Tâm huyết với nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

07/02/2019 | 10:02 GMT+7

Có dịp tháp tùng cùng với tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đưa đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc đi trình diễn các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất mới thấy được sự tâm huyết của một tiến sĩ trẻ cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Từ sáng sớm, đoàn phải xuất phát đi xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, để trình diễn thiết bị san phẳng mặt ruộng đến người dân, rồi trưa thì quay sang Công ty TNHH MTV Nông sản Tiến Thịnh để giới thiệu sản phẩm máy phân loại trái cây theo trọng lượng. Đến chiều thì sang xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, để trình diễn thiết bị bay phun thuốc trên lúa tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Trong chuyến đi này, tiến sĩ Xuyên vừa là người dẫn dắt đoàn, nhưng cũng làm luôn nhiệm vụ thông dịch viên. Nhờ tiếng Anh lưu loát nên đã thông dịch cặn kẽ, chi tiết khi các doanh nghiệp, chuyên gia Hàn Quốc giới thiệu, thậm chí là trao đổi với các chuyên gia nước ngoài rồi giới thiệu lại để giúp nông dân hiểu được các đặc tính của máy phun thuốc, lợi ích của việc san phẳng mặt ruộng sẽ thuận lợi trong cơ giới hóa, giảm chi phí bơm tác, tăng được phần lợi nhuận cho người trồng lúa…

Nhiệt huyết

Với 15 năm công tác, trong đó có một thời gian dài làm việc tại Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, trong thời gian này, anh Lê Hoàng Xuyên bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn tranh thủ học thêm Anh văn nên đã 2 lần được nhận học bổng học thạc sĩ và tiến sĩ ngành công nghệ sinh học ở Úc. Đặc biệt, khi có bằng tiến sĩ vào năm 2015, lúc đó anh mới 34 tuổi, được xem là một tiến sĩ trẻ của Hậu Giang lúc bấy giờ. Anh được tỉnh điều động về công tác tại Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào tháng 1-2017. Thời gian này, nguồn lực đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ít, trình độ của cán bộ cũng có giới hạn, trong khi kinh nghiệm trong công tác quản lý của bản thân chưa nhiều, trẻ tuổi nhất trong Ban giám đốc, do đó công tác điều hành, quản lý thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn.

Trình diễn thiết bị bay phun thuốc trên lúa.

Thời gian tiếp nhận và làm việc tại Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngắn, còn nhiều việc chưa làm được. Hạ tầng kỹ thuật cũng còn yếu, do đó ảnh hưởng nhiều đến việc kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng biết nhiều đến Hậu Giang qua các lần xúc tiến đầu tư. Cụ thể, là đã ký kết được một dự án thí điểm các chế phẩm sinh học của Hàn Quốc trên cây lúa tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2017 với tổng kinh phí khoảng 20.000 USD. Năm 2018 mở rộng trên xoài, khóm và bưởi được hỗ trợ 100% vật tư, trang thiết bị, kể cả tư vấn kỹ thuật sử dụng, chi phí triển khai dự án khoảng 50.000 USD.

Bên cạnh có được dự án trình diễn thì công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư trực tiếp vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra sao, thưa anh ?

- Bản thân đã đi công tác tại Hàn Quốc 3 chuyến, đồng thời còn tháp tùng với đoàn của lãnh đạo tỉnh đi Hàn Quốc, Nhật Bản để kêu gọi đầu tư. Thông qua các chuyến đi, đã ký kết được một biên bản ghi nhớ cùng Viện nghiên cứu nông nghiệp với tỉnh Chơn-Nam (Hàn Quốc). Trên cơ sở đó, tháng 4-2018 Ban quản lý đã tham mưu cho UBND tỉnh cử 2 viên chức của Ban đi tập huấn 5 tuần tại Hàn Quốc về sản xuất lúa hiện đại. Ngoài ra, hàng năm Ban quản lý cũng tổ chức đoàn đi các tỉnh vừa học tập vừa kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp.

Tiến sĩ Xuyên (trái) giới thiệu tiềm năng tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thông qua các chuyến đi, có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ?

- Nếu tính từ năm 2017 đến nay, ít nhất cũng có khoảng 30 đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước, có cả Nhật Bản, Hàn Quốc và các tỉnh, thành đến tìm hiểu. Sau khi khảo sát thì cái lớn nhất mà các doanh nghiệp quan tâm vẫn là kết cấu hạ tầng và quỹ đất sạch. Đối với hạ tầng thì cần thời gian đầu tư và nguồn ngân sách của tỉnh, còn đất sạch cần giải quyết bằng cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng. Nếu làm tốt thì trong năm 2019 hy vọng ít nhất có từ 1-2 doanh nghiệp sẽ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khi doanh nghiệp đến, anh thấy thiện chí của họ ra sao ?

