Đặt nhiều kỳ vọng vào đại hội

27/12/2023 | 10:11 GMT+7

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức diễn ra từ ngày 25 đến 27-12. Đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang có 13 đại biểu, đại diện cho hơn 123.260 hội viên nông dân trong toàn tỉnh mang theo niềm tin, những kỳ vọng, ý kiến gửi gắm đến đại hội.

Nông dân Hậu Giang đặt nhiều kỳ vọng vào Đoàn tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.

Mong Nghị quyết Đại hội ban hành sát với thực tế nhu cầu nông dân

Đại biểu Trần Hồng Tim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi rất mong chờ Nghị quyết Đại hội ban hành sẽ sát với thực tế nhu cầu nông dân. Tại Đại hội này, sẽ giúp tìm được giải pháp cụ thể, có cơ chế, chính sách phù hợp dành cho các tổ hợp tác, các hợp tác xã phát huy thế mạnh”.

Bà Tim bày tỏ niềm tin, khi làm tốt hoạt động này sẽ giúp hội viên nông dân phát huy được tính năng động trong cách nghĩ, sáng tạo trong nuôi trồng. Chỉ khi nông dân thấy rõ lợi ích khi chuyển dần sang sản xuất tập trung, tạo sản phẩm có năng suất, giá trị kinh tế cao sẽ không khó làm giàu.

Ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Kỳ vọng Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (đề án) sẽ gia tăng giá trị hạt gạo. Tại phần thảo luận văn kiện Đại hội, tôi kiến nghị đại hội cần đưa thêm nội dung thực hiện triển khai đề án vào để tạo cơ chế thống nhất và huy động nhiều nguồn lực giúp nông dân hiện thực hóa đề án đạt chất lượng cao”.

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh cũng mang đến đại hội phần tham luận với nội dung: “Hội nông dân với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho nông dân”.

Đây là hoạt động rất nổi bật và mang lại hiệu quả cao của hội nông dân các cấp trong tỉnh thời gian qua, như: thành lập 85 nhóm zalo để tuyên truyền và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống đến hội viên, nông dân; phát hành bản tin Nông dân Hậu Giang số ra hàng tháng, xây dựng 2 mô hình điểm về “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”, ra mắt 2 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thi “Nông dân với văn hóa an toàn giao thông”, “Hội thi Nông dân với An toàn giao thông” và “Hội thi Nhà nông đua tài” thu hút hội viên tham gia góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân…

Xác định làm giàu trên chính quê hương mình là điều không khó, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đặt kỳ vọng: “Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ giúp Hậu Giang học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển mạnh kinh tế số trong nông nghiệp; tìm được giải pháp cụ thể, có cơ chế chính sách phù hợp hơn dành cho các tổ hợp tác, các hợp tác xã phát huy thế mạnh, đây là điểm khó của tỉnh cần tháo gỡ nhanh. Từ Nghị quyết Đại hội ban hành, với chỉ tiêu, giải pháp cụ thể sẽ là cơ sở để tỉnh xây dựng triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành  thời gian tới. Nhất là phân kỳ lộ trình thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp, sát yêu cầu hơn, tập trung vào 5 đột phá chiến lược “Một tâm - Hai tuyến - Ba thành - Bốn trụ và Năm nhiệm vụ trọng tâm”.

Mang theo nguyện vọng chính đáng của nông dân gửi đến đại hội

Là hội viên nông dân tiêu biểu duy nhất của tỉnh tham dự Đại hội nông dân toàn quốc, với ông Lê Thanh Nhã, Chi hội nông dân ấp 11, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, là cả một niềm vui và vinh dự.

Ông Nhã chia sẻ: “Gia đình tôi thu nhập chủ yếu là từ trồng lúa và nuôi heo. Mục tiêu của tôi tham dự đại hội là đại diện bà con nông dân đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, xem nuôi trồng thế nào mang lại hiệu quả, nếu thấy phù hợp, tôi sẽ về áp dụng thử trên chính ruộng lúa quê mình và chia sẻ kỹ thuật với bà con”.

Bên cạnh đó, trước băn khoăn về thực trạng “cò lúa” ép giá nông dân, điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá thì mất mùa” không chỉ có ở tỉnh mà nhiều tỉnh bạn, khiến kinh tế người nông dân khá bấp bênh. Vấn đề này, ông Nhã bày tỏ: “Tôi sẽ mạnh dạn nêu ra tại đại hội, cùng các đại biểu trao đổi, góp ý để tìm giải pháp cụ thể. Mong sao giúp nông dân mình chấm dứt thực trạng “cò lúa”, mong đại hội có giải pháp thỏa đáng để người nông dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”.

Còn đại biểu Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tham gia đại hội, chúng tôi nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các nội dung văn kiện và chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xem giải pháp cụ thể nào có thể áp dụng cho tỉnh, huyện tôi trong thời gian tới để triển khai phù hợp. Tôi mong muốn rằng, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ mới khi thông qua sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ phát triển hội viên; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhiều hơn, tăng cường xây dựng mô hình giúp nông dân tiếp cận và làm chủ khoa học, đưa cây, con giống mới năng suất, chất lượng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi”.

20 năm Hậu Giang nỗ lực phát triển, đầy khát vọng, với bức tranh tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Hậu Giang quyết tâm tận dụng tốt mọi thời cơ, phát huy hiệu quả nội lực và tranh thủ nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để tập trung thực hiện 4 khâu đột phá về kinh tế, đó là: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Mỗi đại biểu là cầu nối, lan tỏa hình ảnh đẹp, đất, con người Hậu Giang đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động, sáng tạo, đầy khát vọng vươn tầm đến đại hội”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>