Đề án Hậu Giang xanh: Phát huy hiệu quả tích cực

14/02/2023 | 19:02 GMT+7

Qua 2 năm thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đã góp phần thay đổi ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, giúp cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Người dân ở địa bàn phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, thực hiện tốt việc phân loại rác.

Nhiều điểm sáng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên khẳng định, qua 2 năm thực hiện đề án đã góp phần thay đổi ý thức cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo vệ môi trường. Trước tiên là việc xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như chung tay xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Quan trọng trong hai năm qua là không có trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Các mục tiêu đề án đề ra đều thực hiện đạt với nhiều kết quả nổi bật và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhiều mô hình hay được triển khai trong đề án cũng như lồng ghép như mô hình phân loại rác, khu vực không rác thải nhựa, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, bảo hiểm y tế, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ những mô hình thiết thực đã góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có tất cả 525 ấp, khu vực đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường trong quy chế, quy ước cộng đồng và 75 xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy chế, quy ước vào bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa.

Cụ thể, tình hình kiểm soát ô nhiễm từ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hiện toàn tỉnh có 34.284 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp quy hoạch (trong đó, xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường khoảng 87,02%), đã giảm được 2.093 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm không phù hợp quy hoạch, hiện còn 1.443 hộ. Có 10.028 hộ nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch (trong đó xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường khoảng 97,16%), đã giảm được 203 hộ nuôi thủy sản không phù hợp quy hoạch, hiện còn 348 hộ.

Để việc thu gom rác thải được thực hiện đến tận các khu vực nông thôn sâu, xa nơi đường giao thông chưa được thuận lợi trong việc vận chuyển thu gom rác, tỉnh đã thành lập được 400 tổ vệ sinh môi trường trên tổng số 525 ấp, khu vực trong tỉnh. Theo đó, tỉnh đã đầu tư 675 chiếc xe thu gom rác sinh hoạt, trong đó 669 chiếc xe kéo tay và 6 chiếc xe hon đa, thùng chứa rác. Đồng thời, đầu tư 212 chiếc xe kéo tay thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, 1.458 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đầu tư 3.409 thùng rác sinh hoạt và 66.082 cây xanh bóng mát, cây hoa kiểng để trồng dọc tuyến đường giao thông, tạo cảnh quan môi trường.

Trong năm 2021, các huyện, thị xã, thành phố và ngành nông nghiệp đã tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với khối lượng khoảng 8.296kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và khoảng 2.500kg chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ dân để lẫn lộn trong bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và trong năm 2022 với khối lượng khoảng 18.440kg.

Hiện nay, toàn tỉnh có 596 điểm tại các ấp, khu vực triển khai và duy trì các mô hình về bảo vệ môi trường. Trong đó, có 97 điểm mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, 48 điểm mô hình về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp, 279 điểm mô hình về cảnh quan môi trường, 143 điểm mô hình về ứng phó biến đổi khí hậu, 25 mô hình về vườn ươm cây trồng, vườn cây sinh thái

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể các cấp, các sở, ngành chuyên môn và địa phương đã ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng nhằm cải thiện, tạo cảnh quan môi trường khu vực công cộng vào các đợt hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh. Kết quả dọn dẹp vệ sinh, thu gom được 428,31 tấn rác thải tuyến đường chính, trên kênh, rạch và khu vực công cộng. Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm ở các tuyến đường chính và khu vực công cộng với chiều dài 648,6km. Vớt rác, xử lý lục bình, chà nò, khơi thông dòng chảy ở các tuyến kênh, rạch với chiều dài 422,3km…

Qua 2 năm thực hiện đề án đã giảm được 2.093/3.536 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm không phù hợp với quy hoạch.

Còn nhiều khó khăn trong thực hiện

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên để bảo vệ môi trường tốt hơn nữa, thực hiện đạt chỉ tiêu đề án đề ra, các địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn đang gặp phải. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đối với Đề án Hậu Giang xanh, huyện rất quyết liệt thực hiện và đạt kết quả tốt. Hầu hết các tuyến đường nông thôn mới đều có tuyến đường đẹp. Tuy nhiên, hiện nay việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn, hiện nay một số tuyến xe ô tô thu gom rác thải không vào được. Do từ điểm thu gom đến các tuyến có chiều dài từ 5-7km, phải dùng xe kéo tay là rất khó. Vì vậy, huyện cần được đầu tư xe máy để kéo vận chuyển rác ở những tuyến này.

Còn theo UBND xã Thạnh Xuân, qua 2 năm thực hiện đề án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn xã trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có chỉ tiêu về môi trường. Hiệu quả đề án mang lại rất thiết thực, đến nay việc thành lập 9 tổ thu gom rác và xây dựng hố rác đã thực hiện xong. Tuy nhiên, đối với loại rác là kính thì chưa có hố để gom, vì vậy để lâu ngày rất khó xử lý nên tỉnh có đầu tư hố thu gom đối với loại rác này.

Bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, cho biết: Qua 2 năm thực hiện đề án, huyện đã hoàn thành mục tiêu đề án như phân loại và thu gom. Tuy nhiên, về xe thu gom thì huyện vẫn còn thiếu so với đề xuất ban đầu, hiện mỗi tổ thu gom còn thiếu 1 xe, còn về thùng rác công cộng huyện đã bố trí được 329 thùng, so đề án thì vẫn còn thiếu. Xe thu gom rác kéo tay vẫn là việc khó trong quá trình thu gom, do đó huyện cần tỉnh quan tâm đầu tư xe máy để việc thu gom thuận lợi hơn. Theo đó, khó khăn của huyện là lượng rác nhiều nên tần suất thu gom của các xe thu gom chưa đảm bảo.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2023, tỉnh phấn đấu 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 70% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định. Rà soát, củng cố, thành lập mới và đi vào hoạt động Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực ít nhất 60% trong tổng số ấp, khu vực tại địa phương. Phấn đấu giảm được 60% trong tổng số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch đã rà soát trong năm 2021; không phát sinh thêm trường hợp mới chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch; ít nhất 90% hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất 30% khối lượng phát sinh.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>