Điểm sáng từ sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm

11/09/2019 | 23:55 GMT+7

Sản xuất, chế biến thực phẩm sạch hay canh tác rau màu theo hướng an toàn thực phẩm đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở Hậu Giang.

Các sản phẩm chế biến từ cá thát lát mang nhãn hiệu Kỳ Như đã quen thuộc với người tiêu dùng trong những năm gần đây. Với phương châm luôn đặt sức khỏe của khách lên hàng đầu, bà Nguyễn Kim Thùy, Chủ cơ sở chế biến cá thát lát Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện nay các mặt hàng đều được phản hồi tốt về chất lượng. Người tiêu dùng chấp nhận mức giá có thể cao hơn giá thị trường, nhưng đảm bảo được an toàn, tin cậy.

Chị Thùy chia sẻ: “Những đại lý phản hồi lại là sản phẩm từ cá thát lát của cơ sở Kỳ Như bán được nhiều hơn sản phẩm của các cơ sở khác, do đó mình mới tự tin giữ vững chất lượng qua nhiều năm liền. Giá mắc hơn nhưng người ta vẫn chấp nhận để đảm bảo chất lượng, không mua phải hàng pha tạp. Một số người cũng gợi ý làm thêm nhãn mác hàng hóa có thể ít ngon đi một chút, tất nhiên là không gây hại sức khỏe nhưng tôi từ chối. Bởi từ trước đến nay, cơ sở luôn hướng tới việc xây dựng thương hiệu nên luôn giữ vững cái tâm là làm sao cho ra những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ thị trường, dù lợi nhuận không nhiều”.

Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến xuất xứ hàng hóa cũng như quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như lương thực, thực phẩm…

Các mô hình canh tác trong nhà lưới trở thành điểm sáng lan tỏa ở nhiều nơi trong tỉnh.

Cũng với tiêu chí đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, đã ổn định hoạt động bước đầu. Hiện cơ sở đã mở rộng khu vực chế biến theo hướng dẫn của ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu từ các khâu sơ chế đến thành phẩm. Chị Lê Kim Phụng, chủ cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát, cho biết được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh hướng dẫn nên đang mở rộng khu vực sản xuất lên 130m2 và đang đưa vào hoạt động. Khu vực nhà xưởng mới được thiết kế theo quy trình khép kín đảm bảo từ sơ chế đến ra thành phẩm đóng gói. Hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường dịp cuối năm và các đơn đặt hàng lớn. Bên cạnh đó, cơ sở cũng chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào phải cam kết canh tác theo hướng an toàn thực phẩm.

Tỉnh đã xây dựng thí điểm liên kết sản xuất cung ứng rau, màu theo quy trình chuỗi từ năm 2017. Sau 2 năm triển khai thí điểm, sức hút từ phong trào sản xuất rau màu theo hướng an toàn thực phẩm đã dần lan tỏa ở nhiều địa phương được người dân hưởng ứng học hỏi theo. Bên cạnh đó, các mô hình canh tác rau màu theo quy trình khép kín nhà lưới đang dần mọc lên trở thành điểm sáng trong canh tác nông nghiệp.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, ở ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ ý tưởng ban đầu trồng rau trong nhà lưới chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình. Mặt khác, do thấy thực phẩm bẩn tràn lan nên ông mạnh dạn đầu tư luôn hệ thống nhà lưới 400m2 để trồng rau màu bán ra thị trường. Trung bình một tuần, ông cung cấp khoảng 140kg rau và gần 300kg dưa leo, nguồn tiêu thụ chủ yếu từ bán online.

Ông Nghĩa chia sẻ: “Khoảng 90% khách hàng khi sử dụng lần đầu đều chấp nhận tiếp tục, chỉ 10% khách hàng sử dụng vì tính hiếu kỳ ăn cho biết. Nhiều người họ đặt rau tháng, cứ có rau là đem lại. Giá bán gấp 2-3 lần so với rau màu canh tác thông thường. Tuy nhiên, khách hàng của tôi không ai phàn nàn về giá vì thà ăn ít một chút nhưng phải sạch”.

Sức hút từ các sản phẩm sạch trồng trong nhà kính khá lớn, thị trường rất chuộng. Hiện nay, ông Nghĩa đang chọn giống trồng thử nghiệm dưa hấu thỏi vàng trong nhà lưới để chuẩn bị phục vụ đợt Tết Nguyên đán. Theo dự kiến sẽ trồng khoảng 500 trái dưa hấu thỏi vàng đợt cuối năm.

Những điểm sáng từ phong trào sản xuất, canh tác theo hướng an toàn thực phẩm đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trong tương lai. Đây là hướng đi đúng với định hướng của ngành nông nghiệp trong phát triển sản xuất hướng đến việc nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, nông, thủy sản của tỉnh Hậu Giang cũng đã bày bán ở các thị trường lớn trong nước cũng như xuất khẩu. Mặt khác, UBND tỉnh cũng vừa phê duyệt Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đề án này đến khi triển khai sẽ là một bước tiến mới trong mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, nâng tầm cho các sản phẩm nông, thủy sản của Hậu Giang vươn xa.

Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ra đời với mục đích xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nông thủy sản tại Hậu Giang. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường có yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm. Góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tình hình sản xuất, an toàn thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Làm tiền đề giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, thiếu an toàn để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất văn minh, hiện đại, an toàn.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>