Mở hướng cho nền nông nghiệp hiện đại

13/05/2019 | 08:08 GMT+7

Bài 2: Liên kết cùng phát triển

Những năm qua, Hậu Giang lấy kinh tế nông nghiệp làm nền tảng để phát triển nhằm mục tiêu đưa nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, cần có sự liên kết chặt chẽ.

Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu để liên kết tiêu thụ nông sản của Hậu Giang.

Còn phụ thuộc đầu ra

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 nông sản đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu gồm bưởi Năm Roi Phú Thành; khóm Cầu Đúc; cá thát lát Hậu Giang; quýt đường Long Trị; cá rô đồng Hậu Giang; cam xoàn Phụng Hiệp; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt; lúa Hậu Giang 2; mía đường Casuco; xoài Bảy Ngàn. Trong đó, có 3 sản phẩm gồm cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc và cá thát lát Hậu Giang đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhiều nông sản chủ lực bước đầu sản xuất theo hướng VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua những sản phẩm của nông dân làm ra hầu hết chỉ được cung cấp theo mùa vụ, giá bán không ổn định. Chưa kể do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, không ổn định, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao để cạnh tranh được với các thị trường trong khu vực. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Có những mặt hàng đã được ký hợp đồng tiêu thụ, nhưng khi có trở ngại khách quan hoặc chủ quan thì doanh nghiệp thường để nông dân tự xoay xở. Ngược lại, có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý phá hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán vì giá cao hơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Như vụ lúa Đông xuân 2018-2019 vừa qua, khi giá lúa xuống thấp, nông dân phải “đỏ mắt” tìm thương lái, thậm chí còn bị các “cò lúa” bẻ kèo sau khi đặt tiền cọc làm không ít người trồng lúa như ngồi trên đống lửa. Anh Nguyễn Việt Phương, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Gần như nhà nông hiện nay khi làm ra sản phẩm đều phụ thuộc rất lớn vào thương lái. Như gia đình tôi, vụ cam sành vừa rồi bán 10 tấn trái cho thương lái chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, không có được đồng lãi nào sau một vụ canh tác. Đặc biệt, khi cam vào chính vụ nếu sản lượng nhiều thì rất khó tiêu thụ do phụ thuộc vào thị trường và thương lái”.

Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Vị Thanh, cho biết hiện tại sản phẩm của nông dân Hậu Giang chưa vào siêu thị nhiều do một số khó khăn. Như chưa có người đứng ra đại diện gom hàng của các hộ nông dân trong chuỗi liên kết để giao cho siêu thị. Nhất là người nông dân luôn thích bán hàng theo kiểu truyền thống, bán hàng là thu tiền ngay. Còn bán hàng sản phẩm nông sản cho Co.opMart Vị Thanh là thanh toán theo chu kỳ khoảng 20 ngày một lần, do vậy người nông dân chưa thật mặn mà hợp tác.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Huỳnh Thanh Phong, hiện đầu ra, giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc vào thương lái, do phải qua quá nhiều kênh trung gian, vì thế người dân thường bị ép giá. Thời gian qua, ngành đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản như tham gia các kỳ hội chợ, các hội nghị kết nối cung cầu giới thiệu sản phẩm nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Để khắc phục thực trạng này, cần tạo dựng một mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ để hàng hóa sản xuất ra có sản lượng ổn định và chất lượng đồng đều, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng mô hình liên kết

Theo nhiều nông dân, bây giờ làm nông cần phải có sự liên kết vững vàng. Điều này vừa giúp phát triển kinh tế ổn định, vừa giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiến đến nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường. Như HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, lúc đầu khi mới thành lập, sản phẩm ít, khó tiêu thụ, nhưng khi tham gia giới thiệu chanh không hạt tại các kỳ hội chợ thì sản phẩm được nhiều nơi biết đến. Hiện HTX có diện tích trồng chanh không hạt khoảng 100ha, cung ứng ra thị trường hàng ngàn tấn trái mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, cho biết: Hiện chanh không hạt của HTX bán ra ở các chợ và siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Hiện nay, không chỉ bao tiêu toàn bộ diện tích chanh không hạt cho thành viên, HTX còn liên kết và thu mua chanh không hạt của hàng trăm hộ dân trong vùng với sản lượng khoảng 7 tấn trái/ngày theo giá thị trường ở từng thời điểm.

