Mở hướng cho nền nông nghiệp hiện đại

16/05/2019 | 10:01 GMT+7

Sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang cũng như ĐBSCL thời gian qua luôn đứng trước nhiều thách thức về giá cả, đầu ra sản phẩm, liên kết còn lỏng lẻo, áp dụng khoa học công nghệ chưa đồng bộ, nhất là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng lúc khốc liệt hơn. Vì vậy, cần có những hướng đi vững chắc để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Bài 1: Thách thức trong canh tác nông nghiệp

Gánh nặng chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào, sự canh tác thiếu khoa học của nông dân đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền sản xuất nông nghiệp, từ đó gây ảnh hưởng môi trường và là tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu ngày một gay gắt.

Việc bón phân hiện nay của nông dân chỉ giúp cây lúa hấp thu được khoảng 40%, phần còn lại bị lãng phí nên tăng giá thành sản xuất.

Nhiều hệ lụy

Giống như nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Hậu Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực, với tổng diện tích xuống giống cả năm hơn 200.000ha, riêng vụ Đông xuân gần 80.000ha. Với diện tích lúa tương đối lớn nhưng trong quá trình canh tác, hiện còn không ít nông dân bám theo hình thức sản xuất truyền thống, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy và đẩy giá thành sản xuất ở mức cao. Điển hình về giống lúa, nhiều nông dân chỉ sử dụng một hoặc hai loại giống quen thuộc dù ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo cần có sự thay đổi bộ giống lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Việc sử dụng cùng một loại giống trên một diện tích canh tác trong thời gian dài sẽ dẫn tới sức đề kháng dịch hại của giống lúa thấp, từ đó phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, đồng thời gây ô nhiễm nguồn nước, đất.

Ông Nguyễn Văn Điều, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho biết: “Nhiều năm qua, 1ha lúa của tôi và hầu hết bà con xứ này chỉ gieo sạ một số giống quen thuộc như OM 5451, OM 4900, còn lâu hơn là giống OM 4218; trong đó giống lúa OM 5451 là xuyên suốt. Có thể do sử dụng một giống lúa quá lâu nên tình hình dịch hại xuất hiện trên lúa cũng khá nhiều, nhất là vụ Hè thu và Thu đông hay những lúc gặp thời tiết bất lợi. Vì vậy, để ngăn ngừa dịch hại và bảo vệ cây lúa, mỗi vụ canh tác, nông dân chúng tôi thường phun từ 4-5 lần thuốc bảo vệ thực vật”.

Ngoài vấn đề trên thì trong quá trình canh tác lúa, nông dân còn nhiều thói quen khác, từ đó đã tạo ra một lượng phát thải khí nhà kính không nhỏ qua từng năm. Chẳng hạn, khi thu hoạch lúa xong thì bà con thường đốt đồng trước khi cày, xới đất để canh tác cho vụ lúa kế tiếp. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nông dân đốt đồng sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ nên mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết, từ đó vô tình làm lãng phí nguồn dinh dưỡng trong đất. Nếu đốt đồng lâu ngày sẽ khiến đất bị biến chất và trở nên chai cứng, nhất là một lượng khí độc như: CO2, CH4, CO, SO2... sẽ thải ra môi trường gây ô nhiễm. Ông Trịnh Tuấn Sỹ, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho hay: “Hai, ba năm nay có máy thu gom rơm nên có một số ít hộ bán rơm, còn đa phần bà con đều đốt đồng và đây là cách làm kéo dài khá lâu rồi. Ngày trước mướn người rải rơm ra rồi đốt, bây giờ có máy cắt thì khỏe hơn nhưng thói quen đốt đồng vẫn khó thay đổi”.

