Khi phụ nữ khởi nghiệp

06/03/2023 | 18:53 GMT+7

Giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, các thế hệ phụ nữ ở Hậu Giang vẫn luôn tỏa sáng, luôn khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và trong xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Hậu Giang tiếp tục tự tin khẳng định, nâng cao vai trò của mình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua phong trào Phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Bài 1: Chật vật và thành công

Sau 5 năm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hậu Giang thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939), hiện nay phong trào Phụ nữ khởi nghiệp đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà. Nhiều cô, nhiều chị đã đi lên từ con số 0 để vững vàng trở thành những trụ cột kinh tế của gia đình.

Sau 5 năm khởi nghiệp, bà Nguyệt đã sở hữu 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Gian nan khởi sự

Hiện nay, nhiều du khách khi đến thành phố Vị Thanh thường hay ghé thăm Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Ánh Nguyệt và mang về những hộp trà mãng cầu thơm ngon đạt chuẩn OCOP 3 sao, được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương qua đôi tay khéo léo, cần cù của bà Nguyễn Ánh Nguyệt, hội viên phụ nữ khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh.

Để góp phần tạo ra một sản phẩm đặc trưng của địa phương làm cho nhiều người nhớ đến như hôm nay, bà Nguyệt đã trải qua giai đoạn đầy gian nan của những ngày đầu khởi nghiệp ở độ tuổi gần 60.

Năm 2018, gia đình bà Nguyệt đang sở hữu 15 công vườn mãng cầu xiêm cho trái. Thời điểm đó, giá bán trái mãng cầu chín bấp bênh, khó tìm đầu ra. Để giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình, bà Nguyệt đã nảy sinh ý định làm trà mãng cầu từ trái mãng cầu… già rọi. Tuy nhiên, để cho ra một sản phẩm trà hoàn hảo về chất lượng lẫn hình thức và có chỗ đứng vững trên thị trường đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức của bà Nguyệt.

“Những lần đầu thử nghiệm do chưa biết cách sơ chế nên sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, cũng nhiều lần tôi phải đem trà đổ bỏ. Khi tôi có điều kiện được đến học tập mô hình trồng và sản xuất trà ở huyện Long Mỹ, được tìm hiểu kỹ hơn về quy trình chế biến trà nên tôi đã rút kinh nghiệm cho bản thân để làm trà thành công”, bà Nguyệt chia sẻ.

Theo bà Nguyệt, dù nhiều năm trôi qua nhưng bà vẫn nhớ rõ cái cảm giác vui sướng khi mà những mẻ trà đầu tiên sơ chế thành công được nhiều người đón nhận. Để chắc chắn là sản phẩm mình làm ra phù hợp với thị hiếu nhiều người, ngay thời gian đầu bà không bán sản phẩm mà chỉ chia ra từng túi nhỏ gửi cho người thân, bạn bè dùng thử để góp ý. Từ những ý kiến khen, chê của người dùng bà từng bước cải tiến chất lượng sản phẩm sao cho hoàn hảo nhất.

Đến khi trà nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của mọi người bà mới mạnh dạn làm thêm để khởi sự kinh doanh. Vì đây là sản phẩm mới lạ, chưa ai biết đến nên việc bán ra thị trường rất khó khăn. Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm bà Nguyệt đem trà ký gửi cho các tiệm tạp hóa, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Để “chắc ăn” hơn, bà còn tặng trà cho các chủ tiệm để dùng thử trước khi giới thiệu cho người mua.

Sau khoảng thời gian 1 năm trải nghiệm, nghiên cứu cho ra sản phẩm và chào hàng thành công thì đến năm 2019, sản phẩm trà mãng cầu của bà Nguyệt bắt đầu được người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Tuy nhiên, muốn có chỗ đứng trên thị trường thì bà Nguyệt phải cất công hoàn thành các thủ tục “khai sinh” cho sản phẩm và thành lập cơ sở.

