Dấu ấn phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi

15/08/2023 | 08:55 GMT+7

Xác định phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (phong trào) là một trong những hoạt động trọng tâm, nòng cốt, xuyên suốt của Hội, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh triển khai sâu rộng; hiệu quả của phong trào đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vườn sầu riêng của ông Sáu Bờ (bìa trái) trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm thường xuyên của cán bộ, nông dân.

Từ đầu nhiệm kỳ 2018-2023 đến nay, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, vốn, lao động để đầu tư có hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Đến nay, phong trào phát triển một cách mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội; tác động tích cực vào công tác giảm nghèo, giúp tỉnh triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.

Điển hình xuất sắc trong phong trào

Đồng hành và trưởng thành từ phong trào, nhiều năm nay, nhắc đến ông Lê Văn Sáu (Sáu Bờ), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, mọi người đều biết đến là một tỉ phú nông dân nhờ mô hình trồng sầu riêng hơn 5ha. Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình ông cho thu hoạch trên 100 tấn trái, với giá bán 55.000-80.000/kg, lợi nhuận thu về của gia đình ông khoảng 6 tỉ đồng.

Ông Sáu Bờ chia sẻ: “Thấy cây sầu riêng phù hợp với đất đai, nguồn lao động của gia đình nên từ 5 công sầu riêng ban đầu tôi đã mạnh dạn mở rộng ra hết diện tích đất của gia đình. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, tôi học tập kinh nghiệm từ nhiều nhà vườn đi trước, từ các nhà khoa học, rồi cũng mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, hàng năm hiệu quả sản xuất càng tăng lên. Không chỉ thành công cho bản thân tôi còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác cùng làm giàu”.

Là người khởi xướng cho phong trào trồng sầu riêng ở ấp Tân Thành nên ông Sáu Bờ được Hội Nông dân xã vận động tham gia Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã để ông có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng cho nông dân trên địa bàn. Từ khi tham gia câu lạc bộ đến nay, ông Sáu Bờ luôn được bà con nông dân tin cậy và luôn tìm đến học hỏi cách trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Cầu, ở ấp Tân Thành, cho biết: “Nhờ nghe theo lời dạy của chú Sáu Bờ lên liếp trồng sầu riêng mà kinh tế gia đình tôi ổn định hơn. Cách nay khoảng 3 tháng, từ 100 gốc sầu riêng cho trái vụ 3, gia đình tôi đã bán được 600 triệu đồng, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về hơn 500 triệu đồng”.

Cách nay 7 năm, gia đình ông Cầu thuộc diện khó khăn. Nhà chỉ có 5.000m2 đất lúa, phải nuôi 3 người con ăn học nên gia cảnh luôn túng thiếu. Nhận thấy gia đình ông Sáu Bờ trồng sầu riêng đạt thu nhập cao và được ông động viên nhiều lần nên ông Cầu trồng theo.

Dưới sự hỗ trợ, chỉ dẫn tận tình của ông Sáu Bờ từ việc làm đất, mua cây giống, kinh nghiệm chăm sóc qua từng giai đoạn... đến nay, vườn sầu riêng của ông Cầu đã đem lại nguồn thu nhập rất cao cho gia đình. Sau 3 vụ sầu riêng, mới đây ông Cầu đã mua thêm được 4.000m2 đất để tiếp tục mở rộng diện tích vườn sầu riêng.

Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao, ông Sáu Bờ còn tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương chính từ vườn sầu riêng của gia đình.

Ông còn tích cực đóng góp kinh phí cùng Hội Nông dân xã thực hiện các công trình xây dựng xã nông thôn mới như: làm cầu, giặm vá đường, xây dựng đường cờ Tổ quốc, trao tặng quà cho học sinh nghèo hàng năm...

Từ những thành tích của bản thân và đóng góp tiêu biểu cho phong trào của địa phương, ông Sáu Bờ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2020 ông được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và cuối năm 2022 ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Nâng cao chất lượng phong trào

Theo ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để phong trào đi vào cuộc sống, hội nông dân các cấp tăng cường vận động, tuyên truyền giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào, xem đây là hoạt động lớn của Hội góp phần nâng cao đời sống người dân. Từ đó đến nay, phong trào thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của hội viên, nông dân, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cả tỉnh. Tham gia phong trào thi đua, hội viên, nông dân phát huy tốt tính cần cù, chịu khó, nêu cao ý chí tự lực vượt qua khó khăn, thách thức để lao động, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào.

“Từ sự nỗ lực của bản thân, kết hợp với sự đồng hành, quan tâm động viên, hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân, hội viên, nông dân tỉnh nhà đã phát triển ngày càng nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống”, ông Võ Văn Trung chia sẻ.

Theo Hội Nông dân tỉnh, để phong trào phát huy hiệu quả, hàng năm, Hội Nông dân phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Phối hợp mở gần 400 lớp đào tạo nghề như: nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, đan đát lục bình và dây nhựa, may công nghiệp… cho 10.023 người, số người có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ 79%.

Hội nông dân các cấp còn phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi... Phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 6.251 buổi tư vấn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 322.800 lượt hội viên, nông dân; phối hợp xây dựng 79 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hướng dẫn thành lập mới 90 hợp tác xã với 1.615 thành viên; thành lập mới 639 tổ hợp tác với 7.661 thành viên; tỷ lệ hộ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể là 22,34%, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết.

Các cấp hội còn đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển nền kinh tế số nông nghiệp của tỉnh; giúp nông dân xây dựng nhãn hiệu nông sản, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tham gia phong trào, đời sống nông dân nâng lên, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia cùng địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, góp tiền, ngày công lao động; tham gia làm mới, sửa chữa đường giao thông; kiên cố hóa, sửa chữa kênh mương; làm mới, sửa chữa cầu, cống; thực hiện các công trình thủy lợi; khối lượng đào đắp; trồng cây xanh; xây dựng “Mái ấm nông dân”... với giá trị quy đổi thành tiền 213 tỉ đồng. Hội Nông dân tỉnh, cấp huyện xây dựng và bàn giao 50 căn nhà mái ấm nông dân, tổng số tiền hơn 1,9 tỉ đồng, hỗ trợ 261 suất học bổng, với số tiền 161 triệu đồng.

Các cấp hội còn xây dựng Kế hoạch giúp thoát nghèo giai đoạn 2018-2023 và thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỉnh có 75/75 cơ sở hội với 75 chi hội giúp 1.241 hộ thoát nghèo bền vững, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp thực hiện việc tương trợ, giúp đỡ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Theo ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để phong trào  thời gian tới tiếp tục được nâng chất, Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc tham gia vào các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đây là tiền đề để xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, thay đổi từ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang việc liên kết sản xuất, tham gia hợp tác sản xuất theo hướng làm kinh tế tập thể để nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững. Hội tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tạo điều kiện nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh...

Theo Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, các cơ sở hội rất chủ động củng cố, nâng chất hoạt động 75 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, tổng số 2.112 thành viên; phát động hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đến cuối nhiệm kỳ, số hộ nông dân được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đạt 60.467/59.508 hộ, đạt 102% chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở đạt 40.049 hộ, cấp huyện đạt 14.707, cấp tỉnh đạt 5.469, cấp Trung ương đạt 242 hộ); tỷ lệ hộ nông dân được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi so với số hộ đăng ký đạt 129% chỉ tiêu Nghị quyết.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>