Hướng đến sản xuất an toàn

12/06/2017 | 07:12 GMT+7

Trên địa bàn tỉnh đang hình thành những mô hình sản xuất nông sản theo quy trình chuỗi an toàn thực phẩm, góp phần cung ứng ra thị trường nhiều loại sản phẩm chất lượng hơn cho người dân trong và ngoài địa bàn.

Bài 1: Nỗi lo từ sản xuất đến bàn ăn

Hiện nay, khi chọn lựa rau, quả, thịt, cá cho bữa cơm gia đình, hầu hết các bà nội trợ đều đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu nên việc chọn mua thực phẩm có phần “kén chọn” hơn trước.

Người tiêu dùng “cẩn thận” hơn trong việc lựa chọn thực phẩm ở các chợ.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, Hậu Giang chưa có vụ ngộ độc thực phẩm lớn với số lượng trên 30 người. Dù vậy, các ngành chuyên môn cho rằng cần cảnh giác cao và loại trừ những nguy cơ tiềm ẩn từ sớm. Vì thế, những năm gần đây, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đẩy mạnh. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa thực sự an tâm với chất lượng thực phẩm ngày nay.

Hoài nghi về chất lượng

Bà Nguyễn Thị Chín, ở khu vực 1, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho rằng: “Bây giờ ra chợ mua rau cọng nào cũng mập mạp, to tròn. Nhưng thử hỏi có ai dám bảo đảm nó được cách ly thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian trước khi mang ra chợ bán? Giả sử một bó rau muống ở chợ, nếu người ta phun thuốc ba, bốn ngày trước đó thì không tài nào biết được. Giờ tôi chỉ còn cách tìm mua ở những mối quen hay quan sát kỹ và lựa cọng rau không quá lớn, độ xanh mướt vừa phải”.

Quả thật, những thông tin về các vụ thực phẩm bẩn hay các loại nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh cấm như thịt, cá khiến người tiêu dùng ngán ngẩm. Có thể thấy nhiều người mang tâm lý hoài nghi với chất lượng thực phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản được bày bán phổ biến ở các chợ như rau, củ, quả. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bên cạnh ăn ngon, người tiêu dùng hiện nay còn đòi hỏi ở chất lượng thực phẩm phải an toàn. Do đó, đối với những người cẩn thận thì sau khi chọn mua rau, củ, quả thì khâu làm sạch trước khi chế biến thức ăn luôn được họ đặt lên hàng đầu.

Đối với chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, ở phường V, thành phố Vị Thanh, trước khi chế biến món ăn, chị thường rửa cẩn thận rau, củ với nước hoặc ngâm trong nước muối pha loãng. Bởi theo chị Nguyên thì đây là cách đơn giản để giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên nông sản. Không riêng rau, củ, quả, mà thịt heo mua ngoài chợ về thì chị cũng làm vậy. “Rau, củ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật làm sao người tiêu dùng biết được. Lỡ mua nhầm mà ăn vào một lượng ít thì đâu bộc phát liền, nó tích tụ trong cơ thể lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Cho nên, khâu làm sạch và kỹ lưỡng một chút trước khi chế biến sẽ an tâm hơn. Chứ bây giờ chọn hàng hóa ngoài chợ cũng có nhiều may rủi”, chị Nguyên lý giải.

Còn không ít nguy cơ

Mới đây, các ngành chuyên môn Hậu Giang đã triển khai tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến ngày 15-5) trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng qua kiểm tra vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm, chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành của tỉnh và địa phương đã tổ chức được 89 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra gần 1.200 cơ sở đã phát hiện 395 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh và xử lý phạt tiền khoảng 45 triệu đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến là về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; vi phạm về công bố sản phẩm; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ…

Đáng nói là tình trạng “lơ là” với sức khỏe người tiêu dùng ở một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như trong chuyến kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke 333, ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ngành chức năng đã phát hiện nhiều thực phẩm quá hạn sử dụng. Do đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tịch thu tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm quá hạn sử dụng và mời chủ cơ sở đến làm việc, tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. “Chúng tôi phát hiện nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng trong khu bếp. Bao gồm 4 bọc khoai sấy đã quá hạn sử dụng hơn 20 ngày, có dấu hiệu biến đổi màu, 1 hộp bơ đã hết hạn sử dụng 33 ngày. Chưa kể, khâu vệ sinh tại khu vực bếp nấu cũng không đảm bảo theo quy định”, ông Nguyễn Minh Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hậu Giang, thông tin.

Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng buôn bán thức ăn đường phố. Bởi qua rà soát của ngành chuyên môn tỉnh, còn nhiều trường hợp chưa được tiếp cận với kiến thức về an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể đến chất lượng nguyên liệu đầu vào mà các tiểu thương sử dụng. “Chúng tôi kêu gọi các ngành, địa phương cần quan tâm quản lý chặt hơn nữa các điểm buôn bán thức ăn đường phố, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Với các tiểu thương, mong bà con thấy được trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bằng cách sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm rõ nguồn gốc khi bán cho người tiêu dùng”, ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khẳng định.

Sẽ triển khai tiếp một đợt cao điểm về an toàn thực phẩm

Để góp phần giúp người dân Hậu Giang tin cậy hơn trong việc lựa chọn, tiêu dùng các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đảm bảo “bữa cơm an toàn” cho người dân và du khách khi đến Hậu Giang. Cụ thể, đơn vị sẽ tập trung vào mặt hàng gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, nước chấm, rau, thủy sản và thịt heo. Đây sẽ là những bước đi đầu tiên trong hành trình mang thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Nỗ lực vì mục tiêu người Hậu Giang tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Dự kiến trong tháng 6 năm nay sẽ triển khai tiếp một đợt cao điểm về an toàn thực phẩm. Theo đó, UBND tỉnh có yêu cầu ngành nông nghiệp chuẩn bị các loại bao bì cho những sản phẩm nông sản sạch như rau, củ bán ở các chợ. Qua nghiên cứu ở các thành phố lớn, ngành nông nghiệp đã kêu gọi một số đơn vị trong tỉnh đứng ra đầu tư các mô hình mẫu về cửa hàng bán thực phẩm an toàn. Chúng tôi đang trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các mô hình trên”.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

----------------

Bài 2: Tiếc cho những mô hình

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>