“Khi sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt tôi bắt đầu đem sản phẩm đi kiểm định chất lượng, đăng ký kinh doanh. Mày mò học cách lên mạng internet để học hỏi thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm, tìm nơi in ấn bao bì… xây dựng thương hiệu riêng cho mình”, bà Nguyệt chia sẻ.

Từ thành công ban đầu, chính quyền địa phương và các ngành hữu quan đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều để ý tưởng khởi nghiệp của bà Nguyệt được hiện thực hóa thành công và phát triển tốt hơn. Năm 2020, sản phẩm trà mãng cầu Ánh Nguyệt trở thành một trong những sản phẩm đầu tiên được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của thành phố Vị Thanh.

“Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các ngành chuyên môn về các khâu thực hiện thủ tục đăng ký xét duyệt nhưng tôi cũng mất khoảng nửa năm mới được công nhận sản phẩm OCOP. Nhớ ngày đầu được chọn sản phẩm tham gia xét duyệt tôi rất lo sợ vì để được công nhận sản phẩm OCOP thì sản phẩm phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe theo quy định. Chưa kể các chi phí để đầu tư máy móc sản xuất, xây dựng nhà xưởng, sản xuất bao bì theo cũng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng tiền vốn”, bà Nguyệt thông tin.

Bắt đầu khởi nghiệp khi còn khá trẻ chưa bằng nửa tuổi khởi nghiệp của bà Nguyệt nhưng với bà Võ Thị Kiều Khoa, hội viên phụ nữ ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thì quá trình khởi nghiệp cũng đầy vất vả.

Cách nay gần 10 năm, gia đình bà Khoa được cha mẹ cho ra riêng với căn nhà nhỏ cây lá tạm bợ và 2 công đất trồng mía. Thời điểm đó, công việc chính của bà Khoa là nội trợ và chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào việc làm thuê của chồng nên cuộc sống ngày đó rất nhiều khó khăn.

“Lúc đó nhà nghèo lắm, con nhỏ nheo nhóc, việc làm không có nên trong nhà lúc nào cũng túng thiếu. Cũng may trong xóm có nhiều cô, nhiều chị biết nghề chuốt đũa tre nên tôi lân la học nghề với mong muốn kiếm thêm “đồng ra, đồng vô” phụ chồng lo cho gia đình”, bà Khoa cho biết.

Theo bà Khoa, để biết chuốt đũa thì ngày ngày bà quan sát người chị gần nhà làm nghề rồi những khi chị bận việc bà len lén lấy đồ nghề làm thử. Mỗi khi làm hư đũa thì đem giấu vì sợ bị la. Sau nhiều lần như thế, tự bà cũng học được cái nghề này rồi bắt đầu nhận chuốt đũa thuê cho người khác.

Bà Khoa chia sẻ: “Mới vào nghề này tôi không mong sẽ làm giàu, vừa giữ con nhỏ vừa làm một ngày tôi chuốt cũng không được nhiều, thu nhập lúc mỗi ngày không bao nhiêu. Nhưng nếu không làm thì cũng chẳng có cách nào khác để kiếm tiền”.

Sau 3 năm quyết chí với nghề, tay nghề chuốt đũa của bà Khoa cũng giỏi hơn, đũa làm ra mỗi ngày một nhiều và đẹp lên nên bắt đầu được nhiều người biết đến, có mối tiêu thụ đặt hàng thường xuyên.

“Đến khi hàng làm ra không đủ bán thì nguồn tre nguyên liệu tại chỗ dần khan hiếm. Để duy trì công việc này tôi bắt đầu đi nơi khác mua tre. Tự thân đi mua tre, đốn tre rất nặng nhọc, vất vả”, bà Khoa bộc bạch. 

Bà Khoa khởi nghiệp thành công với nghề chuốt đũa tre.    

Quả ngọt từ khởi nghiệp

Sau giai đoạn đầu khởi nghiệp đầy gian truân, khổ cực thì đến nay cuộc sống của bà Nguyệt, bà Khoa đã ngày càng ổn định và khá giả lên nhờ việc làm ăn ngày càng thuận lợi và phát triển.