Bên cạnh việc đốt đồng thì nhiều nông dân còn có thói quen bón nhiều phân trong quá trình canh tác lúa. Chính việc làm này nên phân bón khi được đưa xuống ruộng thì chỉ có từ 30-40% được cây lúa hấp thu, phần còn lại bị thủy phân thành nhiều dạng và hòa tan vào không khí, trôi theo nguồn nước và hấp thụ vào đất gây lãng phí rất lớn. Cũng từ đây làm ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng giá thành sản xuất. Tiến sĩ Lê Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holding JSC, thông tin: Việc đốt rơm rạ, bón thừa phân hay để ruộng lúa ngập nước thường xuyên trên ruộng đã và đang tạo ra phát thải khí nhà kính khá lớn và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Qua tính toán sơ bộ, mỗi kg lúa được thu hoạch thì phát thải ra 600gram khí nhà kính. Như vậy, với tổng sản lượng lúa cả năm của Hậu Giang gần 1,3 triệu tấn thì sẽ có một lượng lớn phát thải khí nhà kính, đó là chưa kể trong canh tác cây ăn trái, hoa màu… Thế nhưng, đây chỉ là tính riêng của Hậu Giang, nếu tính cả vùng ĐBSCL thì lượng phát thải khí nhà kính hàng năm sẽ rất lớn nên chúng ta cần xem xét kỹ bài toán này.

Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt

Theo phân tích của nhiều nhà khoa học, quá trình đô thị hóa với nhiều khu công nghiệp mọc lên, cộng thêm những thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân đã và đang là những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ở Hậu Giang, tình hình biến đổi khí hậu đã có những diễn biến rõ nét trong các năm gần đây. Trong đó, biểu hiện đầu tiên là số vụ sạt lở đất bờ sông ở các huyện đầu nguồn đều tăng hàng năm, mức độ sạt lở ngày càng nguy hiểm hơn. Một biểu hiện nữa là nước mặn từ Biển Tây xâm nhập vào địa bàn hai địa phương của tỉnh là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh luôn diễn ra gay gắt vào mùa khô hàng năm. Đặc biệt, mùa khô năm 2016, độ mặn cao nhất lên đến 19‰, riêng năm 2019 này độ mặn cao nhất ở huyện Long Mỹ là 10,8‰, còn thành phố Vị Thanh là 10,3‰. Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống người dân.

Ông Lê Xuân Hiểu, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Do ở đây gần với tỉnh có biển là Bạc Liêu nên mùa khô hàng năm nước mặn thường xuất hiện dưới sông trước nhà nhưng nồng độ thấp. Thế nhưng, khoảng 3 năm nay, độ mặn lên cao đột ngột nên vụ lúa Đông xuân 2016 tôi và nhiều bà con nơi đây gần như mất trắng vì lúa bị ảnh hưởng mặn từ khi mới trổ bông. Riêng năm 2019 này, độ mặn lúc đỉnh điểm cũng trên 8‰ nên bà con rất lo lắng và quyết liệt trong phòng, chống để bảo vệ ruộng lúa và vườn cây ăn trái nhằm tránh lặp lại cảnh của 3 năm trước. Do nồng độ mặn còn ở mức cao nên người dân đang đợi vào mùa mưa mới xuống giống cho vụ lúa Hè thu”.

Cùng với xâm nhập mặn, tình hình biến đổi khí hậu ở Hậu Giang còn thể hiện qua những cơn mưa trái mùa, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện ngày càng nhiều… Ông Nguyễn Văn Lai, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho hay: “Thời tiết bây giờ không còn theo quy luật như trước nữa, nhất là tình trạng nắng, mưa thất thường làm cho dịch hại phát triển nhiều, nông dân canh tác lúa cũng gặp khó khăn. Điển hình như vụ lúa Đông xuân vừa qua, do xuất hiện mưa trái mùa ngay đầu mùa khô làm cho sự phát triển của cây lúa có sự thay đổi. Đó là, lúa trổ bông sớm hơn thời gian sinh trưởng bình thường từ 5-7 ngày. Vì vậy, việc bón phân rước đòng của nông dân không đúng thời điểm làm cho năng suất thấp và đây cũng là năm đầu tiên vụ Đông xuân chỉ đạt 700-850 kg/công (1.300m2), trong khi mọi năm vụ này phải từ 1,1-1,2 tấn/công”.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Những năm qua, nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là trước tác động xấu của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cũng kể đến nguyên nhân là trong quá trình canh tác, nông dân vẫn còn dựa theo thói quen, kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao. Đồng thời, mối liên kết giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng hay các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh… Vì vậy cần có sự liên kết để sản phẩm nông sản làm ra được tiêu thụ ổn định, đưa nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững…

Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC

---------

Bài 2: Liên kết cùng phát triển

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>