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: MỸ AN

---------------------

Bài 3: Thêm những gam màu sáng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>