Hướng đến sản xuất an toàn

14/06/2017 | 07:39 GMT+7

Bài 3: Liên kết tìm đầu ra cho nông sản an toàn

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản theo hướng an toàn thực phẩm. Để phong trào này lớn mạnh và phát triển bền vững, các cấp, các ngành tỉnh đang nỗ lực tìm hướng đi cũng như đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết:

- An toàn thực phẩm luôn là sự quan tâm hàng đầu của người dân, bởi thực phẩm không chỉ có vai trò quan trọng bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ngành sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quyết định trong việc cung cấp ra thị trường các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề “nóng” thu hút cả xã hội quan tâm. Trung ương và tỉnh cũng ban hành các chủ trương, chính sách định hướng lớn về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm. Đối với tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 42 về năm cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn theo hướng GAP, theo chuỗi thực phẩm an toàn trên cá, rau, quả.

Mô hình sản xuất rau an toàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đã thu hút được 12 hộ dân tham gia.

Thưa ông, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư như thế nào trong việc phát triển, nhân rộng những mô hình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm ?

- Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện thí điểm 4 chuỗi sản xuất rau quả và thủy sản an toàn. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo tưới tiêu nước. Tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng nuôi, trồng tập trung; các chợ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm… bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các đầu mối tiêu thụ lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản tỉnh nhà.

Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau quả theo hướng an toàn thực phẩm, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các mô hình này ?

- Trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ đòi hỏi sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng. Do hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn thực phẩm mới được triển khai trên địa bàn nên hiện nay chỉ có 4 chuỗi liên kết sản xuất như chuỗi cá rô, chuỗi cá thát lát, chuỗi rau ăn lá, chuỗi rau quả. Các hộ tham gia vào chuỗi cũng rất tích cực thực hiện theo đúng các phương pháp sản xuất an toàn, cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã hỗ trợ tem nhãn, dụng cụ thu gom cho các hộ tham gia.

Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình vẫn còn nhiều hạn chế như ở khâu tiêu thụ do chưa gắn được nơi mua bán nên người sản xuất theo chuỗi vẫn bán “trôi nổi”. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta chưa nhiều vì đa số các mô hình sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Người tiêu dùng trên thị trường luôn quan tâm đến giá thành phải rẻ, nhưng nếu áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất đạt tiêu chí chất lượng sản phẩm sạch thì giá thành phải cao hơn…

Vậy, tỉnh có chính sách hỗ trợ như thế nào để khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo chuỗi nông sản an toàn, thưa ông ?

- Để chuỗi sản xuất nông thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm thành công thì đòi hỏi cả chuỗi phải liên kết chặt chẽ, nghiêm túc từ khâu sản xuất đến thu gom, sơ chế và phân phối tiêu thụ đến tay người tiêu dùng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng đề án “Sản xuất nông - thủy sản theo chuỗi giai đoạn 2017-2020”, hiện nay đang trình các cơ quan thẩm quyền thẩm định. Theo đó, đề án sẽ tăng bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các cá nhân tham gia chuỗi để khuyến khích người dân tham gia sản xuất nông thủy sản an toàn, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh và dự kiến sẽ tổ chức khoảng 8-10 điểm trong tỉnh. Cụ thể, tổ chức đào tạo kiến thức chung về an toàn thực phẩm, áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất GAP, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP) cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Hỗ trợ về lấy mẫu, kiểm nghiệm; hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, tiền thuê mặt bằng cho các cá nhân tham gia chuỗi trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm đạt chuẩn an toàn…

Thưa ông, trong vấn đề liên kết đầu ra, tỉnh có chỉ đạo các ngành như thế nào để đưa những sản phẩm nông thủy sản sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm đến các đầu mối tiêu thụ lớn ?

- Để sản xuất ra những sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm với quy mô lớn, số lượng ổn định, sản phẩm phong phú đáp ứng nhu cầu của các đầu mối tiêu thụ lớn, có thể ký hợp đồng bao tiêu ổn định thì đòi hỏi người dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất một cách nghiêm túc và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Khi có được hàng hóa ổn định, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xúc tiến thương mại và giải quyết đầu ra cho người sản xuất. Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… để đưa sản phẩm ra siêu thị. Hiện tại, các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh rất cần nguồn hàng an toàn thực phẩm với số lượng ổn định như bếp ăn tập thể, trường học bán trú, khu công nghiệp, nhà hàng… Tỉnh sẽ sớm phê duyệt đề án “Sản xuất nông thủy sản theo chuỗi giai đoạn 2017-2020” để làm cơ sở thực hiện các bước theo quy định, trước khi ký kết hợp đồng với các đầu mối tiêu thụ lớn...

Theo kế hoạch, năm 2017, tỉnh sẽ hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 1 hợp tác xã cá tra tại thị xã Ngã Bảy với diện tích 8ha và chứng nhận HACCP cho 1 cơ sở chế biến cá thát lát tại thành phố Vị Thanh. Tổ chức 7 lớp tập huấn về nội dung sản xuất an toàn theo chuỗi với 205 lượt người tham dự và 23 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho 1.391 lượt người tham dự. Hỗ trợ thu 276 mẫu đất, nước, rau, quả, thủy sản trong mô hình chuỗi gửi kiểm nghiệm… Bước đầu đã tạo được ý thức cho người sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm.

 

Xin cảm ơn ông !

KỲ ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>