- Họ rất muốn đầu tư vì các sở, ngành và Ban quản lý rất có thiện chí mời gọi, tiếp xúc trên tinh thần doanh nghiệp vào đầu tư sẽ có rất nhiều chế độ ưu đãi. Tuy nhiên, cái nhìn đầu tiên của doanh nghiệp là lợi nhuận và phương án kinh doanh, họ vẫn mong muốn có dịp quay trở lại khi nào kết cấu hạ tầng và thay đổi chính sách tốt hơn. Dù vậy, đến nay ngoài một dự án thí điểm tại Khu nông nghiệp cùng với một dự án đã được trao chủ trương đầu tư từ năm 2013 tại Khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 300ha, đây cũng là bước mở đầu để các doanh nghiệp đầu tư tiếp theo.

Đưa sản phẩm đến người Hàn

Với sự nỗ lực của tỉnh, Ban quản lý, đặc biệt là ở tiến sĩ Xuyên, Tổ chức chuyển giao nông nghiệp và thương mại Hàn Quốc (FACT) dự kiến trong thời gian tới sẽ xây dựng một dự án chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh mà tập trung trên cây lúa và cây ăn trái. Thời gian qua, Tổ chức FACT cũng đã thí điểm các chế phẩm và đạt hiệu quả tại Hậu Giang. Nhưng để sản phẩm này phục vụ lại cho người Hàn Quốc tại Việt Nam thì tiêu chuẩn khá cao nên đòi hỏi nông dân phải sử dụng các sản phẩm theo quy trình.

Nhiều mô hình trình diễn giống lúa tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cho kết quả khả quan.

Tiến sĩ Xuyên cho biết: Khả năng năm 2019 sẽ thực hiện 5ha lúa trước và làm theo các sản phẩm, quy trình của Hàn Quốc, sau đó sẽ liên kết với các tập đoàn siêu thị lớn bán sản phẩm gạo lại cho người Hàn. Dự kiến và đã thống nhất 3 bên giữa Tổ chức FACT, Ban quản lý và một công ty Dong Yang đại diện của Tổ chức FACT tại Việt Nam trong dịp 15 năm thành lập tỉnh sẽ có ký kết biên bản ghi nhớ giữa 3 đơn vị để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Hiện nay, trên lúa có rất nhiều dòng sản phẩm từ gieo hạt, phân bón cho đến thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bẫy bắt côn trùng thân thiện với môi trường. Ban quản lý muốn áp dụng đồng bộ trên cùng diện tích để sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng và sẽ được triển khai thực hiện tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Bên cạnh sản xuất theo quy trình thì việc liên kết với Tổ chức FACT tới đây ra sao, thưa anh ?

- Tổ chức FACT đánh giá rất cao sự phối hợp thông qua kết quả và quy mô đầu tư. Hiện nay, ông Chang Hyeok Chang, Giám đốc Công ty Dong Yang, đại diện Tổ chức FACT tại Thành phố Hồ Chí Minh được UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định là Tổ phó Tổ xúc tiến đầu tư của tỉnh. Tại văn phòng đại diện họ sẽ dành một khoảng không gian để trưng bày các sản phẩm, tài liệu về xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, FACT và Ban quản lý có nhiều định hướng ngoài xây dựng chuỗi giá trị còn liên quan đến thiết bị bay và dự kiến Ban quản lý sẽ gửi cán bộ qua Hàn Quốc tập huấn để sử dụng thành thạo thiết bị. Ngoài ra, tới đây dự kiến sẽ triển khai dự án thử nghiệm để chứng minh tính hiệu quả của máy (nông dân sử dụng 400-500 lít nước/ha, còn máy chỉ phun 10 lít nước/ha). Và khả năng Ban quản lý sẽ trở thành trung tâm chuyển giao của máy phun thuốc, vừa làm công tác huấn luyện, tư vấn và cho thuê máy. Nhưng cái khó hiện nay là mỗi lần bay phải xin phép ngành chức năng và tính hiệu quả cũng cần phải được chứng minh.

Với sự khó khăn như vậy, liệu rằng thiết bị bay này có đưa được đến tay người nông dân Hậu Giang ?