Hiện nay, ngoài sản phẩm trà mãng cầu (sợi) đạt chuẩn OCOP 3 sao thì hiện nay Cơ sở trà mãng cầu Ánh Nguyệt còn thêm 2 sản phẩm trà mãng cầu túi lọc và sản phẩm muối sả ớt đạt OCOP 3 sao.

“Tuy cơ sở không quá lớn nhưng bình quân mỗi năm chúng tôi cũng đón tiếp nhiều lượt khách từ các địa phương khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua sản phẩm về dùng, làm quà biếu. Riêng dịp Tết 2023, cơ sở đã xuất bán hơn 1.000 hộp trà túi lọc để khách mua làm quà cho người thân, bạn bè. Bình quân hàng tháng, cơ sở xuất bán trên 200kg trà các loại. So với thời điểm mới khởi nghiệp tăng gấp 10 lần”, bà Nguyệt bộc bạch.

Hiện nay, ngoài điểm bán hàng tại cơ sở bà Nguyệt còn có thêm các đại lý nhỏ phân phối sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và Bạc Liêu, Kiên Giang… Bên cạnh đó, các sản phẩm của cơ sở này còn được bày bán trên các trang thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội do đó nguồn khách hàng tiêu thụ hiện nay rất phong phú và ở khắp mọi nơi trong nước.

Còn đối với bà Khoa, từ nghề chuốt đũa khởi nghiệp bà đã giúp cho gia đình đem về nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Sau vài năm khởi nghiệp, hiện gia đình bà đã thoát nghèo bền vững. Từ căn nhà lá ọp ẹp năm nào nay đã được thay bằng căn nhà kiên cố rộng rãi, khang trang hơn.

“Cũng nhờ có thu nhập ổn định hàng tháng tôi mới dành dụm được tiền cất nhà, mua xe máy để có phương tiện đi lại, mua bán và lo cho các con đi học. Có thể nói nghề chuốt đũa đã làm cho cuộc sống gia đình tôi thay đổi rất nhiều”, bà Khoa chia sẻ.

Hiện nay, sản phẩm đũa tre của bà Khoa sản xuất đang rất được thị trường ưa chuộng do đây là sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe. Ngoài các mối tiêu thụ tại các chợ lân cận trong địa phương thì chỗ bà Khoa còn cung cấp đũa cho các mối lớn ở các tỉnh khác. Bình quân, mỗi tháng bà xuất bán 10.000 đôi đũa. Thu nhập dao động từ khoảng 6-10 triệu đồng/tháng. Đồng thời, những lúc cao điểm nhiều đơn hàng, bà Khoa còn thuê thêm lao động gia công các công đoạn: cưa lóng, chẻ miếng, chuốt… Bình quân, mỗi ngày 1 lao động làm gia công cũng có thu nhập từ 100.000 đồng trở lên, tùy theo tay nghề và thời gian làm việc.

“Nghề này tuy vất vả nhưng làm lâu ngày có tay nghề nên thu nhập ổn định lắm. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đũa rất cao nhất là vào dịp cuối năm. Tôi có ý định dành thêm một khoản vốn để đầu tư mua máy sấy đũa để mùa mưa vẫn có thể làm được nhiều hàng”, bà Khoa cho biết.

Bất kỳ một con đường dẫn đến thành công nào cũng lắm gian truân, vất vả, có đôi khi cũng làm người đi chậm chân, chùn bước. Tuy vậy, dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn nào người phụ nữ cũng vững vàng một ý chí quyết tâm, luôn nhẫn nại vượt khó để đi đến thành công. Đối với bà Nguyệt hay bà Khoa, bí quyết của họ chính là nhờ vào sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ cộng với bản lĩnh, quyết tâm làm hết mình, hết sức vì đam mê sẽ dẫn đến sự thành công cho bản thân và đem lại đời sống kinh tế ấm no cho gia đình.

Bài, ảnh: MỸ AN

Bài 2: Bền vững và lan tỏa

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>