Đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông sản sạch

10/10/2019 | 07:50 GMT+7

Sản xuất nông sản sạch đang là xu hướng phát triển được nhiều địa phương thực hiện. Đối với Hậu Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Ngô Minh Long (ảnh), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết cụ thể:

- Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân.

Đặc biệt là đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh về xây dựng thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm bảo đảm an toàn; thực hiện Quyết định số 3075 ngày 20-7-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kết quả của việc tổ chức sản xuất nông sản sạch như thế nào, thưa ông ?

- Ngành đã tổ chức triển khai cho nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn tỉnh đã thực hiện 12 mô hình sản xuất rau sạch, tập trung chủ yếu ở vùng trồng rau sạch trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

Cụ thể ở thành phố Vị Thanh: phường III (4 mô hình), phường IV (2 mô hình), phường V (2 mô hình), xã Vị Tân (2 mô hình); và 2 mô hình trên địa bàn huyện Vị Thủy với 12 hộ dân tham gia sản xuất theo chuỗi với diện tích 16.300m2, chủng loại sản xuất gồm rau, củ, quả các loại…

Ngành còn xây dựng nhiều mô hình chuỗi kiểm soát cung ứng thực phẩm an toàn. Như chuỗi trà mãng cầu xiêm gắn kết từ cơ sở chế biến đến vùng trồng hợp tác xã mãng cầu xiêm Thuận Hòa, có 35 hộ tham gia với diện tích 45ha; hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, có 65 hộ tham gia với diện tích 72ha; chuỗi cá thát lát Cơ sở Kỳ Như gắn kết các hộ nuôi trồng thủy sản, có 5 hộ tham gia với diện tích 4ha…

Hiện nay, vấn đề tổ chức sản xuất nông sản sạch cho nông dân có gặp khó khăn, trở ngại gì không ?

- Theo ghi nhận của ngành, tổ chức sản xuất nông sản sạch cho nông dân vẫn gặp những khó khăn, trở ngại về sản xuất, kinh doanh nông sản còn rời rạc, nhỏ lẻ nên tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Người dân sản xuất rau vẫn còn theo tập quán canh tác cũ, biết gì trồng đó, không theo nhu cầu thị trường, không có kế hoạch sản xuất dẫn đến sản phẩm không ổn định, có lúc thừa lúc thiếu.

 Quy mô của chuỗi còn nhỏ lẻ, sản lượng chưa ổn định, nhiều sản phẩm chuỗi còn phụ thuộc vào mùa vụ nên việc liên kết đầu ra gặp những bất cập.

Ngoài ra, thị trường đầu ra cho các sản phẩm rau an toàn của hộ dân chưa ổn định, còn hạn chế về số lượng và chủng loại; hàng hóa cung ứng thường xuyên gián đoạn, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của công ty, doanh nghiệp, trường học... Bên cạnh đó là giá cả rất khó cạnh tranh so với các sản phẩm rau thông thường bày bán trên địa bàn.

Ngành nông nghiệp đã có những hình thức hỗ trợ nào cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, thưa ông ?

- Ngành đã có những hình thức hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản sạch như hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện quy trình kiểm soát theo chuỗi an toàn thực phẩm, bao gồm hỗ trợ kinh phí lấy mẫu đất, nước, sản phẩm định kỳ và thường xuyên.

Sản xuất chả cá thát lát đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Cơ sở Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: TRÚC LINH

Hỗ trợ, tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật, hồ sơ ghi chép trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của người dân. Hỗ trợ tem nhận diện sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ nhà lưới, dụng cụ chứa đựng, bảo quản, bao trái sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hỗ trợ con giống, hạt giống, màng phủ trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao ý thức của người dân về sản xuất nông sản sạch, ngành nông nghiệp có những giải pháp gì ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện Kế hoạch số 111 ngày 29-11-2016 của UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam về thực hiện Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 2870 ngày 6-7-2018 của UBND tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về việc thực hiện chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn.

Tổ chức triển khai thực hiện Ký cam kết an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17 ngày 31-10-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu, thu gom, sơ chế, chế biến đến cơ sở kinh doanh; nâng cao uy tín, trách nhiệm cá nhân với cam kết chất lượng sản phẩm làm ra, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Tổ chức đổi mới các khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước giảm thiểu quy trình sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Tổ chức ký kết hợp tác cung cấp thực phẩm trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm, siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn tỉnh.                   

Xin cảm ơn ông !

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>