Cũng nhờ sự liên kết tốt với người nuôi mà hiện nay mỗi ngày cơ sở chế biến cá thát lát Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã thu mua từ người nuôi 600kg nguyên liệu cá thát lát tươi để chế biến. Hiện cá thát lát thương phẩm được mua với giá 60.000-70.000 đồng/kg (loại từ 300-500 gram/con). Hàng ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường 300kg cá thành phẩm và trung bình mỗi tháng khoảng 10 tấn cá thành phẩm cung cấp cho một số siêu thị như siêu thị Lotte Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Tứ Sơn, Châu Đốc, tỉnh An Giang và siêu thị Metro ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Ngoài ra, cơ sở còn hợp đồng thu mua với những hộ nuôi cá đúng theo quy trình sạch, an toàn từ con giống đến quá trình chăm sóc. Sắp tới, cơ sở sẽ mở rộng hợp đồng với những hộ nuôi cá theo quy trình sạch, an toàn và sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá cao nhất của thị trường để đảm bảo sự liên kết giữa người nuôi và cơ sở chế biến cùng có lợi.

Ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho rằng: Thông thường, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến nơi thu mua, phân loại, đóng gói, vận chuyển đến nhà máy chế biến hoặc đến chợ đầu mối, làm các thủ tục thu nhận. Với nhiều công đoạn nêu trên, việc quản lý rủi ro không thể đơn giản mà ngược lại cần có tính chuyên nghiệp thì mới làm tốt được. Tạo ra được sản phẩm tốt phù hợp với yêu cầu thị trường chính là tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì một trong các khâu bị bẻ gãy thì rủi ro sẽ ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm. Sự liên kết này cũng làm giảm bớt chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận nhờ vào việc giảm chi phí đầu tư, giảm sản phẩm hỏng, giảm thời gian tồn trữ vận chuyển. Nếu liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân nhỏ lẻ thì mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, khó áp dụng chế tài nếu nông dân không tuân thủ hợp đồng đã ký. Thực tế, có tình trạng bị vỡ hợp đồng do biến động giá thị trường, nảy sinh tình huống bị trà trộn sản phẩm bên ngoài không bảo đảm chất lượng. Vì vậy, công ty đã liên kết với HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở huyện Phụng Hiệp trồng và cung ứng sản phẩm cho công ty. Thông qua mối liên kết này mà nguyên liệu sản xuất ổn định, nhà nông đảm bảo đầu ra, sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang nhiều nước.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh cũng đã nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân. Đặc biệt, mới đây tỉnh còn tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh giao thương, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác giữa nhà sản xuất với hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, kết nối cung cầu nhằm hướng đến mục tiêu liên kết tiêu thụ hàng nông sản, định hướng đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, thực hiện sơ chế tại nguồn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, từng bước đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần vào phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng và kinh tế cả nước nói chung trong thời gian tới… Thông qua buổi kết nối này đã có một số doanh nghiệp ký kết hợp tác với nhà sản xuất, các HTX trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và ngành chức năng cho rằng bên cạnh các mô hình liên kết chuỗi giá trị thì vấn đề hướng nông dân sản xuất theo hướng thông minh đang là việc làm cần thiết trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh như hiện nay. Khi thực hiện thành công việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho nông dân mà còn góp phần nâng tầm giá trị cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là giúp Hậu Giang thực hiện thắng lợi nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”…

Sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang chủ yếu là cây lúa với diện tích 198.524ha, sản lượng hơn 1,268 triệu tấn/năm; cây mía diện tích 10.582ha, sản lượng cả năm hơn 1 triệu tấn; cây rau màu có diện tích 19.939ha; cây ăn trái sản lượng cả năm 339.696 tấn. Thời gian qua, khâu liên kết chủ yếu là trên cây mía, lúa, các sản phẩn còn lại số lượng được hợp đồng tiêu thụ còn khá khiêm tốn.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU - HỮU PHƯỚC

Bài 3: Hình thành những mô hình làm nông thông minh

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>