- Theo tôi, trong xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ như hiện nay thì khoảng 5 năm nữa việc này phải làm vì nguồn lao động ở nông thôn rất ít. Bên cạnh đó, người nông dân và Nhà nước cũng quan tâm đến sức khỏe cộng đồng nên vấn đề cơ giới hóa trong phun thuốc sẽ được tính đến, vì thiết bị này hạn chế được lượng thuốc phun xịt, ít ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của người dân.

Nhiều kỳ vọng

Để phát triển vùng đất viên lang bãi bồi, tỉnh cũng đang đầu tư tuyến Đường 930 về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Khi tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ mở ra lối đi mới cho Khu nông nghiệp. Bên cạnh đó, năm 2018 tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và mới đây UBND tỉnh cũng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Ban quản lý với tổng vốn khoảng 31 tỉ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng các tuyến đường nội bộ khu trung tâm, giải phóng mặt bằng khoảng 10ha khu trình diễn, xây dựng thêm trụ sở tạm.

Tiến sĩ Xuyên (đội nón) đang trao đổi với đoàn công tác của Hàn Quốc khi tham quan, trình diễn tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Nếu đầu tư đúng mức thì trong tương lai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ trở thành một trung tâm trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng là nơi để tổ chức triển lãm các hội chợ, hội thảo, hội nghị về khoa học công nghệ và là nơi đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài đào tạo cán bộ kỹ thuật cho địa phương, cũng là nơi đào tạo nông dân thành công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một điểm khác là nơi để trở thành khu du lịch sinh thái trong nông nghiệp cho vùng bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, điều mà tiến sĩ Xuyên trăn trở là nguồn nhân lực. Hiện nay, Ban quản lý có 18 người, gồm 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, còn lại là đại học. Về cơ cấu tổ chức thì ngoài các phòng chuyên môn trong giai đoạn 2021-2025 cần phải có thêm 2 trung tâm cần phải thành lập là Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân lực trí thức, tổng biên chế phải 35 người để đủ điều kiện phát triển 2 trung tâm này. Một số tỉnh có điều kiện về ngân sách như Thành phố Hồ Chí Minh thì Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp rất phát triển và hoạt động có hiệu quả. Vì trung tâm này phục vụ, hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân muốn khởi nghiệp, những doanh nghiệp nhỏ, người có ý tưởng thì trung tâm hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất, giúp đỡ phát triển ý tưởng đến khi đủ điều kiện thì đầu tư lại cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Hậu Giang đang thiếu bước này nên khả năng từ phát triển ý tưởng đến hiện thực rất khó. Nếu có được các trung tâm này thì giúp cho việc khởi nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thuận lợi hơn.

Anh kỳ vọng như thế nào vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tới đây ?

- Có 2 điểm thời gian tới khả năng tạo thành điểm nhấn là tỉnh đã có chủ trương đầu tư giải phóng mặt bằng khu trình diễn để doanh nghiệp vào làm mô hình mẫu. Đặc biệt, Nghị định 57 của Chính phủ ra đời có rất nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Ban quản lý cũng đang xây dựng chính sách và trình tỉnh nếu được thông qua với việc hỗ trợ khoảng 40% chi phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp thì sẽ là một “sức hút” để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.

Được biết, cả nước hiện nay có nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vậy việc liên kết, kêu gọi doanh nghiệp ở các khu này đến đầu tư tại Hậu Giang ra sao ?

- Trong nước hiện có câu lạc bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Ban quản lý cũng có tham gia. Theo kế hoạch năm 2019, câu lạc bộ sẽ tổ chức một hội nghị tại Hậu Giang, đây là cuộc họp của các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc và là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các tỉnh, trong đó có Hậu Giang. Ngoài ra, sẽ mời các doanh nghiệp đã phát triển ở các khu khác để về đây gặp gỡ, tìm hiểu đầu tư. Hy vọng sẽ mở ra một cơ hội mới trong thu hút đầu tư cho tỉnh…

“Điểm được là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, an toàn. Đây cũng là xu thế và định hướng phát triển lâu dài phải theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Nếu bỏ tiền đầu tư vào khu công nghiệp là thu được thuế cho ngân sách nhưng phải đầu tư lại để nâng cao cuộc sống người dân và phải xử lý về môi trường. Trong khi đầu tư cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì địa phương và người dân sẽ được hưởng kết cấu hạ tầng, khoa học kỹ thuật, người dân trong vùng sẽ thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống…”.

Tiến sĩ LÊ HOÀNG XUYÊN

 

HOÀI THANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>