Nông dân quan tâm sản xuất rau sạch, an toàn

24/10/2019 | 10:33 GMT+7

Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ngày càng cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vị Thủy đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất cũ, chịu khó đầu tư, ứng dụng quy trình sản xuất tiến bộ để tạo ra nông sản sạch.

Vườn rau an toàn trong nhà lưới của gia đình ông Sáu rất tươi tốt.

Là một trong những hộ tiên phong ở địa phương với quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, ông Trần Văn Sáu, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “So với trồng rau ngoài trời thì trồng trong nhà lưới rau đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Do không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên rau sau thu hoạch có thời hạn sử dụng lâu, thương lái rất thích và mua giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg”.

Gia đình ông Sáu có gần 20 năm chuyên trồng rau diếp cá, rau thơm, xà lách… Từ năm 2010 đến nay, ông chuyển sang thực hiện quy trình trồng rau trong nhà lưới.

Trước kia, do thiếu vốn nên ông chỉ tận dụng gỗ tạp trong vườn làm khung nhà lưới. Bình quân mỗi nhà lưới ông chỉ sử dụng được vài năm. Sau khi 2 nhà lưới hư hỏng, đầu năm nay, ông tích góp được vốn đầu tư hẳn hệ thống khung kẽm kiên cố cho nhà lưới. Đồng thời ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống ống tưới có béc phun trải khắp vườn rau.

“Thấy người ta trồng rau trong nhà lưới đạt hiệu quả cao, an toàn cho người tiêu dùng nên tôi thích, tự mài mò bắt chước. Tôi còn chịu khó dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để học cách trồng rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó đến nay, tôi luôn duy trì thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn”, ông Sáu tiết lộ.

Theo ông Sáu, vườn rau nhà ông sắp được Trạm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tự động, camera quản lý tiến tới thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có truy suất nguồn gốc rõ ràng.

Hiện tại, gia đình ông có 2.000m2 diện tích nhà lưới trồng rau. Bình quân mỗi ngày, ông cung ra thị trường trên 50kg rau các loại. Trung bình mỗi năm, vườn rau của gia đình ông cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Trước đây, tình trạng nông dân lạm dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp diễn ra phổ biến; một số nông dân còn thiếu trình độ canh tác, chưa ý thức cao trong chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm nên chưa tuân thủ tốt về thời gian cách ly của các loại cây trồng đối với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, làm cho nông sản bị tồn dư nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Vài năm nay, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác hơn với các loại nông sản không rõ nguồn gốc, ưa chuộng sản phẩm nông sản sạch, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, để giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Vị Thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngoài tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2019, Hội đã chỉ đạo các hội cơ sở tiến hành cho hội viên thực hiện cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm này, toàn huyện có trên 12.000 hội viên ký cam kết, đạt 100% số hội viên nông dân toàn huyện”.

Qua tuyên tuyền, vận động, đến nay toàn huyện Vị Thủy có khoảng 20 mô hình chuyên sản xuất rau an toàn, tập trung ở 2 xã Vĩnh Trung và Vị Thủy. Hiệu quả từ các mô hình thực tế nhiều hội viên, nông dân đã có ý định thực hiện nhân rộng.

“Sau đợt nước lũ này, em tôi sẽ lên liếp trồng rau và thực hiện quy trình trồng rau sạch trong nhà lưới như mô hình tôi đang thực hiện”, chỉ tay về mảnh ruộng cặp vườn rau gia đình, ông Sáu khẳng định.

Hội Nông dân huyện Vị Thủy thông tin, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân, đa phần nông dân trên địa bàn đều rất muốn thay đổi lối sản xuất cũ, hướng tới việc ứng dụng các phương pháp sản xuất mới, tiến bộ đảm bảo an toàn về chất lượng, tăng năng suất. Tuy nhiên, khó khăn của người dân hiện nay là về vốn đầu tư và đầu ra cho nông sản sạch. Do quy mô nhỏ lẻ nên nhiều hộ chưa thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua.

Để giúp hội viên, nông dân thực hiện mô hình sản xuất nông sản sạch, thời gian qua các cấp hội nông dân trên địa bàn tăng cường hỗ trợ cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, tổ chức cho nông dân tham quan học tập mô hình thực tế trên địa bàn huyện, tỉnh. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tranh thủ các nguồn hỗ trợ về giống, đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiêu…

Với những giải pháp trên đã tác động không nhỏ tới nhiều hội viên, nông dân, giúp họ nâng cao ý thức về vấn đề sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>